Phòng, chống tội phạm cướp tại các ngân hàng và cơ sở kinh doanh có giá trị lớn

07/12/2023
Nhiều vụ việc cướp, cướp giật liên quan đến ngân hàng và các cở sở kinh doanh có giá trị lớn với tính chất ngày càng manh động, liều lĩnh. Phần lớn các đối tượng phạm tội là do nợ nần, quẫn bách về tài chính, thiếu tiền tiêu xài cá nhân, ham mê cờ bạc muốn có một khoản tiền lớn nhưng thất nghiệp hoặc việc làm không ổn định, làm ăn thua lỗ nên nảy sinh ý định phạm tội.

Theo thống kê, từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn cả nước xảy ra 62 vụ cướp liên quan đến các chi nhánh ngân hàng (cơ quan Công an đã nhanh chóng điều tra, khám phá, xử lý đối tượng gây án đối với 60/62 vụ, đạt tỷ lệ 97%). Chỉ tính riêng trong năm 2023, đã xảy ra 09 vụ cướp và 24 vụ cướp giật tại tiệm vàng; 17 vụ cướp và 06 vụ cướp giật tại cơ sở kinh doanh dịch vụ tiện ích. Gần đây, tội phạm này gia tăng về số vụ, tính chất ngày càng manh động, liều lĩnh gây bức xúc dư luận.

Điển hình như:

Khoảng 10 giờ 30, ngày 26/10/2023, tại Phòng giao dịch Nhị Xuân, chi nhánh Sacombank Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh xảy ra vụ cướp do 03 đối tượng  gồm Nguyễn Ngọc Mỹ (30 tuổi, trú tại Bình Dương), Lâm Phúc Lợi (23 tuổi, quê Vĩnh Long), Nguyễn Thị Bích Tuyền (22 tuổi, trú tại Bến Tre) thực hiện. Các đối tượng đặt mua 2 súng tự chế, sau đó Lợi và Mỹ cầm súng vào uy hiếp, khống chế nhân viên, bảo vệ, khách hàng lấy tiền, phi tang công cụ gây án rồi lẩn trốn. 

Vào lúc14h15’ ngày 14/11/2023, do làm ăn thua lỗ, nợ nần, Nguyễn Tuấn Anh (28 tuổi, trú tại TP Vinh, Nghệ An, là Phó Giám đốc Chi nhánh Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu và làng nghề Phổ Hải - địa chỉ Nghi Xuân, Hà Tĩnh), đến phòng giao dịch Ngân hàng Agribank chi nhánh Cửa Lò, Nghệ An rút dao khống chế nữ nhân viên ngân hàng yêu cầu đưa tiền. Khi mọi người tri hô thì đối tượng hoảng sợ chạy tẩu thoát.

Khoảng 13h30’ chiều 22/11/2023, tại Ngân hàng BIDV, Phòng giao dịch Ngũ Hành Sơn, địa chỉ 169 Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng đã xảy ra vụ cướp do Nguyễn Mạnh Cường (SN 1998 trú tại Quế Sơn, Quảng Nam, chủ mưu) và Trần Văn Trí (SN 2001, trú tại Hòa Vang, Đà Nẵng) đã sử dụng dao và súng đe dọa nhân viên ngân hàng. Khi bị anh Trần Minh Thành là nhân viên bảo vệ và người đi đường tri hô, truy cản, đối tượng đã dùng dao đâm anh Thành tử vong. 

Qua trình điều tra cho thấy, khi thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng nghiên cứu kỹ, lên kế hoạch, phân công vai trò, sử dụng vũ khí, hung khí (chủ yếu là súng) để uy hiếp nhân viên ngân hàng, lực lượng bảo vệ, chủ cơ sở kinh doanh để cướp tài sản. Trong số 60 vụ cướp ngân hàng cho thấy có 20 vụ các đối tượng dùng súng tự chế, súng bắn đạn cao su, súng bắn đạn chì; 16 vụ các đối tượng dùng súng giả; 02 vụ dùng súng quân dụng; 10 vụ dùng bom, mìn giả; 12 vụ dùng dao, xăng đe dọa…

Khám nghiệm hiện trường, truy bắt kịp thời đối tượng gây án, cướp tài sản tại tiệm vàng trên địa bàn tỉnh Trà Vinh vào ngày 30/11/2023 .


Về nguyên nhân, điều kiện nảy sinh tội phạm:

Phần lớn các đối tượng phạm tội thường nợ nần, quẫn bách về tài chính, thiếu tiền tiêu xài cá nhân, ham mê cờ bạc muốn có một khoản tiền lớn nhưng thất nghiệp hoặc việc làm không ổn định, làm ăn thua lỗ nên nảy sinh ý định phạm tội. Hầu hết các đối tượng phạm tội lần đầu, một số đối tượng có tiền án, tiền sự, ngáo đá, tham gia các tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma túy…

Một số đối tượng có đặc điểm tâm lý lệch chuẩn, suy nghĩ bột phát, thậm chí thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sẵn sàng thực hiện hành vi cướp tài sản để thỏa mãn các nhu cầu tiêu xài cá nhân. 

