Thượng tá Trịnh Khắc Cường, Phó Giám đốc Công an tỉnh KonTum thông tin về một số phương thức, thủ đoạn hoạt động cụ thể của các đối tượng:
Bước 1: Thông qua mạng xã hội, đối tượng truy cập vào trang Facebook, Zalo cá nhân (tài khoản thật) của lãnh đạo các sở, ban, ngành... sau đó thu thập thông tin và lấy hình ảnh cá nhân.
Bước 2: Thiết lập một tài khoản Facebook, Zalo khác (tài khoản mạo danh) với tên tương tự và sử dụng hình ảnh thu thập được làm ảnh đại diện.
Bước 3: Kết bạn với những người có trong danh sách bạn bè, chủ yếu là bạn bè trong nội bộ cơ quan của tài khoản thật.
Bước 4: Đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo bằng cách nhắn tin hỏi thăm, tạo lòng tin với những người vừa kết bạn được để mượn số tiền lớn, nhờ chuyển tiền cho người thân hoặc chuyển tiền để phục vụ công tác của cơ quan. Số tiền này thường được yêu cầu gửi vào số tài khoản ngân hàng của một người khác hoặc số tài khoản có họ tên tương tự lãnh đạo các sở, ban, ngành được chúng mua lại trên mạng và sau đó thực hiện hành vi chiếm đoạt.
Công an tỉnh Kon Tum thông báo và đề nghị quần chúng nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không để các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi phát hiện kẻ xấu mạo danh tài khoản mạng xã hội với phương thức, thủ đoạn nêu trên, đề nghị bảo ngay cho cơ quan Công an gần nhất; đồng thời liên hệ với Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (số 219 Trần Hưng Đạo, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) để được hưởng dẫn các biện pháp bảo vệ tài khoản cá nhân, phòng tránh hậu quả, thiệt hại và phối hợp điều tra, xử lý đối tượng.