Xuất cảnh sang Campuchia lao động trái pháp luật: Những hệ lụy và bài học cảnh giác - Bài 4

19/07/2022
Ra nước ngoài làm việc luôn là một quyết định lớn và cần tìm hiểu kỹ trước khi quyết định để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Hãy "Nghĩ trước bước sau” là trang facebook và kênh Zalo của Tổng đài 111 cập nhật kiến thức, theo dõi tin tức chính thống về lao động và việc làm ở nước ngoài mà người dân có thể tìm hiểu, tham khảo để có được những thông tin bổ ích, thiết thực về lao động, việc làm ở nước ngoài.
Hãy "Nghĩ trước bước sau”


Nhu cầu sang nước ngoài tìm kiếm việc làm của công dân là hoàn toàn chính đáng, pháp luật không nghiêm cấm. Tuy nhiên, việc công dân xuất cảnh trái pháp luật sang nước ngoài làm việc là hành vi vi phạm pháp luật của Việt Nam và nước sở tại, hành vi này sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Nhân “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” 30/7/2022, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia khuyến nghị mọi công dân đề cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ bản thân và gia đình mình; nhất là cần phải cảnh giác với các mối quan hệ qua mạng xã hội, hứa hẹn công việc có thu nhập cao, cá nhân hoạt động tuyển dụng trên mạng không có địa chỉ hoặc tư cách pháp nhân Việt Nam, tổ chức nhập cảnh sang Campuchia qua đường tiểu ngạch…; từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là những người lạ, người không quen. Hãy tuyên truyền, cảnh báo cho những người xung quanh về thủ đoạn của tội phạm buôn bán người; hiểu rõ hậu quả khi là nạn nhân của mua bán người.
 

Cảnh báo của Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia.


Trường hợp cần hỗ trợ hoặc cung cấp thông tin liên quan đến tội phạm buôn bán người tại Campuchia, đề nghị liên hệ với số điện thoại: +855-974056789 hoặc Tổng đài bảo hộ công dân: +84-981848484. Hiện nay, Việt Nam và Campuchia đã có thỏa thuận đảm bảo pháp lý cho người lao động ở vùng biên và tạo điều kiện cho những người lao động đã được cấp giấy tờ lao động được tiếp tục làm việc, sinh sống hợp pháp. Ngoài ra, lao động Việt Nam cũng có thể đi làm việc tại Campuchia theo kênh chính thức do một số doanh nghiệp đưa đi theo hình thức nhận thầu, trúng thầu, đầu tư ở Campuchia. Nên những thông tin tuyển dụng sang Campuchia “Việc nhẹ, lương cao”, thu nhập nghìn USD, không cần hợp đồng đều là những thủ đoạn lừa đảo, người dân cần phải đề cao cảnh giác, không nghe, không tin để tránh bị lừa đảo. 

Thượng tá Nguyễn Hữu Mạnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hoá cho biết: Đối với những công dân Thanh Hóa đang lao động trái pháp luật bên Campuchia, trong đó có nhiều người bị các đối tượng khống chế, giam giữ bất hợp pháp hiện Công an tỉnh Thanh Hóa đã báo cáo với lãnh đạo Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các cục nghiệp vụ, các sở, ban ngành phối hợp với cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Campuchia xác minh, có phương án giải cứu, đưa công dân về nước. Tuy nhiên, việc này cũng hết sức khó khăn. Trước mắt, người dân hãy tích cực phối hợp với lực lượng Công an, các lực lượng chức năng, tuyệt đối không nghe theo những lời rủ rê, lôi kéo sang nước ngoài trái pháp luật; tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm, phòng, chống nạn mua bán người vì sự an toàn của chính mình và mọi người. Riêng Công an Thanh Hóa đã và đang tiếp tục phối hợp với các cục nghiệp vụ và công an các tỉnh, thành phố tăng cường nắm tình hình, tập trung phát hiện, đấu tranh, xử lý đối tượng, đường dây môi giới, tổ chức đưa người xuất cảnh trái pháp luật sang Campuchia và lừa bán. 
 

