Cách đây 70 năm, vào 20h ngày 19/12/1946, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc. Sáng ngày 20/12/1946, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi khắp cả nước như tiếng kèn xung trận, vang dội núi sông, thể hiện ý chí quyết tâm sắt đá của cả dân tộc: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, trở thành ánh sáng soi đường đưa dân tộc ta đi đến thắng lợi cuối cùng trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược.
Trong những tháng ngày chiến đấu kiên cường, anh dũng lịch sử ấy, lực lượng CAND đã có những đóng góp rất quan trọng, bảo vệ thành quả cách mạng và chính quyền non trẻ; trực tiếp chiến đấu, làm thất bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” và âm lưu xâm lược của kẻ thù; chủ động chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.
Ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời đã phải đối phó với muôn vàn khó khăn, đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Bên ngoài, giặc ngoại xâm dưới danh nghĩa “đồng minh” không từ bỏ dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa; bên trong, “giặc đói”, “giặc dốt”, giặc nội phản, các đảng phái phản động dưới danh nghĩa “cách mạng quốc gia”, “cách mạng hải ngoại” lăm le lật đổ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lập lại chính quyền tay sai. Trước nguy cơ đe dọa vận mệnh dân tộc, sự sống còn của chính quyền cách mạng, lực lượng CAND tuy còn non trẻ đã bước vào cuộc chiến đấu sinh tử với các thế lực thù địch, nội phản, đế quốc.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, CAND Việt Nam đã góp phần quan trọng hạn chế sự chống phá cũng như hỗ trợ, bao che, tiếp tay của quân đội Tưởng đối với bọn tay sai, đẩy đội quân này về nước để ta tập trung đối phó với thực dân Pháp. Kiên quyết, khôn khéo, linh hoạt thực hiện chủ trương “bài trừ nội phản” đối với bọn Việt Quốc, Việt Cách và các tổ chức phản động thân Nhật, thân Pháp; tổ chức phân hóa, thuyết phục, tranh thủ những đối tượng có cảm tình với cách mạng; theo dõi chặt chẽ, thu thập đầy đủ chứng cứ về tội ác của chúng, vạch trần bản chất phản nước, hại dân trước nhân dân và kịp thời trừng trị khi có điều kiện.
|
Công an và lực lượng vũ trang Hà Nội cùng nhân dân dựng chiến lũy trên đường phố Thủ đô chống giặc Pháp trở lại xâm lược. |
Trong đó, đã phá vụ án phản cách mạng tại số 7 phố Ôn Như Hầu, Hà Nội vào ngày 12/7/1946, tổ chức tổng tấn công, trấn áp, đập tan cuộc đảo chính phản cách mạng do Quốc dân đảng câu kết với quân đội viễn chinh Pháp tiến hành, qua đó, thể hiện rõ bản lĩnh lực lượng vũ trang trọng yếu, tuyệt đối tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Thực hiện vai trò nòng cốt trong bảo vệ trị an xã hội mới, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, lực lượng CAND đã tổ chức thành lập lực lượng “Cảnh sát danh dự không lương”, “Việt Dũng thanh niên đoàn”, “Việt nữ đoàn” ở Hà Nội; “Đoàn Cảnh sát xung phong” ở Hải Phòng, lực lượng Cảnh sát xung phong ở Hà Đông, Thanh Hóa…; Công an trật tự, đội điều tra, đội cảm tử ở các địa bàn chiến sự; phát huy vai trò của quần chúng nhân dân, sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, trinh sát bí mật, quản lý công khai, khám nghiệm hiện trường, điều tra xét hỏi, truy tìm căn cước, đối chiếu hồ sơ…