Nguyên nhân về phía ngân hàng và các cơ sở kinh doanh thường không thực hiện đầy đủ các khuyến cáo về công tác phòng ngừa tội phạm hoặc ít kinh nghiệm, kỹ năng trong nhận biết, xử lý tình huống; Chưa trang bị đầy đủ hoặc chưa đảm bảo hoạt động các thiết bị kỹ thuật, công cụ hỗ trợ phòng chống tội phạm; Quầy giao dịch thường gần đường giao thông, chưa ban hành hoặc không thực hiện đầy đủ quy định về việc kiểm tra, phân loại khách hàng trước khi vào khu vực giao dịch, mất cảnh giác, không thực hiện đầy đủ các khuyến cáo về đảm bảo an ninh; Phương án xử lý tình huống cướp tài sản tại phòng giao dịch, tiệm vàng không có hoặc không diễn tập, lực lượng bảo vệ không đảm bảo sức khỏe và kỹ năng xử lý tình huống, kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ. Khi bị đối tượng đe dọa, nhân viên và lực lượng bảo vệ thường mất bình tĩnh, hoảng sợ, chưa làm tròn trách nhiệm bảo vệ sự an toàn cho ngân hàng, nhân viên và khách hàng, phản ứng chưa tương xứng với tính chất sự việc.

Qua thống kê cho thấy có 21 vụ nhân viên bảo vệ không hành động, 09 vụ bảo vệ có hành động bấm chuông báo động hoặc báo ngay Công an (trong đó 03 vụ đối tượng bị lực lượng Công an bắt giữ tại hiện trường)…

Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tổ chức diễn tập tình huống đối tượng sử dụng vũ khí cướp ngân hàng, bắt giữ, khống chế con tin.


Để phòng ngừa, ngăn chặn các vụ cướp liên quan đến các ngân hàng, cơ sở kinh doanh, Bộ Công an đề nghị đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa, trước hết các chủ cơ sở kinh doanh chủ động lắp đặt, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng hệ thống camera, phục vụ công tác đảm bảo an ninh, trật tự, kiểm soát địa bàn… 

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần chỉ đạo hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu xây dựng phương án, giải pháp chiến lược tổng thể để phòng ngừa tội phạm ngân hàng; tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác cho nhân viên và lực lượng bảo vệ của hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng.

Các ngân hàng, cơ sở kinh doanh cần tổ chức tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng phòng vệ cho nhân viên và lực lượng bảo vệ sử dụng thành thạo công cụ hỗ trợ, kỹ năng phát hiện, đánh giá các tình huống xử lý khi xảy ra để áp dụng các biện pháp phù hợp. Cung cấp số điện thoại, đường dây nóng, kết nối hệ thống cảnh báo, báo động sớm, kết nối tín cảnh báo khẩn cấp từ các chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng đến cơ quan Công an gần nhất.

Thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát công tác phòng ngừa tội phạm tại các chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng, phát hiện, khắc phục những hạn chế, thiếu sót để tội phạm liên quan đến ngân hàng không có điều kiện hoạt động. Kịp thời phối hợp với lực lượng Công an cơ sở để giải quyết, xử lý các tình huống đáng ngờ ngay từ sớm trước khi xảy ra các vụ án.

Kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cần có giải pháp ngăn chặn, gỡ bỏ các hội nhóm, nội dung tiêu cực kích thích hành vi tội phạm cướp ngân hàng, cướp tài sản trên không gian mạng.

Bộ Công an sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ,  Công an các đơn vị, địa phương chủ động phối hợp tổ chức tuyên truyền, bồi dưỡng kỹ năng phát hiện, xử lý tình huống cho chủ cơ sở, nhân viên, lực lượng bảo vệ; phát hiện, tư vấn khắc phục những sơ hở trong quy chế, quy trình công tác liên quan đến quản lý tài sản, giao dịch với khách hàng; đẩy mạnh xã hội hóa mô hình “camera an ninh”; vận động các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, quần chúng nhân dân lắp đặt camera an ninh và chia sẻ dữ liệu hỗ trợ công tác phòng chống tội phạm.… nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, chấp hành pháp luật của người dân trong công tác đấu tranh với tội phạm cướp ngân hàng.

Tăng cường công tác đấu tranh, trấn áp tội phạm, quản lý đối tượng, nhất là các đối tượng “nguy cơ cao” gây án như quẫn bách tài chính, đang nợ nần, làm ăn thua lỗ, vay nặng lãi, thất nghiệp, tham gia tệ nạn xã hội, nghiện ma túy… gắn với đấu tranh, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để ngăn chặn nguồn vũ khí gây án; Tổ chức tập huấn và diễn tập thực địa phương án về xử lý, giải quyết một số tình huống cấp bách, phức tạp khi xảy ra vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm trật tự xã hội phù hợp với đặc điểm, quy mô, điều kiện tại từng địa phương.


 

 


 

Ban Biên tập
Liên kết