|
Bộ trưởng Tô Lâm và các đại biểu dự buổi Lễ. |
Tham dự buổi Lễ có đồng chí Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thuộc Bộ, các học viện, trường Công an nhân dân...
Từ năm 2013 đến nay, Bộ Công an đã chủ trì tham mưu, trình Quốc hội ban hành 21 luật, 03 nghị quyết; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 02 pháp lệnh, 01 nghị quyết; trình Chính phủ ban hành 91 nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 27 quyết định; ban hành theo thẩm quyền 767 thông tư và 40 thông tư liên tịch. Từ đó, tạo cơ sở pháp lý ngày càng hoàn chỉnh cho lực lượng CAND thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự (ANTT) và xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh.
Hiện nay, Bộ Công an đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu xây dựng các dự án luật: Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; Luật Căn cước công dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; 08 dự thảo nghị định, 04 dự thảo quyết định của Thủ tướng; đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) có liên quan đến công tác bảo đảm ANTT.
|
Toàn cảnh buổi Lễ. |
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được thực hiện có hiệu quả. Từ năm 2013 đến hết 6 tháng đầu năm 2022, Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức trên 32 nghìn hội nghị phổ biến, quán triệt, tập huấn chuyên sâu các VBQPPL liên quan đến ANTT cho hơn 2,1 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ; tổ chức gần 400 nghìn cuộc sinh hoạt đơn vị phổ biến cho hơn 2,6 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ về các VBQPPL; sao gửi hơn 50 nghìn văn bản, tài liệu về pháp luật; biên soạn, in ấn, cấp phát hơn 2 triệu cuốn sách, tạp chí, tài liệu pháp luật, văn bản, băng, đĩa CD có nội dung PBGDPL đến các đơn vị, địa phương thuộc quyền để tổ chức triển khai thực hiện.
Bên cạnh các hình thức truyền thống, nhiều Công an đơn vị, địa phương đã quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, PBGDPL như: Công an thành phố Hà Nội dùng mã QR để truy cập nhanh các thông tin tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; Công an tỉnh Bình Dương, Công an tỉnh Cà Mau thường xuyên đăng tải tin, bài tuyên truyền, PBGDPL về phòng, chống tội phạm; phòng ngừa tai nạn giao thông; phòng, chống dịch Covid-19… trên Trang thông tin điện tử, Fanpage, Zalopage và Youtube của Công an tỉnh...
Phát biểu tại buổi Lễ, thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Bộ trưởng Tô Lâm ghi nhận, biểu dương những kết quả, thành tích mà Công an đơn vị, địa phương đạt được trong 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và triển khai hưởng ứng Ngày pháp luật; đồng thời gửi lời cảm ơn đến các ban, bộ, ngành trung ương, tổ chức chính trị - xã hội, cấp ủy, chính quyền các cấp, cơ quan báo chí, truyền thông đã luôn đồng hành, giúp đỡ, hỗ trợ lực lượng Công an nhân dân trong công tác xây dựng, hoàn thiện, tổ chức thi hành pháp luật và triển khai hưởng ứng Ngày pháp luật.
|
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại buổi Lễ. |
Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy vai trò, ý nghĩa thiết thực, hiệu quả của việc tổ chức hưởng ứng Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu cấp uỷ, thủ trưởng Công an đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm chính trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tốt công tác nghiên cứu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về ANTT, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, ổn định; bám sát, thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh...
Chú trọng hơn nữa đến việc tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về ANTT nhằm thống nhất nhận thức trong cán bộ, chiến sĩ, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, tận dụng các tiện ích của mạng xã hội, viễn thông trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy pháp chế Công an nhân dân; bảo đảm hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ pháp chế Công an nhân dân vững về chính trị, tinh thông nghiệp vụ, giỏi về pháp luật, ngoại ngữ; có năng lực nắm bắt tình hình, phân tích, đánh giá, dự báo để kịp thời đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền tham mưu với Đảng, Nhà nước, cấp uỷ, chính quyền các cấp chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về ANTT.
Đồng chí Bộ trưởng cũng đề nghị Công an các đơn vị, địa phương cần nâng cao nhận thức, tư tưởng, xác định việc tổ chức triển khai Ngày Pháp luật là một bộ phận của công tác chính trị - tư tưởng, nhằm giúp cho cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân hiểu biết và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật. Bảo đảm việc tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật hằng năm có tính định hướng với mục tiêu, chủ đề phù hợp, sát thực với việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội lớn, các sự kiện chính trị - pháp lý trọng đại của đất nước.
|
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng trao Bằng khen của Bộ Công an tặng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. |