Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ Công an chủ trì xây dựng Hiệp định ASEAN về dẫn độ, Đoàn công tác Việt Nam đến từ Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ do Thiếu tướng Vũ Ngọc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an làm Trưởng đoàn đã tham dự cuộc họp này.
|
Trưởng đoàn các nước ASEAN tham dự cuộc họp. |
Hiệp định ASEAN về dẫn độ sẽ được xây dựng trên cơ sở Hiệp định mẫu ASEAN về dẫn độ và có tham khảo các điều ước quốc tế về dẫn độ. Trên tinh thần cầu thị, sau 02 ngày làm việc khẩn trương, hiệu quả, cuộc họp đã thảo luận về tên gọi Hiệp định, lời mở đầu và 4 điều của Hiệp định.
|
Thiếu tướng Vũ Ngọc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an (bên phải) – Trưởng Đoàn công tác Việt Nam. |
Tại Cuộc họp lần thứ nhất, Nhóm công tác đã xây dựng Điều khoản tham chiếu và thống nhất sẽ hoàn tất dự thảo Hiệp định trình lên ASLOM trong thời hạn 02 năm kể từ ngày thông qua Điều khoản tham chiếu. Để thực hiện điều này, kết thúc Phiên họp, Nhóm công tác đã thảo luận về kế hoạch để hoàn thành dự thảo Hiệp định. Theo đó, các cuộc họp tiếp theo dự kiến tổ chức tại In-đô-nê-xi-a (tháng 12/2022 do Ban Thư ký ASEAN chủ trì; tháng 3/2023 do In-đô-nê-xi-a chủ trì); Thái Lan (tháng 6/2023) và tại Mi-an-ma (tháng 10/2023). Nhóm công tác dự kiến sẽ hoàn thành dự thảo cuối cùng vào tháng 10/2023 để báo cáo lên Hội nghị quan chức pháp luật cấp cao giữa các quốc gia ASEAN lần thứ 22 xem xét.
Cùng với các điều ước quốc tế trong khu vực khác như Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa các nước ASEAN, Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, Hiệp định ASEAN về dẫn độ khi được ký kết sẽ là công cụ pháp lý quan trọng, mạnh mẽ để các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng hợp tác phòng, chống tội phạm một cách hiệu quả.