Qua đó, đã bảo vệ tuyệt đối an toàn các hoạt động của Chính phủ, Quốc hội, các chuyến công tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, các nhân sĩ, trí thức tham gia thành viên Chính phủ; bảo vệ thành công cuộc Tổng Tuyển cử, phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa I, Quỹ Độc lập, Tuần lễ vàng…
Tập trung phát hiện, kịp thời ngăn chặn, triệt phá nhiều tổ chức tội phạm hình sự, lưu manh, côn đồ khét tiếng nguy hiểm chuyên tổ chức ám sát, bắt cóc, tống tiền, gây ra nhiều tội ác man rợ đối với nhân dân như: Bàn tay máu, đội Hùm xám, Thiết huyết đoàn, Thần lôi đoàn ở Hà Nội; vụ truy xét thủ phạm giết người, cướp của tại nhà tư sản Nguyễn Thế Toàn, chủ hiệu buôn Vĩnh Tường, Hải Phòng ngày 03/8/1946 do một số tên Pháp ở trại Lạc Viên gây ra, buộc phía Pháp phải trừng trị đích đáng những tên gây tội ác, chỉ rõ bản chất của lực lượng Công an cách mạng: “Công an của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không phải là một cơ quan chuyên việc bắt bớ giam cầm những người yêu nước mà trái lại là một cơ quan phụ trách việc bảo vệ an ninh cho quần chúng và quốc gia. Làm việc với một tinh thần mới, Công an Việt Nam chỉ có thể là một người bạn của dân chúng Việt Nam và một người công dân đất Việt phải tự cho mình là một nhân viên không chính thức của Công an vụ”(1), góp phần nâng cao hiệu lực và uy tín của chính quyền cách mạng, nhân dân càng tin tưởng và ủng hộ chế độ mới.
Nhận thức rõ đối tượng đấu tranh chủ yếu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là thực dân Pháp xâm lược, thực hiện sách lược “hòa để tiến” theo Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 và Tạm ước ngày 14/9/1946, ở miền Bắc, sau khi quân Pháp vào Hà Nội thay thế quân đội Tưởng, lực lượng CAND đã chủ động cùng với Vệ quốc đoàn tham gia hoạt động công khai trong các Ban Liên kiểm các cấp do hai bên Việt – Pháp thống nhất thành lập để nắm tình hình địch, ngăn chặn các hoạt động khiêu khích của quân Pháp; tổ chức trinh sát nắm tình hình bọn gián điệp, phản động tay sai của Pháp, kịp thời trừng trị những đối tượng liên lạc, tiếp tế cho Pháp, bắt đưa đi an trí những đối tượng nguy hiểm có thể nguy hại đến cuộc kháng chiến lâu dài sau này; tản cư bắt buộc những phần tử phản động chưa đáng bắt và đã từng làm tay sai cho địch; tổ chức đoàn quân Nam tiến của lực lượng Công an gồm 32 cán bộ, chiến sĩ do Cục trưởng Cục Công an Nghệ An trực tiếp lãnh đạo…
Đồng thời, trước tình hình cách mạng ngày càng khẩn trương, để chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài, xây dựng Việt Bắc, quê hương của cách mạng Tháng Tám thành Thủ đô kháng chiến, địa phận các huyện Định Hóa, Đại Từ, Võ Nhai, Phú Lương (Thái Nguyên), Chợ Đồn (Bắc Kạn); Sơn Dương, Yên Sơn (Tuyên Quang) làm nơi xây dựng An toàn khu của Trung ương, tháng 11-1946, Trung ương Đảng quyết định thành lập Đội công tác đặc biệt gồm đại biểu các ngành Công an, Quân đội, chính quyền, đoàn thể quần chúng do đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách.
Theo đó, lực lượng CAND đã nhanh chóng, tích cực tham gia bảo vệ cuộc tổng di chuyển các cơ quan, kho tàng, máy móc, không cho địch phá hoại hoặc chiếm đoạt; bảo đảm hệ thống thông tin liên lạc giữa các địa phương và Trung ương ở chiến khu Việt Bắc, triệt để thi hành chính sách “vườn không nhà trống”, đưa nhân dân tản cư ra vùng tự do an toàn.
