Bắc Kạn: Phòng, chống tội phạm từ thôn, xã

05/12/2018
Những năm qua, Chính phủ tích cực chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp, chủ động khắc phục những kẽ hở, thiếu sót trong hoạch định và thực thi chính sách, pháp luật để kiềm chế gia tăng vi phạm pháp luật và tội phạm. Qua đó, tạo chuyển biến rõ rệt, thực hiện tốt nhiều chỉ tiêu theo các nghị quyết của Quốc hội, làm nền tảng cơ bản thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, mang lại niềm tin trong nhân dân.

Hiệu quả từ mô hình tự quản

Tìm hiểu thực tế tại tỉnh Bắc Kạn cho thấy, công tác phối hợp tuyên truyền, vận động, phát động phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" tại nhiều thôn, bản, khu dân cư, trường học được thực hiện đồng bộ, bài bản. Nhiều mô hình hiệu quả ngay từ cơ sở, được đông đảo nhân dân đồng tình, ủng hộ, tham gia. Qua đó, phát hiện sớm các vụ việc, hành vi vi phạm pháp luật, tránh để phát sinh phức tạp về an ninh trật tự (ANTT).

Xã Vi Hương, huyện Bạch Thông là một trong những địa phương tiêu biểu triển khai hiệu quả các mô hình tự quản giúp đẩy lùi tình hình phức tạp về ANTT. Ðáng chú ý, từ cuối năm 2011, kế hoạch "Tác chiến khu dân cư tự quản" được người dân thôn Bó Lịn họp bàn, thảo luận và thông qua, mô hình "Tiếng mõ an ninh" chính thức đi vào hoạt động. Theo đó, mỗi gia đình có 01 chiếc mõ làm bằng tre hoặc gỗ, gõ kêu to, vang xa. Khi có sự việc, sự vụ ANTT xảy ra tại khu vực nào, gia đình nào thì người dân gõ mõ báo hiệu. Thôn quy định: Gõ liên tục là báo động; gõ 02 tiếng là báo khu vực xảy ra sự vụ; gõ 03 tiếng là báo hiệu có trộm cắp; gõ 04 tiếng là báo có vụ đánh nhau, gây mất trật tự công cộng; gõ 05 tiếng là báo hiệu có cháy. Nghe tiếng mõ báo hiệu, các lực lượng nhanh chóng thực hiện nhiệm vụ, giải quyết các sự việc. Nhờ tiếng mõ ANTT, lực lượng công an địa phương đã phát hiện, vây bắt nhiều đối tượng trộm cắp tài sản; ngăn chặn, giải tán kịp thời các vụ đánh nhau, gây rối trật tự công cộng.

Từ mô hình ở thôn Bó Lịn, xã Vi Hương nhân rộng mô hình ra 09 thôn trong toàn xã. Từ năm 2014, Công an tỉnh Bắc Kạn lựa chọn "Tiếng mõ an ninh" là mô hình điểm, nhân rộng và triển khai tại nhiều địa phương, phát huy phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc trên toàn tỉnh. Bên cạnh đó, thời gian qua, Công an tỉnh bước đầu triển khai tốt chủ trương đưa Công an chính quy về hoạt động tại cơ sở. Toàn tỉnh có 03 xã gồm: Vi Hương (huyện Bạch Thông); Nông Hạ, Quảng Chu (huyện Chợ Mới) bố trí trưởng Công an xã là sĩ quan Công an nhân dân. Tại các xã được lựa chọn, việc chủ động phát hiện, giải quyết các vụ việc xảy ra tại cơ sở được cải thiện rõ rệt. Công an xã trực tiếp xuống địa bàn tiếp xúc người dân, qua đó nắm bắt được nhiều vấn đề, thông tin, tâm tư, nguyện vọng để có hướng giải quyết. Bí thư Ðảng ủy xã Vi Hương Ngọc Văn Thoa cho biết, khi chưa có sĩ quan Công an nhân dân về làm Trưởng Công an xã, địa bàn Vi Hương rất phức tạp, nhức nhối về tệ nạn ma túy. Lực lượng Công an xã được tăng cường, hoạt động bài bản, khoa học, có tính nghiệp vụ cao, do đó từng bước triệt phá, giải quyết triệt để vấn nạn buôn bán, sử dụng trái phép ma túy. Ðến nay Vi Hương đã ra khỏi danh sách các xã trọng điểm phức tạp về ma túy.

Ngoài mô hình "Tiếng mõ an ninh" ở thôn Bó Lịn, mô hình "Tổ an ninh liên thôn Pác Chi, Nà Phầy, Nà Ngộm" ở xã Chu Hương, huyện Ba Bể thành lập cuối năm 2012 trên cơ sở tự nguyện, phối hợp nhịp nhàng và nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo người dân. Tổ có 18 thành viên chính gồm các lực lượng: Công an viên, thành viên thôn đội, đoàn viên, thanh niên, có quy chế hoạt động tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia đấu tranh phòng ngừa tội phạm, chú trọng giáo dục thanh niên để hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật. Tổ tuần tra ban đêm vào các ngày nghỉ, lễ, Tết, các đợt cao điểm. Hàng tháng, tổ chức sinh hoạt định kỳ rút kinh nghiệm, đề ra phương hướng, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động. Sau hơn 05 năm, ở 03 thôn, nạn trộm cắp vặt, đánh bạc, thanh niên tụ tập rượu chè gây mất ANTT, số vụ việc liên quan ANTT giảm hẳn. Tiếp nối thành công này, huyện Ba Bể tiếp tục thành lập "Tổ an ninh liên thôn Bản Trù, Nà Cà, Nà Ðông" ở xã Chu Hương.

