Cảnh sát nhân dân là một bộ phận của Công an nhân dân - lực lượng vũ trang trọng yếu của Đảng và Nhà nước; đồng thời là lực lượng chuyên trách, nòng cốt trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Ra đời trong bão táp của Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong từng giai đoạn lịch sử, với các tên gọi khác nhau như “Cảnh sát”, “Công an trật tự”, “Trị an dân cảnh”, “Trị an hành chính”, “Cảnh sát nhân dân”, nhưng chức năng, nhiệm vụ cơ bản không thay đổi. Ngày 20/7/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh số 34/LCT công bố Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát nhân dân và Pháp lệnh quy định cấp bậc sĩ quan, hạ sĩ quan Cảnh sát nhân dân. Đây là mốc son quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng Cảnh sát nhân dân. Từ đó, ngày 20-7 hằng năm trở thành Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát nhân dân.
Trải qua các chặng đường lịch sử của dân tộc, lực lượng Cảnh sát nhân dân luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã cùng với quân và dân cả nước đánh thắng kẻ thù xâm lược, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, góp phần giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
|
Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an kiểm tra công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an TP Hà Nội, tháng 1/2012. Ảnh: Công Gôn. |
Trong sự nghiệp đổi mới, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã chủ động đổi mới toàn diện các mặt công tác, các biện pháp nghiệp vụ, từng bước nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, viết tiếp trang sử vẻ vang của mình bằng những chiến công chói lọi. Đã chủ động nắm chắc tình hình; nâng cao hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ cơ bản, tiến hành đồng bộ các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ, kết hợp với phòng ngừa xã hội; phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với nhiều nội dung, hình thức phong phú, thiết thực; tập trung mở nhiều cao điểm tấn công tội phạm; triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm nguy hiểm, tội phạm có tổ chức; truy bắt các đối tượng truy nã; kéo giảm các loại tội phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm hình sự; chủ động phát hiện, điều tra, xử lý có hiệu quả tội phạm tham nhũng, tội phạm ma tuý, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm môi trường… Công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, trật tự công cộng, phòng chống cháy, nổ được triển khai thực hiện quyết liệt, đã tạo sự chuyển biến bước đầu, nhất là trong ý thức chấp hành của nhân dân. Tổ chức tốt công tác quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể tạo mọi điều kiện thuận lợi tái hòa nhập cộng đồng đối với số người đã chấp hành xong án phạt tù. Tích cực cải cách hành chính theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự, vừa phục vụ lợi ích, nhu cầu chính đáng của cơ quan, tổ chức và nhân dân.
Trên lĩnh vực hợp tác quốc tế về đấu tranh phòng, chống tội phạm, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã tích cực, chủ động tham gia các diễn đàn, các tổ chức cảnh sát quốc tế và khu vực nhằm tạo thêm nguồn lực và sức mạnh trong công tác phòng, chống tội phạm. Việc gia nhập Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) năm 1991 và gia nhập Tổ chức Cảnh sát các nước Đông Nam Á (Aseanapol) năm 1995, đã khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Cảnh sát Việt Nam cùng chung sức với Cảnh sát các nước đấu tranh với tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, tội phạm ma túy, tội phạm mua bán người và các tội phạm có tính quốc tế khác. Sự hợp tác có hiệu quả của lực lượng Cảnh sát nhân dân với các tổ chức Cảnh sát các nước, nhất là việc đăng cai phối hợp với Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế tổ chức thành công Kỳ họp lần thứ 80 Đại hội đồng Interpol tại Hà Nội vừa qua đã thông qua các Nghị quyết quan trọng và Chương trình hành động về hợp tác phòng, chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, góp phần mở rộng quan hệ của Việt Nam với các nước trên thế giới và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Quá trình 50 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành, lực lượng Cảnh sát nhân dân luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng; làm tốt công tác chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, chiến sĩ, lấy xây dựng bản lĩnh chính trị, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng làm mục tiêu giáo dục, rèn luyện. Đại bộ phận cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân có lập trường tư tưởng vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, có lối sống trong sạch, giản dị, chấp hành nghiêm kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, tận tụy với công việc, nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, đã có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát anh dũng hy sinh, hàng nghìn đồng chí bị thương hoặc bị phơi nhiễm HIV trong khi làm nhiệm vụ. Những thành tích, cống hiến của lực lượng Cảnh sát nhân dân đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao và tặng nhiều phần thưởng cao quý.
