Với quan điểm “Kỹ thuật hình sự phải phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm”, lực lượng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp công tác, từng bước nâng cao chất lượng hiệu quả, chất lượng các lĩnh vực chuyên môn về khám nghiệm hiện trường, giám định tư pháp và kỹ thuật phòng, chống tội phạm; tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Kỹ thuật hình sự và các lực lượng liên quan, qua đó đã đáp ứng hiệu quả yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, góp phần vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tại địa phương.
|
Cẩn trọng, tỷ mỷ để “bắt” dấu vết “lên tiếng”, là phương châm hành động của lực lượng Cảnh sát kỹ thuật hình sự. |
Thượng tá Hoàng Khắc Tuấn, Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Quảng Bình, cho biết: Trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm nay, lực lượng Kỹ thuật hình sự đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi 988 vụ; đã tiếp nhận và tiến hành giám định 1.960 vụ. Các hoạt động khám nghiệm đều chấp hành đúng quy định về thủ tục, quy trình công tác, tỉ lệ vụ việc thu được dấu vết đạt khá, trong đó có nhiều vụ thu được dấu vết có giá trị, giúp truy nguyên đối tượng gây án; chất lượng hồ sơ khám nghiệm được đảm bảo; công tác giám định, kết luận đảm bảo khách quan, khoa học, chính xác, không có vụ việc phải giám định lại; tích cực tuyên truyền, triển khai áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật giúp chủ động phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm. Để có được kết quả đó, chúng tôi đã đẩy mạnh triển khai các giải pháp ứng dụng phương tiện, biện pháp nghiệp vụ, sử dụng nhiều phương tiện nghiệp vụ hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ qua từng vụ án vụ việc cụ thể...
Mặc dù không phải đối mặt với tội phạm nhưng cán bộ, chiến sĩ lực lượng Kỹ thuật hình sự luôn phải đối diện với muôn vàn khó khăn, thử thách khác trên mặt trận đấu tranh phòng - chống tội phạm. Những vụ án tưởng chừng đi vào ngõ cụt, dấu vết “ẩn”, đối tượng phạm tội khá tinh vi, luôn tìm cách xóa dấu vết, song bằng sự tỷ mỉ, thận trọng, cán bộ chiến sỹ lực lượng kỹ thuật hình sự vẫn làm rõ được nguyên nhân, giúp cơ quan điều tra xử lý tội phạm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật… không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, góp phần quan trọng trong việc điều tra, làm rõ vụ án.
|
Lực lượng kỹ thuật hình sự thực hiện việc khám nghiệm hiện trường vụ án. |
Cũng theo Thượng tá Hoàng Khắc Tuấn, bên cạnh kết quả đạt được, công tác Kỹ thuật hình sự còn những khó khăn, như khả năng phát hiện, khai thác các loại dấu vết hóa học, sinh học còn thấp; giám định viên của các chuyên ngành giám định cơ học, kỹ thuật, cháy nổ, kỹ thuật số - điện tử, hóa học, âm thanh, pháp y còn thiếu ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện yêu cầu giám định cũng như việc mở rộng năng lực giám định. Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác kỹ thuật hình sự trong đấu tranh, phòng chống tội phạm, bên cạnh việc cần sớm trang bị đủ và hiện đại hóa phương tiện, thiết bị nghiệp vụ thì yếu tố tiên quyết là phải xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ chuyên môn giỏi; đồng thời, phải tạo sự chuyển biến trong nhận thức trong toàn lực lượng Công an tỉnh về vị trí, tầm quan trọng của công tác kỹ thuật hình sự và pháp y Công an nhân dân, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm công tác kỹ thuật hình sự.
Thực hiện mục tiêu đưa lực lượng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Quảng Bình tiến lên hiện đại theo tinh thần của Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị, Đề án “Hiện đại hóa công tác kỹ thuật hình sự đến năm 2025 trong Công an nhân dân” được ban hành theo Quyết định số 29/QĐ-TTg ngày 26/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 07/CT-BCA ngày 09/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Công an về “Tăng cường, hiện đại hóa công tác kỹ thuật hình sự và pháp y Công an nhân dân trong tình hình mới”, mỗi cán bộ kỹ thuật hình sự phải xác định rõ đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay, quyết tâm nỗ lực không ngừng nghỉ, tiên phong, đi đầu trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chủ động phòng ngừa xã hội, phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả đối với các loại tội phạm, phục vụ tốt cho việc phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.