Những tín hiệu tích cực từ các mô hình hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng tại Hậu Giang

25/09/2023
Lượt xem: 1259
Để giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, lực lượng Công an tỉnh Hậu Giang đã nỗ lực phối hợp với các ban, ngành, mặt trận, đoàn thể triển khai thực hiện nhiều giải pháp với mô hình, cách làm hay để trở thành chiếc cầu nối đưa những người từng lầm đường lỡ bước có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng, sống hữu ích và trách nhiệm.

Sau hơn 02 năm chấp hành án vì vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, anh Đặng Văn Đen, ở xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ trở về với gia đình, người thân. Những ngày đầu, anh luôn mặc cảm với lỗi lầm, ít tiếp xúc với ai, việc làm ăn cũng gặp rất nhiều khó khăn. Thấu hiểu nỗi niềm đó, cấp ủy, chính quyền địa phương mà nòng cốt là lực lượng Công an cơ sở đã trực tiếp gặp gỡ, động viên, giúp đỡ giới thiệu để anh được vay vốn chăn nuôi. Sống trong sự chia sẻ và đùm bọc của mọi người, bằng chính ý chí, sự nỗ lực vươn lên của bản thân, đến nay anh Đen đã ổn định phần nào kinh tế gia đình. Anh Đen chia sẻ, sau hơn 02 năm chấp hành án tù, lúc mới về rất khó khăn, nhờ sự động viên của chính quyền xã và các đồng chí Công an, anh đã quyết tâm, cố gắng vượt qua mặc cảm làm lại cuộc đời. 

Được thành lập vào năm 2012, “Câu lạc bộ hướng thiện” xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ đã giúp cho 26 thành viên chấp hành xong án phạt tù, đặc xá, đi cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng. Qua đó đã có 09 trường hợp tham gia các mô hình nông dân sản xuất giỏi, 07 thành viên được giới thiệu việc làm, có thu nhập ổn định. Ngoài ra, Câu lạc bộ còn hỗ trợ 13 thành viên vay vốn với số tiền 230 triệu đồng để làm ăn, ổn định cuộc sống. 

Nhờ sự quan tâm giáo dục, giúp đỡ kịp thời của Ban Chỉ đạo Câu lạc bộ và bằng chính ý chí quyết tâm làm lại cuộc đời nên đến nay 100% thành viên đều có việc làm, cuộc sống ổn định, không ai tái phạm. Những người sau chấp hành án khi về địa phương lúc đầu rất mặc cảm với xã hội, do đó để họ tự nguyện tham gia mô hình, Công an xã và các ngành thường xuyên đến tận nhà vận động, tuyên truyền, giúp đỡ những người này có niềm tin trong cuộc sống, bỏ đi mặc cảm, sẵn lòng bày tỏ tâm tư, nguyện vọng chính đáng; từ đó kịp thời nắm bắt những khó khăn, tâm tư để giáo dục định hướng, chia sẻ phù hợp, giúp đỡ hiệu quả. Hiện tại qua các buổi sinh hoạt định kỳ của “Câu lạc bộ hướng thiện” đã tạo ra một nguồn quỹ trong nhóm các thành viên để hỗ trợ xoay vòng với nhau.

Buổi sinh hoạt định kỳ của “Câu lạc bộ hướng thiện” xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ.
Buổi sinh hoạt định kỳ của “Câu lạc bộ hướng thiện” xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ.

 

Tại huyện Châu Thành A, từ năm 2022 đến nay, mô hình “Quản lý giáo dục, giúp đỡ người thuộc diện tái hòa nhập cộng đồng” luôn được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, nòng cốt là lực lượng Công an. Đơn vị đã vận động cán bộ, chiến sĩ tự nguyện hỗ trợ vốn làm ăn hơn 37 triệu đồng cho 4 thành viên trong mô hình (theo chu kỳ 2 năm, không lãi suất). Những người sau chấp hành án rất phấn khởi, khi được hỗ trợ, giúp đỡ; họ đã có việc làm, nuôi sống bản thân mà còn tham gia tích cực đối với phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc của huyện Châu Thành A.

Thượng tá Trần Anh Dũng, Trưởng Phòng Cảnh sát thi hành án và hỗ trợ tư pháp cho biết, thời gian qua, Công an tỉnh Hậu Giang luôn quan tâm giúp đỡ những người sau chấp hành án được vay vốn để tham gia sản xuất, lao động, đã hỗ trợ cho 12 trường hợp vay vốn với tổng số tiền 240 triệu; vận động nhà hảo tâm gần 50 triệu đồng để sửa chữa nhà cho 02 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, Công an tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho những người sau chấp hành án thực hiện các thủ tục pháp lý như xác nhận lý lịch tư pháp, cấp Căn cước công dân…, qua đó, họ đủ quyền công dân đi học nghề, xin việc và đã có hơn 100 trường hợp có việc làm ổn định.

Thông qua các mô hình hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng như “Câu lạc bộ hướng thiện”; “Quản lý giáo dục, giúp đỡ người thuộc diện tái hòa nhập cộng đồng” mà lực lượng Công an các địa phương đang triển khai, nhiều người sau khi chấp hành án về đã dần ổn định cuộc sống và đặc biệt chưa ghi nhận trường hợp nào tái phạm. Mặc dù còn nhiều khó khăn trong hành trình trở về của những người đã từng lầm lỗi, nhưng với tín hiệu tích cực từ các mô hình được triển khai ở các địa phương đã giúp họ phần nào có được một cuộc sống bình thường, từ đó, trở thành người có ích cho xã hội…

 

 

Thế Phong - Tuấn Đạt
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website