Tại Nam Bộ, ngay từ ngày 23/9/1945 được sự giúp đỡ của quân Anh, thực dân Pháp đã nổ súng gây hấn xâm lược, tìm cách mở rộng đánh chiếm Nam Bộ và Nam Trung Bộ, đưa quân ra Bắc Bộ. Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ và quyết tâm “thà chết tự do còn hơn sống nô lệ”, ngay từ những ngày đầu, lực lượng Quốc gia Tự vệ cuộc Nam Bộ và Sài Gòn – Chợ Lớn (2) tuy vừa mới thành lập, với lực lượng ít ỏi, trang bị vũ khí thô sơ nhưng đã nhanh chóng cùng với quân và dân Nam Bộ triển khai lực lượng, trực tiếp chiến đấu, phối hợp chiến đấu, lập nên những chiến công oanh liệt như treo cờ đỏ sao vàng trên đỉnh tháp canh của Sở Chữa lửa Sài Gòn, bắt gọn Bộ Chỉ huy Tổ chức Chính phủ quốc gia liên hiệp, bắt Trương Văn Giáo cầm đầu chính phủ dân quốc; tổ chức trấn áp bọn phản cách mạng, bọn phản động lợi dụng tôn giáo, số phần tử tờrốtkít, tiễu trừ Việt gian, mật thám, chỉ điểm, làm tay sai cho địch; tiến hành xây dựng cơ sở bí mật trong lòng địch, củng cố, xây dựng lực lượng.
Cùng với đó, Quốc gia tự vệ cuộc Cần Thơ và Sóc Trăng đã tổ chức bảo vệ an toàn, đưa đoàn cán bộ, chiến sĩ cách mạng bị địch giam cầm ở Côn Đảo trở về đất liền bổ sung vào đội ngũ lãnh đạo của Xứ ủy Nam Bộ và các tỉnh Nam Bộ, trong đó có các đồng chí Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng, Mai Chí Thọ… Trên địa bàn Trung Bộ, với nhiệm vụ chủ yếu là tích cực chặn đánh tiêu hao sinh lực địch, bảo toàn lực lượng ta, cố giữ vững cho được một số vùng tự do để xây dựng thành căn cứ địa, thực hiện tiêu thổ kháng chiến, lực lượng trinh sát Công an đã phối hợp với quân và dân các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, đặc biệt là quân và dân Nha Trang, Khánh Hòa tiến hành phá hoại, bố trí phòng tuyến, dựng chướng ngại vật trên đường quốc lộ, tổ chức sơ tán người già, trẻ em và kho tàng vào các căn cứ trong rừng núi.
Một số cán bộ trinh sát được bố trí ở lại hoạt động hợp pháp trong các đô thị theo phương thức đơn tuyến, bí mật; một số tổ trinh sát vũ trang đột nhập vào các mục tiêu quan trọng của địch tổ chức đánh phá các cơ sở hậu cần như đột nhập sân bay Nha Trang đốt cháy 2 máy bay và 5.000 lít xăng của địch; làm hỏng Nhà máy thủy điện AngKsoet; đánh giá Nhà máy thủy điện trên suối Ea Nao (Đắk Lắk); tổ chức vây bắt và trừng trị một số tên tay sai nguy hiểm; nắm tình hình, cách thức di chuyển quân, bố phòng và các cơ sở nội gián của địch để phục vụ đắc lực cho Ban Chỉ huy các mặt trận trong công tác đánh địch. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong thư gửi chiến sĩ Nam Bộ và Nam phần Trung Bộ (tháng 12/1945): “Từ ba tháng nay, các anh chị em đã đem xương máu ra để giữ lấy từng tấc đất của Tổ quốc. Tôi và tất cả đồng bào ở Bắc Bộ và phía Bắc Trung Bộ đã bao lần tức giận khi nghe thực dân Pháp đạp lên lãnh thổ của ông cha ta, giết hại nòi giống ta. Đã bao nhiêu lần phấn khởi khi nghe những chiến công oanh liệt do những vị vô danh và hữu danh anh hùng của dân tộc tạo nên, đã bao nhiêu lần hồi hộp cảm động trước những gương hy sinh vô cùng dũng cảm của những người con yêu của Tổ quốc”(3). Đầu tháng 12/1946, sau khi đánh chiếm Hải Phòng, Đà Nẵng và Lạng Sơn, thực dân Pháp càng bộc lộ rõ mưu đồ sử dụng sức mạnh quân sự để phá hoại nền hòa bình của nhân dân ta. Bất chấp những thiện chí hòa bình của Việt Nam, trong các ngày 15 và 16/12/1946, quân Pháp nổ súng gây hấn nhiều nơi ở Hà Nội. Ngày 17/12/1946, chúng cho xe phá các công sự của ta ở phố Lò Đúc, rồi gây ra vụ tàn sát đẫm máu ở phố Hàng Bún và phố Yên Ninh. Đặc biệt là ngày 18/12/1946, chỉ huy quân Pháp gửi tối hậu thư đòi Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu, đình chỉ mọi hoạt động chuẩn bị kháng chiến và giao quyền kiểm soát Thủ đô Hà Nội cho chúng trong vòng 48 giờ. Nếu các yêu cầu đó không được Chính phủ Việt Nam chấp nhận thì quân Pháp sẽ chuyển sang hành động chậm nhất là sáng ngày 20/12/1946.
