Cuối năm 2023, trong quá trình tới công ty làm việc chị Phan Thị Phú (53 tuổi, trú tại thành phố Vinh), nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ tự xưng cán bộ công tác tại Bộ Thông tin và Truyền thông với nội dung thông báo số điện thoại và tài khoản của chị Phú có liên quan đến các đối tượng xấu đang sử dụng để rửa tiền và hoạt động phạm tội. Vì lo sợ và suy nghĩ đơn giản là mình không làm gì vi phạm pháp luật cùng việc tin tưởng người đầu dây bên kia đúng là cán bộ nhà nước, chị Phú đã nghe và làm theo hướng dẫn của các đối tượng. Chỉ sau hơn 01 ngày làm theo hướng dẫn, chị Phú đã bị trừ số tiền trong tài khoản gần 01 tỷ đồng. Chị Phan Thị Phú chia sẻ, trong lúc đang làm việc thì có một số điện thoại lạ gọi đến xưng là cán bộ nhà nước đang điều tra vụ án và cho biết, hiện số điện thoại của chị đang bị người khác sử dụng để hoạt động rửa tiền cho bọn tội phạm buôn người và buôn ma túy. Sau đó tự xưng là cán bộ Công an bắt chị phải chứng minh số tiền trong tài khoản có trong sạch hay không bằng cách chuyển hết tiền vào tài khoản của đối tượng.
Cách đây chưa lâu, cũng với hình thức nghe cuộc gọi từ số điện thoại lạ tự xưng Công an yêu cầu "hợp tác điều tra" liên quan đến vụ án, tài khoản của 02 người, một người đàn ông trú thị tại xã Thái Hòa và một người phụ nữ trú tại huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An cũng bị “bốc hơi” gần 800 triệu đồng.
Tại Nghệ An, chỉ tính riêng trong năm 2023, lực lượng Công an đã phát hiện, bắt, xử lý hàng chục vụ, hàng trăm đối tượng sử dụng công nghệ cao để hoạt động phạm tội. Mới đây nhất, Phòng Cảnh sát hình sự chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan bắt 50 đối tượng là người Việt Nam cư trú tại nước ngoài sử dụng công nghệ cao, giả danh cán bộ tư pháp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân Việt Nam ở nhiều địa phương trên cả nước với số tiền hơn 500 tỷ đồng do 02 đối tượng Phan Văn Phương (sinh năm 1991, trú tại xã Kim Thành, huyện Yên Thành) và Tăng Quảng Vinh (sinh năm 1989, trú tại phường 11, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh) cầm đầu.
|
Đấu tranh chuyên án bắt 50 đối tượng sử dụng công nghệ cao, giả danh cán bộ tư pháp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân Việt Nam với số tiền hơn 500 tỷ đồng. |
Ghi nhận và biểu dương thành tích xuất sắc của Ban Chuyên án ngày 04/3/2024, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có Thư khen gửi Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An về thành tích đấu tranh chuyên án. Thư khen nêu rõ, việc triệt xóa 02 băng nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao người Việt Nam câu kết với các đối tượng người nước ngoài hoạt động tại Campuchia lừa đảo hàng nghìn người dân tại Việt Nam, chiếm đoạt hơn 500 tỷ đồng, bắt giữ 50 đối tượng, là chiến công đặc biệt xuất sắc, thể hiện quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao, sự sắc bén về nghiệp vụ của Công an tỉnh Nghệ An trong triển khai chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an về thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và đấu tranh với tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, sử dụng công nghệ cao gây nhiều hệ lụy tiêu cực đối với xã hội và bức xúc dư luận thời gian qua.
Thực tế từ các chuyên án triệt xóa thời gian qua cho thấy, tội phạm công nghệ cao là loại tội phạm “phi truyền thống”, địa bàn hoạt động rộng, không phân biệt biên giới, lãnh thổ với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Theo đánh giá của cơ quan Công an, đấu tranh với tội phạm truyền thống đã khó. Đấu tranh với tội phạm “phi truyền thống”, tội phạm lợi dụng công nghệ cao còn khó khăn gấp nhiều lần, vì các đối tượng phạm tội loại này thường có kiến thức công nghệ thông tin, thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động để thực hiện hành vi phạm tội. Điển hình như chuyên án tiệt xóa 02 băng nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao vừa qua, ngay từ tháng 7/2023 qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã phát hiện tại tỉnh Nghệ An có một số đối tượng, ổ nhóm có nhiều dấu hiệu nghi vấn đang làm việc cho các công ty tại nước ngoài lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân Việt Nam ở nhiều địa phương trên cả nước.
