Người dân cần nhận diện rõ bản chất của Pháp luân công

19/01/2022
Pháp luân công còn có tên gọi khác là Pháp luân đại pháp do Lý Hồng Chí (sinh năm 1952 tại Cát Lâm, Trung Quốc) lập ra năm 1992; sau đó Lý Hồng Chí đã sang Mỹ định cư. Năm 1993, hội nhóm này được biết đến với tên gọi “Hội nghiên cứu Pháp luân đại pháp” được Bộ Dân chính Trung Quốc cấp phép hoạt động.
Tài liệu truyền bá Pháp luân công mà lực lượng Công an thu giữ được.


Sau 30 năm, thực tế cho thấy Pháp luân công không phải tôn giáo, tín ngưỡng, cũng không có sự sáng tạo nào kể cả kết quả nghiên cứu khoa học hay lý thuyết tư tưởng hệ, mà chỉ dựa trên cơ sở vay mượn, cắt xén của các tôn giáo khác để hình thành. Cụ thể, Pháp luân công tự cho mình là một hệ phái Phật giáo, nhưng các bài tập theo Pháp luân công bản chất là sự tạp pha theo lịch sử khí công đã được nhà sư Phật giáo, võ sỹ Đạo giáo và học giả Nho giáo luyện tập từ xa xưa, xem như một hình thức cải thiện tinh thần, đạo đức và thể chất.
 

Lực lượng Công an tỉnh Quảng Ninh đấu tranh với đối tượng truyền bá Pháp luân công trái phép.



Các đối tượng tuyên truyền, người tập luyện Pháp luân công sẽ sửa được tâm tính, chữa được bách bệnh chỉ bằng các bài tập khí công của Lý Hồng Chí. Tổ chức của Pháp luân công không có nhà thờ hoặc nơi thờ tự, quyền năng chỉ được trao duy nhất trong các bài giảng của người thành lập là Lý Hồng Chí. Xét về phạm vi tổ chức, Pháp luân công được thực hiện thông qua cộng đồng kết nối toàn cầu chủ yếu là trực tuyến. Lý Hồng Chí dùng các trang thông tin điện tử để điều phối hoạt động và giảng bài.
 

Cơ quan chức năng làm việc với đối tượng (nữ) truyền bá Pháp luân công.


Pháp luân công du nhập vào Việt Nam từ những năm 2000. Hai người Việt Nam tập Pháp luân công đầu tiên là Nguyễn Nam Trung ở thành phố Hồ Chí Minh và Trần Ngọc Trí ở thành phố Hà Nội. Đến nay, tại Việt Nam có khoảng trên 7.000 người tham gia, luyện tập tại 565 điểm nhóm, tập trung chủ yếu ở thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
 

Lực lượng Công an cả nước liên tiếp phát hiện các tài liệu tuyên truyền trái phép Pháp luân công.


Để tuyên truyền về Pháp luân công, các đối tượng đã sử dụng nhiều cách thức khác nhau như: phát tán nơi công cộng hoặc trong khu dân cư; lập các trang Web và tài khoản mạng xã hội truyền bá qua Internet; gửi tài liệu qua đường bưu chính đến nhiều đối tượng khác nhau; tiếp cận những vùng dân trí còn hạn chế để lôi kéo tham gia…
 

Đối tượng phát tán tài liệu tuyên truyền trái phép Pháp luân công tại một Chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.


Pháp luân công vào Việt Nam đã gây không ít hệ lụy tiêu cực cho xã hội. Hiện tại, Pháp luân công không được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, mọi hành vi truyền bá Pháp luân công trên lãnh thổ Việt Nam đều là trái pháp luật.

Thời gian gần đây, Pháp luân công ra sức tuyên truyền tà thuyết về sự trừng phạt mà mỗi người phải gánh chịu khi đến “ngày tận thế” để hù dọa, khống chế, kiểm soát tinh thần những người cả tin, nhẹ dạ. Một số đối tượng còn thần thánh hóa Lý Hồng Chí là người tạo ra thế giới muôn loài và cứu giúp chúng sinh. Do tin tưởng vào những luận điệu thiếu căn cứ nêu trên, những người tin theo Pháp luân công khi có bệnh đã từ chối điều trị tại các cơ sở y tế vì cho rằng luyện theo Pháp luân công sẽ chữa được “bách bệnh”, dẫn đến hậu quả đau lòng.
 

Phạm Thị Thiên Hà bị dẫn giải ra hầu tòa về hành vi tàn ác của mình.


Nghiêm trọng hơn, từ sự mê muội mà một số người theo Pháp luân công đã tự biến mình thành tội phạm. Điển hình như vụ án xảy ra vào năm 2019, tại tỉnh Bình Dương, đối tượng Phạm Thị Thiên Hà đã cầm đầu một nhóm tu luyện Pháp luân công thực hiện hành vi giết chết 02 người rồi cho vào bồn nhựa đổ bê tông hòng phi tang xác nạn nhân. Nguyên nhân xuất phát từ sự mâu thuẫn cá nhân trong quá trình "tu tập" giáo phái lạ...
 

Đối tượng tuyên truyền trái phép Pháp luân công gắn với khẩu trang y tế.


Trước tình hình dịch bệnh Covid-19, các đối tượng luyện tập Pháp luân công tại Việt Nam đã ra sức tuyên truyền, phát tán tài liệu nhằm mục đích kêu gọi sự tham gia của nhiều người cùng vào luyện tập. Điển hình như vụ việc đưa nội dung tuyên truyền Pháp luân công vào gói khẩu trang để phát tán, bị lực lượng Công an tỉnh Hà Tĩnh phát hiện vào cuối tháng 3/2020. Vào tháng 4/2020, Công an tỉnh Bình Phước cũng phát hiện 02 đối tượng lợi dụng việc phát cơm từ thiện để phát tán tài liệu tuyên truyền về Pháp luân công.
 

Tài liệu tuyên truyền trái phép Pháp luân công được các đối tượng gắn với khẩu trang y tế.

 

Các đối tượng lợi dụng việc phát cơm từ thiện trong đợt dịch Covid-19 để tuyên truyền Pháp luân công.


Ngoài ra, lực lượng Công an cũng đã phát hiện trường hợp các đối tượng luyện tập Pháp luân công tung tin giả trên mạng xã hội. Điển hình là vào ngày 13/8/2021, đối tượng Nguyễn Thị Tuyết (trú tại tỉnh Ninh Bình) đã sử dụng điện thoại truy cập vào tài khoản Facebook của mình có tên là “Quang Minh” và đăng tải, chia sẻ bài viết trên mạng xã hội với nội dung “Nhờ niệm 9 chữ chân ngôn” Pháp luân công để chữa khỏi Covid-19 và khẳng định trong vòng 10 ngày chuyển từ dương tính sang âm tính, không còn triệu chứng “Không 1 viên thuốc, không 1 phương cách nào khác”. Nội dung bài viết do Nguyễn Thị Tuyết đăng tải là hoàn toàn bịa đặt, không có cơ sở khoa học, gây hoang mang trong nhân dân, làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
 

Đối tượng Nguyễn Thị Tuyết tuyên truyền khỏi Covid-19 nhờ luyện tập Pháp luân công.


Người dân cần nhận diện rõ bản chất của Pháp luân công, kịp thời phát hiện, trình báo với lực lượng Công an khi xuất hiện người có hành vi truyền bá Pháp luân công trên địa bàn.
 

 

Trần Xuân
Liên kết