Từ tháng 8/2018, Công an tỉnh Bắc Kạn xây dựng mô hình tự quản "Hộ an toàn - thôn, bản, tổ dân phố bình yên". Sau 03 tháng triển khai đã xây dựng được 88 mô hình tại các thôn, 4.585 hộ tham gia, thuộc 27 xã, phường ở các huyện Ba Bể, Chợ Mới, Ngân Sơn, Bạch Thông và TP Bắc Kạn. Các thành viên tham gia mô hình này thực hiện theo chức năng nhiệm vụ và trọng tâm là tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân trong tổ thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao cảnh giác, đấu tranh phòng ngừa tội phạm, xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư. Riêng năm 2017, theo số liệu báo cáo, các ngành, các cấp tỉnh Bắc Kạn phối hợp tuyên truyền, vận động, phát động tập trung phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" tại 728 thôn, bản, khu dân cư, sáu trường học, thu hút gần 30.000 lượt người tham gia. Qua đó, quần chúng nhân dân đã cung cấp hơn 1.400 tin có giá trị; phối hợp hòa giải, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, vụ việc nảy sinh từ cơ sở, không để phát sinh phức tạp.

Công an tỉnh Bắc Kạn làm thủ tục cấp Chứng minh nhân dân tại nhà cho người dân huyện Na Rì.

 

Ðể pháp luật đi vào cuộc sống

Ðoàn công tác của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khảo sát việc thực hiện các chỉ tiêu của Nghị quyết số 37/2012/QH; Nghị quyết số 63/2013/QH13; Nghị quyết số 111/2015/QH13 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Kết quả khảo sát ghi nhận trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn cho thấy, Công an tỉnh tiếp tục ra quân trên các tuyến công tác, qua đó hoàn thành nhiều chỉ tiêu theo các nghị quyết của Quốc hội. Ðại tá Dương Văn Tính, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Kạn cho biết, từ thực tiễn công tác, năm nay, đối chiếu chỉ tiêu của các nghị quyết của Quốc hội, tỉnh đã đạt yêu cầu về: Kiềm chế sự gia tăng của vi phạm pháp luật và tội phạm, cháy nổ; không để hình thành các băng nhóm tội phạm nguy hiểm; tụ điểm phức tạp về trật tự, an toàn xã hội; thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; phòng, chống mua bán người. Tỷ lệ xử lý tố giác, tin báo về tội phạm đạt 100% (so với 90% được Nghị quyết số 37/2012/QH đề ra); điều tra, khám phá các loại tội phạm đạt 80,2% (cao hơn so với chỉ tiêu 70%), điều tra, khám phá các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 98,7% (so với chỉ tiêu là 90%).

Về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật (VPPL) năm 2018, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp đánh giá: Mặc dù về tổng thể, tình hình tội phạm được kiềm chế trên nhiều lĩnh vực nhưng lại gia tăng số người chết do hậu quả của các hành vi VPPL và tội phạm thuộc lĩnh vực xâm phạm trật tự xã hội, một số loại tội phạm nguy hiểm tăng. Báo cáo còn đề cập tội phạm và VPPL liên quan hoạt động "tín dụng đen" kéo theo tình trạng siết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật... diễn ra phức tạp. Ðáng lưu ý, qua khảo sát thực tế ở các tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên và một số địa phương khác, hiện tượng này lan rộng đến vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các khu công nghiệp. Về vấn đề này, Bí thư Ðảng ủy xã Nam Cường, huyện Chợ Ðồn (Bắc Kạn) Ma Văn Dũng kiến nghị, để làm tốt công tác phòng ngừa, cần cải thiện đời sống để người dân yên tâm sinh hoạt, sản xuất, đồng thời tích cực tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.

Qua thực tế khảo sát tại các tỉnh: Bắc Kạn, Thái Nguyên, Quảng Trị vừa qua, đại diện lãnh đạo các cơ quan tư pháp, sở, ngành các địa phương cũng phản ánh những khó khăn, vướng mắc, hạn chế. Tại các buổi làm việc, các địa phương đề nghị liên ngành tư pháp Trung ương sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể một số nội dung triển khai thi hành các luật mới ban hành, nhất là Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)... Bên cạnh đó, các cơ quan của Quốc hội, bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát sửa đổi một số nội dung chưa phù hợp để việc triển khai thi hành đạt hiệu quả. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Bắc Kạn Ðinh Quang Tuyên đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương và Viện kiểm sát nhân dân cấp trên tiếp tục quan tâm chỉ đạo sát sao đối với Viện kiểm sát nhân dân ở địa phương triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Ðảng, nghị quyết của Quốc hội về công tác cải cách tư pháp.

 

Văn Chúc - Tuấn Sơn
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website