Đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 trong lực lượng Công an nhân dân.

06/04/2022
Sáng ngày 06/4/2022, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) trong lực lượng Công an nhân dân.
Toàn cảnh Hội nghị.


Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án 06 của Bộ Công an chủ trì Hội nghị. Tham dự cuộc họp còn có Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ, Phó Trưởng ban chỉ đạo Đề án 06 của Bộ Công an; Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng ban chỉ đạo Đề án 06 của Bộ Công an; các thành viên Ban chỉ đạo Đề án 06 các cấp trong Công an; lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại Hội nghị.


Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, thời gian qua, Công an các đơn vị, địa phương các cấp đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong triển khai Đề án 06 và đạt được những kết quả quan trọng. Thứ trưởng nhấn mạnh, chỉ khi nào dịch vụ công trực tuyến được người dân, doanh nghiệp sử dụng dễ dàng, thuận tiện và hài lòng về chất lượng thì khi đó mới là thành công. Dữ liệu dân cư, mã định danh cá nhân là nền tảng để triển khai các dịch vụ công trực tuyến này, vì vậy Công an các đơn vị, địa phương phải luôn đảm bảo dữ liệu dân “đúng, đủ, sạch, sống”.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, tiến độ triển khai Đề án trong thời gian tới đóng vai trò then chốt, nếu từ thời điểm này đến tháng 5 không thực hiện kịp tiến độ thì năm 2022 cũng sẽ không kịp tiến độ; năm 2022 không hoàn thành theo tiến độ thì Đề án sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Hội nghị lần này phải nhìn nhận những kết quả đã đạt được, đánh giá những khó khăn trước mắt, làm rõ được bức tranh toàn cảnh về triển khai Đề án trong lực lượng Công an nhân dân, từ đó có những giải pháp nhằm đảm bảo tiến độ đề ra.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an trình bày báo cáo tại Hội nghị.


Theo Báo cáo kết quả triển khai Đề án 06, lực lượng Công an các cấp đã chủ động trong việc làm sạch dữ liệu, tiếp nhận, cập nhật thông tin liên quan đến tiêm chủng, an sinh xã hội… Đối với 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thí điểm cấp định danh điện tử tại cấp xã, cần tập trung hoàn thành cùng với các tiện ích: 2 tiện ích trong 1 (cấp thẻ CCCD và định danh điện tử); 3 tiện ích trong 1 (cấp định danh điện tử cùng thẻ CCCD và tài khoản ngân hàng); 4 tiện tích trong 1 (cấp định danh điện tử cùng thẻ CCCD, tài khoản ngân hàng và trợ cấp/cho vay tín chất lãi suất thấp), tập trung vào những người thuộc diện chính sách được vay, từng bước loại bỏ tín dụng đen.

Lực lượng Công an toàn quốc sẽ tiếp tục rà soát và thực hiện các giải pháp cấp CCCD cho 100% công dân trên địa bàn đủ điều kiện được cấp theo quy định; đẩy mạnh thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho các trường hợp đủ điều kiện nhưng chưa được cấp.

Đối với các dịch vụ công tích hợp trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an, đã hoàn thành xây dựng, tích hợp, cung cấp 187 dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an. Trong đó có 44 dịch vụ công mức độ 3 và 143 dịch vụ công mức độ 4. Theo Đề án số 06, Bộ Công an có nhiệm vụ cung cấp 11/25 dịch vụ công thiết yếu, đã hoàn thành tích hợp trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an 07/11 dịch vụ công; 04 dịch vụ công còn lại đang tiếp tục thực hiện, dự kiến hoàn thành trong tháng 4/2022.

Các Cục nghiệp vụ đã tổ chức thử nghiệm quy trình tiếp nhận, xử lý, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính hoàn toàn trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an và hướng dẫn Công an địa phương thử nghiệm các dịch vụ công đã tích hợp, triển khai.

Từ khi ban hành Quyết định số 10695/QĐ-BCA ngày 25/12/2021 đến nay, Cổng dịch vụ công Bộ Công an đã tiếp nhận trực tuyến 167.510 hồ sơ; đã giải quyết 80.326 hồ sơ, trong đó trả kết quả đúng hạn 80.272 hồ sơ (đạt tỷ lệ 99,9%), trả kết quả quá hạn 54 hồ sơ (đạt tỷ lệ 0,1%).

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh thực hiện Đề án 06.


Tại Hội nghị, các đại biểu Công an các địa phương đã trình bày những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai Đề án và đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Đề án trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm đã biểu dương và ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Công an các đơn vị, địa phương từ cấp Cục đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong triển khai Đề án 06 trong thời gian 3 tháng vừa qua; các nhiệm vụ của đề án đã được triển khai quyết liệt theo đúng tiến độ, thể hiện rõ tinh thần gương mẫu, đi đầu của lực lượng CAND được Chính phủ và các ngành ghi nhận, đánh giá cao.

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị.


Bộ trưởng cũng lưu ý, hiện nay các nhiệm vụ của Đề án đang bước vào những giai đoạn khó khăn, phức tạp, nhưng cũng là giai đoạn “then chốt” để hoàn thành mục tiêu của năm 2022; còn nhiều vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc, nếu không tập trung giải quyết thì sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ.

“Chính phủ, các ngành và toàn xã hội rất kỳ vọng và đặt niềm tin vào lực lượng CAND chúng ta, do đó việc quyết tâm thực hiện Đề án không những là nhiệm vụ chính trị mà còn là danh dự của lực lượng Công an nhân dân trước Đảng, Nhà nước và nhân dân”.

Chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị Công an các đơn vị, địa phương phải thống nhất nhận thức sâu sắc, đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của Đề án 06 xuyên suốt theo 4 cấp Công an, từ đó xác định quyết tâm chính trị cao trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện, thể hiện rõ vai trò tiên phong, gương mẫu đi đầu của lực lượng CAND.

Các Giám đốc Công an tỉnh phải trực tiếp tham mưu với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân trong chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án, nhất là đối với 5 thành phố lớn (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng), trong đó Hà Nội là địa phương được chọn làm điểm vì vậy cần thực hiện tốt để các địa phương khác học tập.

Với vai trò nền tảng của dữ liệu, Bộ trưởng yêu cầu cần phải khẩn trương thành lập Tổ công tác rà soát dữ liệu tại cấp xã; sau khi hoàn thành việc rà soát, đi vào hoạt động ổn định, sẽ mở rộng chức năng của các Tổ công tác này thực hiện các nhiệm vụ khác của Đề án. Phải bảo bảo đảm dữ liệu dân cư luôn “đúng, đủ, sạch sống”; thông báo đấy đủ mã số định danh cho công dân, triển khai cấp căn cước công dân cho 100% công dân đủ điều kiện, gắn với cấp tài khoản định danh điện tử, tài khoản ngân hàng để thực hiện các tiện ích của Đề án.

Tập trung thực hiện tốt các dịch vụ công của lực lượng CAND trên môi trường điện tử theo đúng tiến độ, cải cách triệt để các thủ tục, quy trình, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, cũng phải bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn hệ thống và dữ liệu trong quá trình thực hiện Đề án.

Tiến Dũng
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website