Học tập, rèn luyện theo Sáu điều dạy của Bác là phong trào hoạt động chính trị có ý nghĩa sâu sắc, luôn được các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân quan tâm, được xem là nội dung trọng tâm trong công tác chính trị, tư tưởng Công an nhân dân. Sáu điều Bác dạy là nguyên mẫu hoàn thiện trong việc rèn luyện nhân cách, đạo đức, ứng xử và kỹ năng nghề nghiệp của Người Công an cách mạng, từ đó xây dựng nên hình ảnh mẫu mực của lực lượng Công an nhân dân. Sáu điều Bác dạy, mỗi điều nói về một nội dung song có mối quan hệ biện chứng, gắn kết chặt chẽ với nhau, hợp lại là một chỉnh thể thống nhất mà trong học tập, thực hiện, lực lượng Công an nhân dân cần nhận thức sâu sắc và đầy đủ.
|
Thiếu tướng Trần Minh Lệ phát biểu tại Hội nghị học tập, nghiên cứu, quán triệt nội dung Kết luận số 21 - KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Quy định số 37 - QĐ/TW của Ban chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm. |
Trong công tác phòng, chống tội phạm, việc thực hiện lời dạy “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính” của Bác đã trở thành nguyên tắc bất biến, là yếu tố quyết định đến thành quả rèn luyện của mỗi người cán bộ chiến sỹ cũng như là yếu tố tiên quyết trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm. Lực lượng Công nhân dân luôn thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác và đã áp dụng có hiệu quả trong từng giai đoạn lịch sử, từng lĩnh vực công tác, phù hợp với từng loại đối tượng đấu tranh. Đối với lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, việc học tập, thực hiện lời dạy “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm chính”của Bác cần được hiểu và vận dụng một cách linh hoạt, song vẫn đảm bảo đúng nguyên tắc cốt lõi trong cả hoạt động phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm và vi phạm về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.
Để thực hiện lời dạy đó có hiệu quả, trước hết, lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm (PCTP) về môi trường cần hiểu, xác định đúng “Cần, kiệm, liêm, chính” là cái gốc, là nền tảng của con người mới xã hội chủ nghĩa nói chung, đối với cán bộ, đảng viên nói riêng, đặc biệt là lực lượng Công an nhân dân thì đó phải là đức tính đầu tiên làm nên tư cách người Công an cách mệnh. Nội dung "cần, kiệm, liêm, chính" đối với lực lượng Công an nhân dân nói chung, lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường nói riêng có những nét đặc trưng riêng, đòi hỏi chuẩn mực cao hơn so với xã hội.
“Cần” đối với mỗi cán bộ, chiến sỹ lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường là sự siêng năng chăm chỉ, cố gắng, chủ động và hiệu quả trong công tác, chiến đấu ở từng lĩnh vực nghiệp vụ cụ thể; phải khắc phục mọi khó khăn, trở ngại, không ngại hy sinh tính mạng để hoàn thành nhiệm vụ được giao. “Kiệm” là tiết kiệm về thời gian, tài sản của mình và của Nhân dân, không lãng phí, xa hoa, phô trương trong mọi lĩnh vực công tác, chiến đấu chống tội phạm; là điều kiện quan trọng để thực hiện liêm, chính. “Liêm” đối với lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường là phải làm việc tuân thủ nguyên tắc và theo quy định của pháp luật, thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, tuyệt đối không tham ô, nhận hối lộ, luôn tôn trọng, giữ gìn của công và tài sản của Nhân dân, không xâm phạm đến lợi ích chính đáng dù là nhỏ nhất của Nhân dân, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. “Chính” là không tà, là thẳng thắn. Người cán bộ Cảnh sát môi trường có chính nghĩa phải là người “Việc phải dù nhỏ mấy cũng làm, việc trái dù nhỏ mấy cũng tránh”, đồng thời phải có thái độ và trách nhiệm đấu tranh quyết liệt để bảo vệ chân lý, chính nghĩa, thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh; phải trung thực, dũng cảm nhận rõ khuyết điểm của bản thân, chân thành học hỏi, thẳng thắn tự phê bình và phê bình, vững vàng xử lý các tình huống tác động đến bản thân: bạo lực không làm khuất phục được ta, tiền tài không mua chuộc được ta, sắc đẹp không cám dỗ được ta; khó khăn không làm ta nản chí; gian nguy không sờn lòng, thắng lợi không kiêu ngạo, chủ quan, thất bại không chùn bước...