Thượng tá Nguyễn Hữu Mạnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tình trạng công dân trên địa bàn xuất cảnh sang nước ngoài lao động trái pháp luật.


Cùng với công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nghiêm đối với tội phạm và nạn mua bán người, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác xuất khẩu lao động; thông tin tuyên truyền kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hoạt động xuất khẩu lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các cơ quan chức năng đã lựa chọn doanh nghiệp có đủ tư cách pháp nhân, được phép tuyển dụng lao động xuất khẩu có các đơn hàng phù hợp với nhu cầu người lao động tham gia tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Các doanh nghiệp công khai đầy đủ, chính xác, minh bạch các khoản chi phí, đóng góp cũng như tiền lương, thu nhập và các quyền lợi của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Việc phát triển các thị trường mới, ổn định, có thu nhập cao cũng được các doanh nghiệp quan tâm, đẩy mạnh. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội tiếp tục thực hiện tốt chính sách cho vay xuất khẩu lao động, ưu tiên các đối tượng thuộc gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số. Các phiên giao dịch việc làm được các Trung tâm Dịch vụ việc làm, các công ty tổ chức thường xuyên, tìm tới tận các thôn bản để tìm kiếm lao động, kết nối cung - cầu lao động. Từ năm 2012 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có trên 95.500 người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài; hiện đang có trên 32.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài. Một số thị trường dẫn đầu tiếp nhận lao động là Đài Loan, Nhật Bản, Rumania, Ả-rập Xê-út, Hàn Quốc... Hàng năm số tiền người lao động đi làm việc ở nước ngoài gửi về tỉnh khoảng 3.000 tỷ đồng. Nhờ đó, giúp nhiều gia đình đầu tư sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm tại chỗ, vươn lên thoát nghèo, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 
 

Công dân trên địa bàn huyện Như Xuân, Thanh Hóa đến các sàn giao dịch việc làm tìm kiếm cơ hội việc làm phù hợp.


Ông Lê Đình Tùng, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thanh Hóa cho biết: Đi lao động ở nước ngoài mà không thực hiện theo các quy định pháp luật của Nhà nước là vi phạm pháp luật. Đồng thời không được cơ quan nào bảo hộ, quản lý nên sẽ gặp rủi ro rất lớn, phải làm việc ở nơi vất vả, độc hại, nguy hiểm, thu nhập không cao. Vì vậy, đối với người lao động, khi có nhu cầu tìm kiếm việc làm thì nên đến các doanh nghiệp, cơ sở có chức năng đưa người lao động đi xuất khẩu lao động để được tư vấn, tìm kiếm việc làm theo nhu cầu, phù hợp với người lao động. Hiện nay, Ban Chỉ đạo xuất khẩu lao động đã được thành lập ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã. Bên cạnh đó có trên 36 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh có chức năng đưa người lao động đi nước ngoài đang về các địa phương để tuyển dụng lao động. Đây là điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận được thông tin, tiếp cận được cơ hội việc làm phù hợp nếu chịu tìm hiểu và có nhu cầu đi lao động nước ngoài chính ngạch, giảm rủi ro cho người lao động. Ngoài ra hiện nay Thanh Hóa đang là tỉnh phát triển mạnh với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư vào tỉnh, nhu cầu tìm kiếm và sử dụng lao động là rất lớn, người lao động có thêm nhiều cơ hội để có việc làm và thu nhập ổn định ngay ở trong nước, trong tỉnh mà không phải “đánh cược” với những rủi ro khi lựa chọn con đường xuất cảnh đi Campuchia hay các nước khác để lao động trái phép. Vấn đề là trước khi ra nước ngoài làm việc, người lao động cần chuẩn bị thật kỹ trước khi quyết định và lựa chọn cho mình một hướng đi, một công việc phù hợp. "Nghĩ trước bước sau” đó là thông điệp hết sức ý nghĩa để người dân cân nhắc trước tương lai, vận mệnh của mình, của người thân./. 

 

HẾT

 

 

 

Đình Hợp - Tất Đạt
Liên kết