Công an các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình chủ động ứng phó với cơn bão số 4

26/07/2017
Tại Hà Tĩnh, để chủ động ứng phó với cơn bão số 4, thực hiện Điện chỉ đạo của Bộ Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Công an tỉnh Hà Tĩnh đến Công an thành phố, các huyện, thị xã, đã có kế hoạch cụ thể, bố trí phương tiện, lực lượng, thực hiện phương châm “4 tại chỗ” khi có yêu cầu.
 

Công an tỉnh Hà Tĩnh đã trang bị thêm xuồng máy có công suất lớn, hàng trăm phao cứu sinh cấp cho các huyện có nguy cơ ngập lụt, hệ thống thông tin được nối mạng với đường truyền quốc gia; bổ sung hệ thống thông tin liên lạc nội bộ  nối liền từ Trung tâm thông tin Công an tỉnh đến Công an thành phố, huyện, thị xã, đáp ứng nhu cầu thông tin một cách thông suốt khi có yêu cầu.

Công an tỉnh đã phối hợp với các ngành như: Sở Nông nghiệp, Giao thông vận tải; Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh; Chi cục quản lý đê điều Phòng, chống bão lụt tỉnh, các ngành chức năng tổ chức khảo sát, kiểm tra các địa bàn trọng điểm thường bị lũ quét, ngập sâu trên diện rộng, các công trình quan trọng phòng, chống lụt bão như: tuyến đê La Giang, đê Hội Thống, đê Đồng Môn, hồ Kẻ Gỗ, hệ thống hồ, đập, kênh, mương thoát nước để kịp thời phát hiện những sự cố xẩy ra.

 

Lực lượng Công an tỉnh Hà Tĩnh chủ động ứng phó với cơn bão số 4.


Đại tá Nguyễn Trọng Tranh, Trưởng Công an huyện Lộc Hà cho biết: Trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết, Công an Lộc Hà đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các lực lượng kêu gọi tàu, thuyền còn đang hoạt động trên biển về nơi tránh trú, hướng dẫn sắp xếp việc neo đậu an toàn. Hiện nay, trên địa bàn xã Thạch Kim có 133 tàu, thuyền; xã Thạch Bằng có 97 tàu, thuyền đã về tránh trú bão; trong dó có 04 tàu ở Bạch Long Vĩ, 02 tàu ở Cát Bà. Lực lượng Công an huyện ứng trực, thực hiện phương châm “4 tại chỗ” khi có yêu cầu.

Tại các huyện Hương Sơn, Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Khê… Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các huyện tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có phương án phòng, chống lụt bão như: Phương án  ứng cứu sơ tán dân, thành lập tổ cứu hộ, cứu nạn, sơ tán dân, cho lực lượng Công an viên, đội dân phòng, tổ chức ký cam kết với các hộ có tàu, thuyền khi có bão lũ  xảy ra phải chịu sự điều động của Ban phòng, chống lụt bão, ở đơn vị luôn có đủ quân số ứng trực thường xuyên, kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu.

Bên cạnh đó lực lượng Công an phối hợp với chính quyền cơ sở đến từng hộ gia đình  kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng, chống bão lụt, vận động người dân cùng chung nhau mua thuyền, các gia đình vùng lũ nên có gác xép, bè nứa… đặc biệt là  các hộ dân ở những nơi có nguy cơ sạt lở  đã vận động họ di dời vào nơi an toàn.

Tại Quảng Bình, do ảnh hưởng của bão số 4, từ 14 giờ chiều ngày 25/7/2017, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có mưa to đến rất to (tổng lượng mưa phổ biến từ 150 - 250 mm cả đợt, có nơi trên 250 mm).

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã tổ chức họp khẩn các sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh triển khai công tác phòng, chống, sẵn sàng ứng phó với bão số 4, trong đó nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi; thực hiện các biện pháp bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân…

Tính đến 16 giờ chiều cùng ngày, Quảng Bình đã kêu gọi được hơn 4.000 tàu, thuyền vào tránh, trú bão ở các âu thuyền, khu neo đậu ở các sông để tránh bão. Để tránh tình trạng tàu, thuyền va đập vào nhau gây hư hỏng, ngư dân đã dùng nhiều lốp xe máy, xe ô tô bị hỏng buộc vào các mạn tàu, người dân trên địa bàn cũng đã chủ động chằng chéo nhà cửa chống bão.

 

Lực lượng Cảnh sát Cơ động Công an tỉnh Quảng Bình nhận lệnh về các điểm xung yếu giúp dân phòng, chống cơn bão số 4.


Ngay trong 02 ngày 24 và 25/7, Công an tỉnh Quảng Bình đã triển khai lực lượng, ứng trực 100% quân số để giúp dân phòng, chống bão số 4. Công an các đơn vị, địa phương chủ động xuống các địa bàn dân cư tập trung hướng dẫn, cùng với người dân sắp xếp neo đậu đảm bảo an toàn đối với tàu thuyền tại nơi tránh, trú bão. Công an Quảng Bình đã kiên quyết không để bất cứ người dân nào ở lại trên tàu, thuyền khi bão vào. Lực lượng Cảnh sát Giao thông được giao nhiệm vụ triển khai chốt chặn, kiểm soát tại các ngầm, tràn, đường bị ngập, đò ngang, đò dọc, phân luồng hướng dẫn giao thông đảm bảo cho người và phương tiện.

Lực lượng Cảnh sát Cơ động, Cảnh sát Trật tự và Cảnh sát 113 đã được điều động về các vùng xung yếu, cửa sông, cửa biển để tham gia di dời, sơ tán người dân nơi nguy hiểm, vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Công an tỉnh Quảng Bình đã chủ động chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện cứu hộ, cứu nạn, tàu thuyền, ca nô, xe cứu hộ, vật tư hậu cần, nhu yếu phẩm để tham gia ứng cứu khi có yêu cầu của lãnh đạo Công an tỉnh và chính quyền địa phương.

Ông Hoàng Đăng Quang - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình chỉ đạo: Các địa phương chủ động phát lệnh cấm biển; phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng để theo dõi, kiểm đếm, quản lý hoạt động của các tàu, thuyền trên biển; bằng mọi biện pháp phải thông tin kịp thời đến các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để vào nơi tránh trú an toàn.


 

PV
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website