|
Để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, sáng tạo. |
Các đối tượng trong ổ nhóm này đặt Công ty tại Campuchia và được tổ chức thành 03 tuyến gồm D1, D2, D3. Trong đó D1 là các đối tượng sẽ đóng vai cán bộ làm việc tại các cơ quan chức năng có nhiệm vụ gọi cho những người dân theo danh sách đã soạn sẵn thông báo tới “con mồi” việc bị khóa sim, phong tỏa tài khoản ngân hàng vì nạn nhân đang liên quan tới các tổ chức lừa đảo hoặc tài khoản, số điện thoại đang được các tổ chức lừa đảo sử dụng để hoạt động phạm tội. Khi bị hại đã tin tưởng vào kịch bản, các đối tượng D1 sẽ chuyển cuộc gọi của nạn nhân cho D2-là những đối tượng xưng là Đại úy A - Cán bộ Cục Cảnh sát Bộ Công an (hoặc đơn vị khác phù hợp), thông báo cho bị hại rằng giấy tờ tùy thân của ông/bà đang bị tội phạm lợi dụng phạm tội... (phù hợp với nội dung cuộc gọi của D1), yêu cầu phối hợp điều tra, đe dọa ra lệnh bắt tạm giam, lệnh phong tỏa tài khoản của bị hại. Khi bị hại sợ hãi, đối tượng yêu cầu bị hại khai báo hiện dùng tài khoản ngân hàng gì, các tài sản (sổ tiết kiệm, tiền mặt, vàng, ngoại tệ, xe cộ...) hiện có để cơ quan chức năng xác minh, nếu không phải bị hại tiếp tay cho tội phạm sẽ trả lại.Sau khi bị hại cung cấp các thông tin về tài khoản ngân hàng, mật khẩu…các thông tin này sẽ chuyển cho D3 (là các đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây), D3 yêu cầu bị hại ra ngân hàng đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử, đọc thông tin đăng nhập và các mã OTP cho đối tượng, qua đó chiếm đoạt được tài khoản ngân hàng điện tử của bị hại. Tiếp đó, các đối tượng D3 yêu cầu bị hại rút sổ tiết kiệm, vay tiền chuyển vào tài khoản ngân hàng rồi thao tác chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của bị hại đến các tài khoản ngân hàng của đối tượng để chiếm đoạt. Toàn bộ quá trình liên hệ với bị hại, các đối tượng luôn yêu cầu bị hại ở không gian độc lập, kín đáo, không được cho ai khác biết sự việc, thường xuyên giữ liên lạc để dễ dàng thao túng tâm lý bị hại.
|
Thiếu tướng Bùi Quang Thanh, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An trao thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. |
Thượng tá Trần Đức Thân, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An cho biết, các đối tượng phạm tội công nghệ cao thường xây dựng các kịch bản rất rõ ràng, có sự phân công nhiệm vụ cụ thể, các đối tượng thường gọi điện giả danh cán bộ viễn thông, tòa án, Công an để thao túng tâm lý, cưỡng ép, lừa người dân. Đặc biệt khi chiếm được tài khoản, thông tin cá nhân, rồi từ đó nhanh chóng rút tiền của người dân.
Xác định tính chất phức tạp, nguy hiểm và “mới” của loại tội phạm này, thời gian qua Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Phòng Cảnh sát hình sự với vai trò chủ công đã phối hợp Công an các đơn vị, địa phương đồng loạt triển khai nhiều giải pháp cụ thể, sáng tạo. Trung tá Lê Đình Hà, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nhấn mạnh, để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm công nghệ cao, thời gian qua, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã chú trọng nâng cao trình độ cho cán bộ, chiến sĩ làm chủ được trang thiết bị, phần mềm chuyên dụng; thường xuyên trau dồi kiến thức, pháp luật, phát huy tính sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác công an. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về các phương thức, thủ đoạn phạm tội mới của tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là hành vi lừa đảo qua mạng...