Đất nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trong bối cảnh thế giới đầy biến động, tiềm ẩn nhiều bất trắc, khó lường. Những yếu tố tiêu cực của hội nhập quốc tế, đặc biệt là những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực, cộng với những khó khăn trước mắt về kinh tế, xã hội trong nước, đã và đang tác động đến cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội đang đặt ra hết sức nặng nề, đòi hỏi lực lượng Công an nhân dân nói chung, Cảnh sát nhân dân nói riêng cần ra sức phát huy truyền thống vẻ vang, tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với phong trào “Học tập và thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân”, cuộc vận động “Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”, các phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”, xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Lực lượng Cảnh sát nhân dân cần tiếp tục đổi mới các mặt công tác, phát huy bản chất, truyền thống vẻ vang 50 năm chiến đấu, xây dựng, trưởng thành, thực hiện được các mục tiêu “tham mưu tốt, chiến đấu giỏi và xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh”; quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao chất lượng công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước về công tác đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; các chương trình, mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; phòng, chống mua bán người... gắn với các chương trình kinh tế - xã hội khác nhằm tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng, chống tội phạm và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; vận động nhân dân tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm và tệ nạn xã hội; giáo dục, cảm hóa những người phạm tội và mắc tệ nạn xã hội ở cộng đồng dân cư; tạo ra thế trận toàn dân phòng, chống tội phạm vững chắc ở từng địa bàn, cơ sở.
Thực hiện tốt vai trò nòng cốt, xung kích trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm có tổ chức, tội phạm hình sự nguy hiểm, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma tuý, tội phạm sử dụng công nghệ cao và các loại tệ nạn gây nhức nhối trong xã hội... Nắm chắc tình hình, tập trung nghiên cứu những vấn đề về kinh tế - xã hội, tình hình thế giới và trong nước tác động đến trật tự, an toàn xã hội để đề xuất và thực hiện những biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm và tệ nạn xã hội. Nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; đảm bảo tốt trật tự xã hội ở địa bàn cơ sở, nhất là những địa bàn trọng điểm, phức tạp; kiềm chế và đẩy lùi tai nạn, ùn tắc giao thông; tăng cường các biện pháp bảo vệ an toàn các sự kiện chính trị, văn hóa, những ngày lễ lớn của đất nước...
Coi trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Cảnh sát nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong lực lượng. Thường xuyên chú trọng giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có lập trường tư tưởng vững vàng, kiên định, có ý chí tiến công cách mạng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; sẵn sàng hy sinh để bảo vệ thành quả của cách mạng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ sự nghiệp đổi mới đất nước, bảo vệ nhân dân. Mọi hành động, việc làm của cán bộ, chiến sĩ luôn vì lợi ích của nhân dân, phục vụ nhân dân với tinh thần “thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi, lấy niềm vui của nhân dân làm niềm vui, lẽ sống của mình”. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới lề lối làm việc, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, kiên quyết chống các biểu hiện phiền hà, sách nhiễu; thường xuyên lắng nghe ý kiến của nhân dân, phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với lực lượng Công an nhân dân nói chung, Cảnh sát nhân dân nói riêng.
Tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực công tác của lực lượng Cảnh sát, nhất là hợp tác trong khuôn khổ Interpol, Aseanapol, các diễn đàn song phương, đa phương nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, góp phần phục vụ thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước./.