Tham dự Hội nghị còn có đồng chí Lê Hồng Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Điểu K’ré, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên.
Theo báo cáo tại Hội nghị, trong năm 2017, mặc dù vùng Tây Nguyên còn nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của các ngành, địa phương trong quản lý, điều hành, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội, kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên tiếp tục đạt được những kết quả tích cực: Tổng giá trị sản phẩm GRDP trên địa bàn năm 2017 ước tính đạt 165.472 tỷ đồng (tăng 8,09%); cơ cấu GRDP chuyển dịch theo hướng tích cực; GDP bình quân đầu người năm 2017 đạt gần 41,6 triệu đồng, tăng 5,02%.
Bên cạnh đó, công tác thực hiện chính sách dân tộc của các địa phương đã được quan tâm chỉ đạo, cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra, trong đó, đã tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể đến năm 2020. Trên lĩnh vực giáo dục, đào tạo đã có những chuyển biến tích cực; quy mô giáo dục ngày càng phát triển, chất lượng dạy học được nâng cao, hệ thống cơ sở trường học tiếp tục được đầu tư xây dựng. Về y tế, cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ y tế các tuyến cơ bản đáp ứng nhu cầu về khám chữa bệnh cho nhân dân.
|
Toàn cảnh Hội nghị. |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, kinh tế vùng Tây Nguyên vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức như tăng trưởng chưa thực sự bền vững, vẫn còn thấp so với tiềm năng, lợi thế vốn có của vùng; chất lượng của nền kinh tế chưa cao, thiếu ổn định; cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm. Sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng, chưa tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp với người sản xuất, giữa sản xuất với chế biến... Công tác quản lý, bảo vệ rừng còn nhiều bất cập, tình trạng vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng vẫn còn diễn ra phức tạp, số vụ chặt phá rừng vẫn còn cao, diện tích rừng bị chặt phá còn lớn…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh: Để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên trong thời gian tới, cần tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị (Khóa IX) về “Phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011 - 2020”; đề xuất các cơ chế đặc thù để huy động nguồn lực phục vụ kết nối cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn Tây Nguyên và vùng phụ cận; thu hút đầu tư phát triển sản phẩm chủ lực, có lợi thế gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm như nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, chăn nuôi đại gia súc, dịch vụ du lịch…
Ngoài ra, cần tập trung xử lý có hiệu quả vấn đề đất đai, chống phá rừng, bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để tập trung thực hiện một cách có hiệu quả. Các bộ, ngành chức năng, các tỉnh Tây Nguyên cần khẩn trương đánh giá thực trạng sở hữu đất đai trên địa bàn; điều chỉnh bổ sung hoàn thiện quy hoạch đất lâm nghiệp; có kế hoạch sắp xếp lại nông lâm trường, giải quyết đất cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đất cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào nghèo để phát triển sản xuất. Tập trung xử lý các vụ tranh chấp, khiếu kiện về đất đai, không để phức tạp thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự.
|
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. |
Tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, thực hiện chính sách phát triển văn hóa - xã hội, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Chú trọng nhân rộng các mô hình về giảm nghèo bền vững; quan tâm chăm lo đời sống các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, người cao tuổi. Tiếp tục thực hiện tốt chủ trương, chính sách về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, hỗ trợ phát triển cho hộ nghèo, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số miền núi.
Thường xuyên quan tâm xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa VII) về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống về mọi mặt của đồng bào dân tộc Tây Nguyên.
Phát biểu về việc kết thúc hoạt động của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định: “Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã hoàn thành xuất sắc vai trò “sứ mệnh lịch sử” quan trọng của mình. Thay mặt hệ thống lãnh đạo, thành viên Ban Chỉ đạo Tây Nguyên qua các thời kỳ và toàn thể cán bộ, công nhân viên Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng Tô Lâm bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chân thành cám ơn sự quan tâm phối hợp, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành ở Trung ương, của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc Tây Nguyên đối với quá trình thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên kể từ khi thành lập đến nay”.
|
Đồng chí Lê Hồng Anh, nguyên Thường trực Ban Bí thư, nguyên Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên trao tặng Kỷ niệm chương cho Bộ trưởng Tô Lâm. |
Việc kết thúc hoạt động của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên nằm trong chủ trương chung của Đảng, Nhà nước về “tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả”. Do vậy, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị, các cơ quan chức năng của Đảng, Chính phủ quan tâm phối hợp, tham mưu đề xuất và sớm có phương án giải quyết những vấn đề về công tác tổ chức cán bộ và việc chuyển giao các mặt công tác về địa phương hoặc ban, bộ, ngành ở Trung ương.
Tại Hội nghị, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng tiến hành trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển Tây Nguyên” cho 75 đồng chí là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương vì đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh vùng Tây Nguyên qua các thời kỳ.