Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế để thực hiện các khuyến nghị được đưa ra đối với Việt Nam theo Công ước chống tra tấn

20/06/2022
Chiều 20/6/2022, tại Hà Nội, Bộ Công an Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng dự thảo Đề cương Kế hoạch hành động quốc gia để thực hiện các khuyến nghị được đưa ra đối với Việt Nam theo Công ước chống tra tấn. Tiến sĩ Phạm Văn Công, Trưởng phòng Pháp luật quốc tế và điều ước quốc tế, dẫn độ và chuyển giao người bị kết án phạt tù, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp - Bộ Công an, Phó Tổ trưởng Tổ Thư ký xây dựng Báo cáo quốc gia lần thứ hai của Việt Nam về thực thi Công ước chống tra tấn và bà Diana Torres, Trợ lý Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đại diện của 11 bộ, ngành Trung ương, bao gồm: Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban dân tộc, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính.

Tiến sĩ Phạm Văn Công phát biểu khai mạc tại Hội thảo.

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sĩ Phạm Văn Công cho biết, Hội thảo này là một hoạt động hợp tác quốc tế thực hiện theo Quyết định số 1975/QĐ-TTg ngày 31/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc. Hội thảo này cũng là hoạt động nằm trong khuôn khổ thực thi Công ước chống tra tấn tại Việt Nam mà Bộ Công an là Cơ quan thường trực thực hiện.

Việc tổ chức Hội thảo nhằm thu thập, nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc các thông tin, kinh nghiệm hay, thực tiễn của các quốc gia trong việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia triển khai các khuyến nghị về các công ước về quyền con người nói chung và chống tra tấn nói riêng; cũng như kinh nghiệm, thực tiễn của các bộ, ngành tại Việt Nam trong xây dựng Kế hoạch thực hiện đối với các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, qua đó, cung cấp nguồn thông tin, tài liệu cần thiết phục vụ cho việc xây dựng dự thảo Đề cương Kế hoạch hành động quốc gia để thực hiện các khuyến nghị được đưa ra đối với Việt Nam theo Công ước chống tra tấn.

Toàn cảnh Hội thảo.

 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe 03 tham luận chia sẻ “Những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện Công ước chống tra tấn”, “Thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế - Các cơ chế quốc gia cho hoạt động báo cáo và theo dõi” và “Thực tiễn và kinh nghiệm quốc gia trong điều phối, thực hiện và báo cáo theo các Cơ chế nhân quyền của Liên Hợp quốc”. 

Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng đã thảo luận, đưa ra nhiều ý kiến góp ý quý báu, bổ sung nhiều thông tin về lý luận và thực tiễn để hoàn thiện dự thảo Đề cương Kế hoạch hành động quốc gia để thực hiện các khuyến nghị được đưa ra đối với Việt Nam theo Công ước chống tra tấn. Đồng thời nhận định Hội thảo là một hoạt động thiết thực trong triển khai Công ước chống tra tấn với sự hỗ trợ nhiệt tình của UNDP tại Việt Nam, là đóng góp quan trọng để xây dựng và hoàn thiện Kế hoạch hành động để thực hiện các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn; khẳng định nỗ lực của Việt Nam trong triển khai Công ước chống tra tấn.

Bà Diana Torres phát biểu tại Hội thảo.


Phát biểu tại Hội thảo, bà Diana Toress, Trợ lý Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam đã bày tỏ sự ghi nhận, ủng hộ nỗ lực thực hiện, thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam và hoan nghênh những nỗ lực đang thực hiện của Bộ Công an Việt Nam nhằm xây dựng một kế hoạch cụ thể để phối hợp và thực hiện Công ước chống tra tấn.

Bà DianaToress nhấn mạnh, Hội thảo này là sự kiện nhằm tạo cơ sở để trao đổi kinh nghiệm quốc tế trong việc điều phối, thực hiện và báo cáo theo các cơ chế nhân quyền của Liên Hợp quốc, bao gồm Công ước chống tra tấn mà Việt Nam là thành viên phê chuẩn. Kể từ khi được phê chuẩn Công ước chống tra tấn vào năm 2015, Việt Nam đã tiếp tục nỗ lực biến các cam kết của mình theo Công ước thành các hoạt động cụ thể và có ý nghĩa nhằm ngăn chặn hành vi tra tấn và các hình phạt hoặc đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Các hoạt động này bao gồm việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan đến quy định của Công ước như Luật Thi hành tạm giữ và tạm giam năm 2015 có quy định về thăm thân và hỗ trợ pháp lý trong quá trình điều tra; Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi đã tăng cường hơn nữa quyền tiếp cận luật sư trong tất cả các giai đoạn tố tụng hình sự….

Các đại biểu tham dự Hội thảo. 

 

Minh Ngân
Các bài viết khác
Tìm kiếm