Công điện nêu rõ:
Theo tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 04 giờ ngày 13/10/2016, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 430km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 7 - 8. Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 04 giờ ngày 14/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, trên vùng biên giới Việt Nam - Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 7 - 8.
Do ảnh hưởng kết hợp của áp thấp nhiệt đới, gió Đông Bắc, từ đêm 12/10 đến hết ngày 15/10 các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa cả đợt 200mm, riêng khu vực Nam Nghệ An đến Thừa Thiên Huế khoảng 300 - 500mm. Ngoài ra do ảnh hưởng của triều cường nên nguy cơ cao xảy ra tình trạng ngập úng ở các vùng trũng thấp, đặc biệt khu vực nội thành TP Hồ Chí Minh.
Để chủ động ứng phó với các tình huống áp thấp nhiệt đới, mưa, lũ, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Bộ Công an đề nghị Ban Chỉ huy ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Công an, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy các đơn vị, địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung sau:
1. Thực hiện nghiêm túc Công điện số 27/CĐ-TW ngày 12/10/2016 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT - Ủy ban Quốc gia TKCN và chỉ đạo của chính quyền địa phương về đối phó với mưa, lũ, sạt lở đất. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, mưa lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động ứng phó.
2. Đảm bảo tuyệt đối an toàn trụ sở cơ quan, doanh trại, các cơ sở giam giữ; các mục tiêu kinh tế, chính trị trọng điểm… do lực lượng Công an canh gác, bảo vệ. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
3. Đối với các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi:
- Phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, các khu vực trũng thấp, các hầm lò khai thác khoáng sản; phối hợp với chính quyền địa phương sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm;
- Bố trí lực lượng để tổ chức hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát giao thông tại các khu vực ngầm, đường bị ngập, đò ngang, đò dọc, nơi sạt lở nguy hiểm; không cho người và phương tiện di chuyển khi không đảm bảo an toàn.
4. Đối với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh hạ lưu vùng đồng bằng sông Cửu Long:
- Phối hợp với chính quyền địa phương triển khai giúp nhân dân ứng phó với ngập lụt, di dời tài sản;
- Bố trí lực lượng, thiết bị, cắm biển báo, phân luồng, hướng dẫn giao thông qua các khu vực bị ngập sâu để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
5. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo tình hình về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Bộ Công an (SĐT 069.23.201.60, 069.23.201.52, 069.23.201.19 Fax 069.23.201.19, 069.23.201.60)./.