Họp Tổ công tác triển khai Đề án 06 tháng 5/2023

31/05/2023
Ngày 31/5/2023, tại Hà Nội, thừa ủy quyền của Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06), Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực, Tổ công tác triển khai Đề án 06 đã chủ trì cuộc họp Tổ công tác triển khai Đề án 06 tháng 5/2023.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc chủ trì cuộc họp.

Tham dự cuộc họp có các thành viên Tổ công tác triển khai Đề án 06 là đại diện các bộ, ngành có liên quan cùng lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an... 
 
Báo cáo tại cuộc họp nêu rõ, trong tháng 5/2023 các mặt công tác thực hiện Đề án 06 tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả. Cụ thể, đối với 25 dịch vụ công thiết yếu thực hiện trên môi trường điện tử, một số dịch vụ công tỷ lệ trực tuyến cao, như: Thông báo lưu trú (đạt 99,9%, tăng 0,1% so với tháng 4/2023); Đăng ký thường trú (đạt 89,4%, tăng 3,7% so với tháng 4/2023)... Một số địa phương làm tốt, như Đồng Nai (đăng ký thường trú đạt tỷ lệ 97,35%, đăng ký tạm trú đạt tỷ lệ 99,19%), Hà Nam (cấp điện mới từ lưới điện hạ áp đạt 100%)....
 
Đại tá Vũ Văn Tấn trình bày Báo cáo tại cuộc họp.

Đối với dịch vụ công Đăng kí dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng: Từ ngày 04/5/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành cho thí sinh toàn quốc đăng ký dự thi chính thức tại phần mềm quản lý thi tốt nghiệp. Tính đến ngày 13/5/2023, đã có 1.025.154 thí sinh đăng ký dự thi thành công, trong đó có 968.903 thí sinh đăng ký trực tuyến (chiếm tỷ lệ 94,51%), 56.251 thí sinh đăng ký trực tiếp (chiếm tỷ lệ 5,49%). 
 
Về các giải pháp phát triển kinh tế, xã hội được thúc đẩy theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an hoàn thành xác thực hơn 25/51 triệu thông tin tín dụng khách hàng vay với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có 21,3 triệu thông tin khách hàng trùng khớp (đạt 83,28%).
 
Toàn cảnh cuộc họp.

Hiện Bộ Công an đang phối hợp với 05 ngân hàng (BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Pvcombank, VIBank) triển khai thí điểm giải pháp định danh, xác thực khách hàng trực tuyến thông qua ứng dụng VNeID, tiến tới cung cấp toàn bộ dịch vụ xác thực thông tin công dân phục vụ nghiệp vụ ngành ngân hàng. Ngoài ra, định danh diện tử còn tích hợp các công cụ số khác như chữ ký số công cộng, sim thuê bao, ví điện tử, hợp đồng điện tử..., từng bước hoàn thiện hệ sinh thái công dân số theo Nghị quyết 50 của Chính phủ.
 
Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, đến ngày 18/5/2023, đã có 16,8 nghìn doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền thành công (tăng 3.623 doanh nghiệp so với tháng 4/2023), với số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là 4,68 triệu hóa đơn (tăng 1,6 triệu hóa đơn so với tháng 4/2023). Tổng số tiền thuế thu trên hóa đơn 222,8 tỷ đồng (tăng 118 tỷ đồng so với tháng 4/2023)...
Đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu tại cuộc họp.

Về phát triển công dân số, tính đến nay, đã thu nhận 32,6 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử, trong đó, phê duyệt 29 triệu hồ sơ (tăng 5,2 triệu hồ sơ so với tháng 4/2023); có 12,3 triệu tài khoản kích hoạt (chiếm 42,5% tổng tài khoản phê duyệt; tăng 3,8 triệu tài khoản so với tháng 4/2023). Đã cấp trên 80 triệu thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử cho công dân. Đến nay, đã có 10 tỉnh, 100 huyện và 298 xã trên toàn quốc cơ bản hoàn thành chỉ tiêu cấp Căn cước công dân cho công dân đủ kiều kiện trên địa bàn.
 
Ngoài ra, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu khác, xác thực và làm sạch dữ liệu tiếp tục được thực hiện có hiệu quả. Cụ thể, đến nay, trên toàn quốc đã có 11 địa phương triển khai số hóa dữ liệu hộ tịch trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, gồm: Thái Nguyên, Bình Phước, Bạc Liêu, Gia Lai, Quảng Bình, Quảng Nam, Hà Nam, Bình Dương, Hải Dương, Phú Thọ, Hà Nội với tổng số: Sổ khai sinh (2,7 triệu bản ghi); khai tử (465.192 bản ghi); kết hôn (895.233 bản ghi); nuôi con nuôi (1.661 bản ghi)...
 
Đồng chí Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính phát biểu tại cuộc họp.

Tham luận tại cuộc họp, các đại biểu đã báo cáo thực trạng triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 tại đơn vị mình. Đồng thời các đại biểu cũng đề xuất các phương án nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thời gian tới các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của Đề án 06, cụ thể như: Tổ chức rà soát và xử lý văn bản quy phạm pháp luật phục vụ triển khai Đề án 06; tiếp tục hoàn thiện hơn nữa cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ, đảm bảo an ninh, an toàn phục vụ cho việc chia sẻ, kết nối dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương...
 
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị các thành viên Tổ công tác tập trung giải quyết nhanh nhất đối với 11 nhiệm vụ còn chậm nhằm phục vụ tốt hơn nữa nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính và phát triển kinh tế, xã hội. 
 
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu kết luận cuộc họp.

Đồng chí Thứ trưởng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp trong thực hiện 02 nhóm dịch vụ công liên thông “Đăng ký khai sinh – đăng ký thường trú – cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú – trợ cấp mai táng phí”, tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý và cán bộ, công chức, viên chức liên quan đến việc thực hiện liên thông các thủ tục hành chính, đảm bảo các điều kiện để triển khai nhân rộng trên toàn quốc.
 
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng đề nghị, các thành viên trong Tổ công tác cần tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn trong thực hiện nhiệm vụ của Đề án 06 theo đúng yêu cầu đặt ra. Bên cạnh đó, đồng chí Thứ trưởng lưu ý các thành viên của Tổ công tác cần đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30/5/2023 về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ. 
 
Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát nhu cầu đào tạo cụ thể về kỹ năng sử dụng công nghệ tin và chuyên môn, nghiệp vụ của các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, phục vụ xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ gắn với yêu cầu chuyển đổi số bảo đảm chất lượng, hiệu quả. 
Hồng Giang
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website