Tỉnh Bến Tre với đặc điểm địa hình sông ngòi dày đặc, có nhiều tuyến sông quan trọng, là cầu nối vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, có nhiều điểm tham quan du lịch sông nước bằng tàu, ghe và nhiều bến phà, đò vận chuyển hành khách sang sông nên công tác đảm bảo TTATGT đường thủy nội địa luôn được các ngành chức năng chú trọng thực hiện. Ngay từ đầu năm đầu, lực lượng Cảnh sát đường thủy đã xây dựng, triển khai nhiều chương trình, kế hoạch đảm bảo TTATGT đường thuỷ nội địa, tổ chức tuần tra, kiểm soát, tập trung xử lý các lỗi vi phạm trên lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa và các loại tội phạm khác.
|
Lực lượng Cảnh sát đường thủy kiểm tra, xử lý trường hợp vi phạm trên tuyến sông Hàm Luông. |
Vừa qua, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Phòng Cảnh sát giao thông đã tham mưu Giám đốc Công an tỉnh mở cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm TTATGT, trong đó lực lượng Cảnh sát đường thủy đã cụ thể hóa từng nội dung, nhiệm vụ trên lĩnh vực đường thủy nội địa, lồng ghép việc kiểm tra thực hiện các biện pháp đảm bảo TTATGT với tuyên truyền về các mối nguy hiểm trong mùa mưa, bão đối với các phương tiện trên sông. Thành lập nhiều Tổ tuần tra, kiểm soát ở các khung giờ khác nhau, đảm bảo chủ động trong việc nắm tình hình, tập trung kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển hàng hoá, các tàu chở khách du lịch và các bến phà, đò ngang sông.
Sau hơn 02 tháng triển khai thực hiện cao điểm, lực lượng Cảnh sát đường thủy đã tổ chức tuần tra 331 cuộc, lập biên bản xử lý 404 trường hợp vi phạm với tổng số tiền hơn 303 triệu đồng. Trong đó, các lỗi vi phạm thường gặp là: phương tiện không có giấy đăng ký, đăng kiểm; người điều khiển phương tiện không có giấy phép chuyên môn; chở hàng hóa quá vạch mớn nước an toàn; các trường hợp không đủ các điều kiện đảm bảo an toàn cho hành khách…
Theo chân các chiến sĩ tuần tra, kiểm soát trên tuyến sông Hàm Luông, khu vực thuộc thuỷ phận Thành phố Bến Tre, qua trình kiểm tra phát hiện nhiều phương tiện vi phạm về lỗi chở hàng quá tải, vượt vạch mớn nước an toàn theo quy định. Qua làm việc cho thấy, đa phần các lỗi vi phạm đều do lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện giao thông đường thủy, anh Nguyễn Văn Thân, ngụ huyện Châu Phú, tỉnh An Giang - người điều khiển phương tiện vi phạm trình bày: “Chở hàng quá tải đi vào thời tiết đang mùa mưa, gió bão, bản thân cũng biết là nguy hiểm, nhưng mà chở như vậy chủ yếu là muốn có thêm lợi nhuận, để trang trải chi phí đi đường xa". Chính từ những ý nghĩ chủ quan đó cùng với những yếu tố nguy hiểm từ thời tiết mưa, bão như sóng to, gió lớn có khi kèm theo sấm chớp, giông lốc sẽ khiến tầm nhìn người điều khiển bị che khuất và mất khả năng kiển soát do phương tiện quá tải nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố rất cao, đe dọa rất lớn đến tài sản và thậm chí là tính mạng của người điều khiển phương tiện tham gia lưu thông trên sông.
Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh hiện nay loại hình du lịch sông nước bằng tàu, ghe trên các tuyến sông khá phổ biến, thu hút nhiều khách du lịch tham gia, nhất là vào những thời điểm như ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ, tiềm ẩn nguy cơ mất TTATGT trên các tuyến sông nhất là trong các ngày mưa, bão. Vì vậy, công tác kiểm tra, kiểm soát tại các bến khách, địa điểm du lịch sông nước cũng được thực hiện thường xuyên để kịp thời nhắc nhở, xử lý các lỗi vi phạm để đảm bảo an toàn, tránh các sự cố đáng tiệc xảy ra.
Nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra các sự cố cho các phương tiện giao thông đường thuỷ trên các tuyến sông trong mùa mưa, bão ngoài việc triển khai các biện pháp nghiệp vụ thì công tác tuyên truyền, nhắc nhở việc chấp hành các quy định của pháp luật, tuân thủ các nguyên tác đảm bảo an toàn được thực hiện thường xuyên đối với các chủ phương tiện, các bến đò đưa khách sang sông. Chủ yếu kiểm tra bến bãi, việc trang bị các thiết bị cứu hộ đề phòng khi có sự cố xảy ra như áo phao, dụng cụ nổi... Qua đó, nhằm nâng cao ý thức chấp hành và chủ động trong công tác đảm bảo ATGT cho các chủ phương tiện cũng như các hành khách tham gia giao thông đường thuỷ.
Anh Bùi Công Trọn - chủ phương tiện bến đò ngang sông Vàm Nước Trong - Thanh Thuỷ, thuộc xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc cho biết: “Do đang trong mùa mưa, bão, tôi luôn nhắc nhở hành khách khi đi trên phương tiện phải chú ý mặc áo phao hay cầm những vật nổi để đảm bảo an toàn cho mọi người, tuân thủ đúng quy định giao thông đường thuỷ. Khi mà có mưa to, gió lớn thì cũng cho phương tiện ngừng hoạt động, khi nào có dấu hiệu an toàn thì mới tiếp tục vận chuyển hành khách.".
Tính đến nay, tình hình TTATGT đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh tiếp tục được giữ vững ổn định, không có tai nạn xảy ra. Tuy nhiên, để đảm bảo TTATGT đường thuỷ trong mùa mưa, bão và tránh các nguy cơ các sự cố đáng tiếc có thể xảy ra, lực lượng Cảnh sát đường thuỷ sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung kế hoạch, cao điểm, đảm bảo đạt các chỉ tiêu đề ra.
Trung tá Phan Hoàng Lê - Đội trưởng Cảnh sát đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Bến Tre cho biết: “Trong thời gian tới, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thuỷ sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, nhất là đối với các phương tiện vận chuyển hàng hoá và hành khách ngang sông, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm; tăng cường công tác tuyên truyền cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng, thuyền viên và người tham gia giao thông về các quy định của pháp luật và các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông đường thuỷ. Yêu cầu người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm khi tham gia giao thông đường thuỷ, thực hiện khẩu hiệu Văn hoá giao thông với bình yên sông nước để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của cá nhân và mọi người.".
Cùng với sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng, các chủ phương tiện và người tham giao thông đường thủy cần nâng cao ý thức tự giác chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật giao thông đường thuỷ nội địa, chủ động trong công tác chuẩn bị, đảm bảo các yếu tố an toàn khi tham gia lưu thông chính là biện pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa các sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.