Đổi mới, sáng tạo để phục vụ Nhân dân tốt hơn
Sáng Chủ nhật trung tuần tháng tư, anh Rơh Châm Tuân – Làng Jet xã Ia Sao, huyện Ia Grai cùng bà con trong làng gác lại một ngày lao động, đến nhà sinh hoạt cộng đồng để được Công an xã Ia Sao hỗ trợ, tích hợp các giấy tờ tuỳ thân, thẻ bảo hiểm vào tài khoản định danh điện tử. Tâm trạng ai nấy đều hồ hởi và tỏ lòng biết ơn đến cán bộ Công an xã. Anh Rơh Châm Tuân phấn khởi chia sẻ: “Tôi và bà con dân làng cảm ơn các anh Công an rất nhiều. Chúng tôi được hướng dẫn để tích hợp các loại gấy tờ trên tài khoản định danh điện tử; nếu trường hợp giấy tờ có sai hay gần quá hạn được hướng dẫn để chỉnh sửa, cấp đổi lại, thuận lợi lắm”.
Thông qua mô hình “Chủ nhật về làng”, Công an xã Ia Sao đã lồng ghép, thực hiện chương trình “Bình dân học vụ số”, với quyết tâm cầm tay, chỉ việc, tận tình hướng dẫn để Nhân dân nắm vững, thực hiện thuần thục các thao tác ứng dụng, tích hợp, khai thác dữ liệu điện tử, nhất là ứng dụng của đề án 06. Từ đó, người đã thành thạo hướng dẫn người chưa biết; bà con các thôn, làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã hăng hái tích cực hưởng ứng và lan toả sâu, rộng chương trình này.
.jpg?width=1000) |
Cán bộ Công an xã Ia Sao hỗ trợ tích hợp các giấy tờ vào tài khoản định danh điện tử cho bà con làng Jet. |
Ông Rơh Châm Phin – Thôn trưởng, làng Jet, xã Ia Sao chia sẻ: Bà con được Công an xã cầm tay hướng dẫn từng thao tác để tích hợp các loại giấy tờ lên ứng dụng VneID, tuy chưa thành thạo, nhưng khi biết cách và thực hiện thành công ai nấy đều cảm thấy vui mừng. Tôi nhận thấy Công an xã về làng giúp bà con như thế này đã xoá đi mọi khoảng cách, Công an gần dân hơn, sát dân hơn, hỗ trợ bà con từ những việc nhỏ. Thời gian tới, trường hợp xảy ra sự việc liên quan đến ANTT bà con sẽ chủ động báo ngay cho Công an để xử lý kịp thời”.
Được biết, mô hình “Chủ nhật về làng” được Công an xã Ia Sao triển khai từ tháng 10/2024, cứ mỗi Chủ nhật hàng tuần cán bộ, chiến sĩ Công an xã luân phiên phối hợp với hệ thống chính trị cơ sở có mặt tại các thôn, làng tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, như: Tuần tra, kiểm soát địa bàn; hỗ trợ bà con thu hái nông sản; tổ chức các buổi nói chuyện, trao đổi pháp luật tại nhà sinh hoạt cộng đồng; giải đáp thắc mắc, tư vấn pháp lý cho người dân. Đặc biệt, tổ chức khuyên giải, giáo dục, răn đe thanh-thiếu niên có nguy cơ vi phạm pháp luật. Dù gặp nhiều khó khăn, vất vả, nhưng cán bộ Công an xã Ia Sao đã luôn khắc phục, nêu cao tinh thần đoàn kết, cùng hỗ trợ, động viên lẫn nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
.jpg?width=1000) |
Thông qua mô hình dân vận khéo “Chủ nhật về làng”, Công an xã Ia Sao tổ chức chương trình “Bình dân học vụ số”, cầm tay hướng dẫn cho bà con. |
Thượng úy Phan Thị Thu Hà - Phó trưởng Công an xã Ia Sao, huyện Ia Grai, chia sẻ: Cả tuần làm việc ở đơn vị, cuối tuần đến với bà con các thôn, làng mặc dù phải gác niềm vui đoàn tụ, giúp đỡ gia đình vào ngày nghỉ, nhưng anh em trong đơn vị luôn động viên, hỗ trợ lẫn nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chúng tôi đều cảm thấy vui vẻ, phấn khởi vì những việc làm ý nghĩa của mình đã được bà con đồng tình ủng hộ, chính quyền cơ sở ghi nhận đánh giá cao.
Nâng cao hiệu quả các mặt công tác
Với phương châm “Gần dân, sát dân, học dân, hướng dẫn nhân dân”, mô hình dân vận khéo “Chủ nhật về làng” không chỉ giúp người dân tăng cường lòng tin, thêm yêu mến lực lượng Công an mà còn khuyến khích người dân cung cấp thông tin phòng, chống tội phạm và giữ bình yên trong mỗi gia đình. Từ khi mô hình này được triển khai, trên địa bàn xã Ia Sao không xảy ra các vụ việc phức tạp về ANTT. Công tác gọi hỏi, răn đe, giáo dục những trường hợp thường xuyên vi phạm trật tự an toàn giao thông và có hành vi gây ảnh hưởng đến ANTT luôn được Công an xã chú trọng thực hiện mang lại hiệu quả cao.
