Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3

27/03/2023
Ngày 27/3/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3 năm 2023.
Tham dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trực thuộc Chính phủ.
 
Theo chương trình, phiên họp cho ý kiến về 5 nội dung: (1) Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng công trình giao thông; (2) Một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; (3) Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi); (4) Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); (5) Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
 
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược, đã được tích cực thúc đẩy trong nhiệm kỳ này. Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật này nhằm đề xuất các cấp có thẩm quyền xây dựng và ban hành các chính sách mới liên quan một số luật.
 
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp.

 
Về một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, các chính sách được đề xuất đưa vào Nghị quyết chung của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 tháng 5/2023 để thực hiện được ngay, trong thời gian tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
 
Việc này nhằm giải quyết một số vấn đề cấp bách để tạo thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài (khách du lịch, nhà đầu tư, doanh nhân…) trong nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú, làm ăn tại Việt Nam, góp phần phục hồi, phát triển ngành du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung.
 
Các thành viên Chính phủ nhất trí đề xuất Quốc hội cho phép nâng thời hạn thị thực điện tử (E-visa) từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các nước, vùng lãnh thổ; nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.
 
Các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam là rất cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh cho công dân Việt Nam và người nước ngoài.
 
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại phiên họp.

Các thành viên Chính phủ thống nhất với các chính sách được đề xuất, theo đó, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh trên môi trường điện tử; tạo điều kiện cho công dân Việt Nam trong việc xin thị thực nhập cảnh nước ngoài, cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật; tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài xuất nhập cảnh Việt Nam; nâng cao hiệu quả công tác quản lý cư trí người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội…
 
Về dự án Luật Căn cước thay thế Luật Căn cước công dân năm 2014, các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá đây là một dự án luật quan trọng, tác động lớn tới quyền, lợi ích của người dân, có nội dung có nhiều vấn đề mới nên còn có nhiều ý kiến khác nhau, cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng.
 
Các thành viên Chính phủ thảo luận sâu đối với các nội dung mới như việc cấp căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi, cho người gốc Việt Nam ở nước ngoài, tích hợp thông tin trên cơ sở dữ liệu…
 
Đối với các nội dung mới, cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, tham khảo có chọn lọc, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của Việt Nam; chuẩn bị tốt nguồn lực thực hiện để phục vụ thuận lợi tối đa cho người dân.
 
Kết luận chung về phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thời gian qua, chúng ta đã rất quyết liệt trong xây dựng và hoàn thiện thể chế. Năm 2022, Chính phủ đã tổ chức 10 phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật. Trong 3 tháng đầu năm 2023, Chính phủ đã tổ chức 3 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, cho ý kiến đối với 16 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

 
Toàn cảnh phiên họp.

Chính phủ đã chấp hành nghiêm, tích cực cụ thể hóa, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, tập trung vào 3 đột phá chiến lược, trong đó có việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, nhất là xử lý những vấn đề vướng mắc mà thực tiễn đặt ra, những vấn đề đã được pháp luật quy định nhưng không còn phù hợp thực tế, những vấn đề chưa dự báo được khi xây dựng luật.
 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao các bộ, ngành đã tích cực chuẩn bị, trình các dự án, đề nghị xây dựng luật; nghiêm túc tiếp thu, giải trình; tích cực thẩm định, thẩm tra kịp tiến độ trình Chính phủ; đánh giá cao ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sâu sát với tinh thần xây dựng cao của các thành viên Chính phủ và các đại biểu.
 
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành chủ trì tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến của các thành viên Chính phủ, tiếp tục hoàn thiện các dự án luật, đề nghị xây dựng luật, dự thảo nghị quyết, bảo đảm tiến độ và nâng cao chất lượng; chú trọng việc tổ chức lấy ý kiến các đối tượng tác động, nhà khoa học, chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn; tăng cường truyền thông chính sách để tạo sự đồng thuận; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, đặc biệt là các cơ quan của Quốc hội.
 
Lưu ý thêm một số nội dung, Thủ tướng đề nghị các quy định, thủ tục xuất nhập cảnh phải tạo thuận lợi cho người dân và du khách, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, hiện đại hóa, giảm phiền hà, phòng chống tiêu cực. 
 
Thủ tướng đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí cùng các cơ quan soạn thảo cần làm tốt hơn nữa công tác truyền thông chính sách trước, trong và sau khi xây dựng, ban hành chính sách, giải thích rõ những vấn đề liên quan, đặc biệt là quyền, lợi ích, nghĩa vụ và trách nhiệm của người dân.
 
Theo Thủ tướng, công việc ngày càng nhiều khi thực tiễn diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhiều văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng từ lâu, có những văn bản mới xây dựng nhưng thực tiễn đã vượt qua, nên phải rà soát, bám sát thực tiễn, điều chỉnh kịp thời, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nút thắt, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, phù hợp điều kiện đất nước và tình hình từng giai đoạn, nhất là giai đoạn có nhiều khó khăn hiện nay, tạo động lực, xung lực, cảm hứng để góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
 
 
Quang Minh - Hà Văn
Tìm kiếm