Tuy mỗi phẩm chất có nội dung riêng nhưng cần, kiệm, liêm, chính lại gắn bó mật thiết với nhau, đòi hỏi phải thực hiện nó trong một tổng thể, cái này làm tiền đề cho cái kia để tạo thành chỉnh thể về nhân cách của người Công an cách mạng. Cần, kiệm, liêm, chính phải được thể hiện cụ thể trong thực tiễn công tác, chiến đấu, trong đời sống xã hội và trong phong cách của từng cán bộ, chiến sỹ, đòi hỏi phải được tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên thì mới có được. Để rèn luyện được cần, kiệm, liêm, chính theo lời dạy của Bác, cán bộ, chiến sỹ lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường cần phải không ngừng nâng cao trình độ chính trị, nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng, rèn luyện bản lĩnh chiến đấu và xây dựng phong cách chính quy, hiện đại trong công tác, chiến đấu.
|
Cục Cảnh sát PCTP về môi trường chủ trì phối hợp với các đơn vị chức năng phát hiện Công ty TNHH MTV Môi trường Trà Vinh (cơ sở tại xã Tập Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh chôn lấp trái pháp luật hàng chục nghìn tấn chất thải không qua xử lý, ngày 08/9/2022. |
Với việc quán triệt, thực hiện Sáu điều Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy Công an nhân dân, mà đặc biệt là đức "cần, kiệm, liêm, chính" - chuẩn mực đầu tiên của người Công an nhân dân. những năm qua, lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường đã không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực, trình độ nghiệp vụ; tích cực, chủ động, kịp thời phát hiện, cương quyết đấu tranh với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm. Trên cơ sở làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, xác định được đặc điểm, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm về môi trường, xác định rõ tuyến, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm để chỉ đạo, hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương tập trung lực lượng đấu tranh, xử lý nghiêm với các đối tượng vi phạm.
17 năm qua (kể từ khi thành lập năm 2006), lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường đã phát hiện trên 228.000 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên và an toàn thực phẩm. Khởi tố và đề nghị khởi tố 5.185 vụ; 7.475 bị can, xử phạt vi phạm hành chính 206.723 vụ với số tiền 2.700 tỷ đồng. Trong đó Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường phát hiện: 2.260 vụ, khởi tố, đề nghị khởi tố 29 vụ, xử phạt VPHC: 1.857 vụ; số tiền 291 tỷ đồng.
Một số vụ việc điển hình như: Phát hiện, xử lý vi phạm của Công ty TNHH Vedan Việt Nam lắp đặt đường ống ngầm xả thải trái phép, gây ô nhiễm môi trường sông Thị Vải trong thời gian dài; sự cố ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung do Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Fomusa gây ra; vụ bắt giữ đối tượng Hà “đen”, Phượng “râu” khai thác trái phép gỗ tại địa bàn các tỉnh Tây Nguyên... Gần đây nhất, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường đã trực tiếp khởi tố nhiều vụ án khó, trước đây chưa từng có tiền lệ, gây bức xúc trong dư luận, như: Vụ “Gây ô nhiễm môi trường” tại Nông trường Vân Du, Thạch Thành, Thanh Hóa; vụ “Vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” tại một số tỉnh như Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Bắc Giang…; vụ “Sản xuất buôn bán hàng giả” là thuốc bảo vệ thực vật xảy ra tại tỉnh Bắc Giang và vụ “Sản xuất buôn bán hàng giả” là thực phẩm xảy ra tại Công ty Cổ phần sữa Hà Lan có nhà máy sản xuất tại Chí Linh, Hải Dương; Công an nhiều tỉnh, thành phố cũng trực tiếp khởi tố vụ án hình sự về các tội danh theo thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra. Những kết quả, thành tích trên đã góp phần cùng toàn lực lượng Công an nhân dân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, góp phần tạo môi trường xã hội lành mạnh, ổn định, phục vụ phát triển kinh tế của đất nước và cuộc sống của người dân.
Trước sự phát triển nhanh chóng của tình hình thế giới và khu vực, nhiều vấn đề môi trường mới đã và đang phát sinh, gây nhiều khó khăn, thách thức lớn đối với công tác bảo vệ môi trường nói chung và công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường nói riêng. Đặc biệt là các vấn đề môi trường toàn cầu, xuyên quốc gia, đòi hỏi sự chung tay, tích cực hành động của Chính phủ các nước, như: Ô nhiễm môi trường xuyên quốc gia; biến đổi khí hậu, thiên tai; ô nhiễm môi trường biển; an ninh năng lượng…
Tiếp tục học tập, quán triệt thực hiện Sáu điều Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy Công an nhân dân, trong thời gian tới, lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường sẽ nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức, chủ động nhận diện, phát hiện những vấn đề mới liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường để tham mưu đề xuất Bộ Công an, Chính phủ, các bộ, ban ngành liên quan các chủ trương, giải pháp xử lý hiệu quả. Tham mưu hoàn thiện các quy định của pháp luật, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho hoạt động của lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường. Tiếp tục nghiên cứu, học tập, nâng cao năng lực công tác, sức chiến đấu của toàn lực lượng, chủ động phòng ngừa, tích cực đấu tranh, kiên quyết xử lý nghiêm tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm, hoàn thành xuất sắc, nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ, Bộ Công an và nhân dân tin tưởng, giao phó.
* Tiêu đề bài viết do Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an đặt.