Trước tình thế đó, Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta không có lựa chọn nào khác là cầm vũ khí đứng lên chiến đấu, phát động cuộc kháng chiến toàn quốc để bảo vệ độc lập dân tộc. Sau hiệu lệnh tiến công, lực lượng Công an Thủ đô đã cùng với quân và dân Thủ đô đã triển khai thế trận chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc, thành lập các ổ đề kháng và các cứ điểm chiến đấu, bảo vệ từng căn nhà, góc phố của Hà Nội, đẩy lùi nhiều đợt tấn công của địch. “Đội liên lạc đặc biệt” gồm 16 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 6 cán bộ trinh sát Công an đã dũng cảm vượt qua chiến lũy, lửa đạn truyền đạt chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, điều tra các vị trí đóng quân của địch, trừ gian, bảo đảm trật tự, trị an khu phố.
Cán bộ trinh sát của Nha và Ty Công an Hà Nội nhanh chóng tỏa xuống các địa bàn chiến sự trọng điểm nắm tình hình địch, tiếp tục truy bắt bọn Việt gian, mật thám, chỉ điểm, phản động, phát hiện nhiều địa điểm vũ trang bí mật của Pháp kiều; chuẩn bị cơ sở cho các hoạt động bí mật lâu dài, xây dựng cơ sở nội tuyến, điển hình và việc thành lập và đưa vào hoạt động “Đội Tình báo Bát Sắt”. Phối hợp với Thủ đô Hà Nội, quân và dân các đô thị ở Bắc vĩ tuyến 16 cũng giành được thắng lợi quan trọng. Quân và dân Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyễn tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh du kích, đánh phá kế hoạch bình định, kiềm chế không cho địch đưa lực lượng chi viện cho Trung Bộ và Bắc Bộ.
Trải qua hơn 60 ngày đêm chiến đấu kiên cường, anh dũng, sáng tạo, lực lượng CAND đã cùng với quân và dân cả nước đã làm tiêu hao nhiều sinh lực địch, tạo điều kiện triển khai thế trận chiến đấu lâu dài. Tại Hà Nội, đêm ngày 17/2/1946, Đội Liên lạc đặc biệt nhận được lệnh dẫn đường đưa Trung đoàn Thủ đô vượt vòng vây, rút lui khỏi Liên khu 1 an toàn. Khi bị địch phát hiện, cán bộ, chiến sĩ của đội đã tổ chức chiến đấu chặn địch, 8 trong số 9 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh anh dũng, trong đó có 4 cán bộ trinh sát chính trị của lực lượng Công an.
Kỷ niệm 70 năm ngày toàn quốc kháng chiến là dịp để chúng ta ôn lại những chiến công oanh liệt, truyền thống vẻ vang và chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc trong những năm tháng hào hùng của thời kỳ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp.
Tiếp tục phát huy tinh thần toàn quốc kháng chiến, nhận thức sâu sắc mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của các lực lượng và sự che chở, ủng hộ của nhân dân, lực lượng CAND quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nòng cốt trong bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, mãi xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân./.