.jpg?width=1000) |
Công an xã Ia Sao hỗ trợ bà con thu hoạch cà phê. |
Anh Rơ Châm Bok, một phụ huynh ở làng Tốt, xã Ia Sao đưa con trai tên R.C.T (14 tuổi) đến tham dự buổi tuyên truyền, tâm trạng chất chứa lo âu, vi trước đó T đã bị Công an xã xử lý về hành vi trộm cắp tài sản: "Vợ chồng tôi thường xuyên bận rộn với công việc nương rẫy, thời gian dành cho con cái không nhiều. Vừa qua, biết tin con trai mình cùng bạn bè từng tham gia trộm cắp cà phê và tài sản của bà con, tôi vừa buồn vừa xấu hổ lắm. Hôm nay, đưa cháu đến đây, mong rằng cháu sẽ nhận ra những sai trái của mình và tôi sẽ cố gắng quan tâm, dạy dỗ cháu nhiều hơn" - anh Rơ Châm Bok bày tỏ.
Theo ông Rơ Châm Klih, Bí thư Chi bộ kiêm Thôn trưởng làng Tốt, thời gian gần đây, tình hình ANTT trong làng đã có những chuyển biến tích cực. Trước đây, địa phương còn tồn tại một số vụ trộm cắp vặt, thanh - thiếu niên vi phạm Luật Giao thông đường bộ do sự nuông chiều và thiếu quan tâm từ các bậc phụ huynh. Nhờ có sự vào cuộc thường xuyên của Công an xã và hệ thống chính trị tại cơ sở đã giúp bà con chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
.jpg?width=1000) |
Thông qua mô hình “Chủ nhật về làng”, cán bộ Công an xã Ia Sao tích cực chung tay xoá nhà tạm, nhà dột nát. |
Còn ông Nguyễn Xuân Thế, trú tại thôn Tân An, xã Ia Sao phấn khởi tâm sự: “Trước đây, vào mỗi mùa vụ thu hoạch cà phê, hồ tiêu, nỗi lo lớn nhất của người dân là nạn trộm cắp nông sản, nhưng vụ thu hoạch vừa qua, nhờ có Công an và các tổ an ninh cơ sở tăng cường tuần tra, tuyên truyền, bà con yên tâm hơn hẳn”.
Trung tá Nguyễn Đức Hưng – Trưởng Công an xã Ia Sao, huyện Ia Grai khẳng định: “Với đặc thù địa bàn có nhiều thôn, làng là người đồng bào dân tộc thiểu số, chúng tôi xác định mô hình “Chủ nhật về làng” không chỉ giải quyết một chuyên đề, công việc cụ thể mà phải linh hoạt, kết hợp đồng bộ nhiều nhiệm vụ. Với phương châm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm”, thông qua mô hình này, chúng tôi kết hợp nắm tình hình địa bàn, tiến hành điều tra cơ bản, kịp thời xử lý dứt điểm các vấn đề nổi lên gây ảnh hưởng đến ANTT”.
.jpg?width=1000) |
Với quyết tâm thực hiện hiệu quả mô hình dân vận khéo “Chủ nhật về làng”, Công an xã Ia Sao thường xuyên giao ban, đánh giá kết quả thực hiện mô hình. |
Xã Ia Sao là địa bàn giáp ranh với TP.Pleiku, trước đây từng xuất hiện các nhóm đối tượng xâm nhập vào địa bàn để trộm cắp tài sản và gây rối trật tự. Bên cạnh đó, vào mùa thu hoạch cà phê nhân công từ nơi khác đến rất nhiều, không loại trừ kẻ xấu trà trộn để thực hiện hành vi phạm tội. Trên cơ sở mô hình “Chủ nhật về làng” Công an xã tiếp tục bám sát tình hình địa bàn và các yếu tố tiềm ẩn liên quan đến ANTT để có những biện pháp phù hợp mang lại hiệu quả cao. Trong đó, tập trung xây dựng thế trận lòng dân, vừa giúp bà con cảnh giác với các thủ đoạn hoạt động của tội phạm, đồng thời tích cực tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, qua đó bảo đảm tốt ANTT - Trung tá Nguyễn Đức Hưng nhấn mạnh.
Với tinh thần tận tâm, tận tuỵ, bằng các hoạt động thiết thực, mô hình dân vận khéo “Chủ nhật về làng” đã và đang mang lại chuyển biến tích cực trong việc xây dựng cộng đồng văn minh, an toàn và tuân thủ pháp luật. Trên cơ sở đánh giá hiệu quả về mô hình, Công an Gia Lai tiếp tục xây dựng, nhân rộng, lan toả mô hình này trên toàn tỉnh.