Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đánh giá, Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 ở Trung ương và địa phương đã hoàn thành mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ trong chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, qua đó góp phần bảo đảm tốt tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển, đóng góp cùng Chính phủ hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ lớn…
Báo cáo kết quả công tác năm 2017, phương hướng năm 2018 của Ban Chỉ đạo 138/CP, Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP nêu rõ: Năm 2017, phạm pháp hình sự giảm 3,02% so với năm 2016; trong đó 35/63 địa phương tội phạm hình sự giảm; các vụ án đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ; phát hiện và điều tra án buôn lậu, tội phạm sử dụng công nghệ cao, ma tuý, môi trường tăng so với năm 2016. Đã khởi tố đưa ra xét xử một số vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng. Công tác truyền thông, phòng, chống tội phạm được triển khai mạnh mẽ, rộng khắp, tăng cả tần suất thời lượng, nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền, tạo được lòng tin và sự tham gia tích cực của nhân dân.
|
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị. |
Tuy nhiên, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp. Nổi lên là tội phạm xâm phạm trật tự xã hội, tội phạm kinh tế, tham nhũng; tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm ma tuý; tội phạm môi trường... Trong đó, hoạt động của tội phạm núp bóng doanh nghiệp, các băng nhóm tội phạm ở một số địa phương có biểu hiện “lộng hành”, tính chất lưu manh, côn đồ, liều lĩnh, gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong nhân dân; tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp. Tội phạm chống người thi hành công vụ tính chất, mức độ ngày càng liều lĩnh, manh động, thách thức, coi thường pháp luật. Tiếp tục phát hiện nhiều sai phạm trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, tài chính, ngân hàng, quản lý sử dụng đất, cấp phép các dự án vốn đầu tư nước ngoài trọng điểm... Sai phạm, tiêu cực dấu hiệu lợi ích nhóm tại nhiều dự án BT, BOT giao thông tiếp tục được xác minh, làm rõ. Tình trạng gian lận, buôn lậu trong kinh doanh xăng dầu có sự thông đồng của một số cán bộ ngành Hải quan.
Hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao rất tinh vi, chủ yếu là trộm cắp thông tin tài khoản ngân hàng, thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của các chủ thẻ hoặc sử dụng thẻ ngân hàng giả để rút tiền tại các cây ATM; đánh bạc, tổ chức đánh bạc qua mạng, có vụ lên đến hàng nghìn tỷ đồng; tin tặc tấn công bằng các loại virus, mã độc qua ứng dụng phần mềm... Nhiều vụ giả danh cán bộ cơ quan bảo vệ pháp luật, nhân viên ngân hàng, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hoạt động của tội phạm về môi trường nổi lên vi phạm về quản lý, xử lý chất thải nguy hại, nước thải công nghiệp, tình trạng ô nhiễm khí thải. Vi phạm pháp luật về khai thác, vận chuyển, mua bán tài nguyên, khoáng sản trái phép; vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn rất phổ biến, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của người dân…
Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã báo cáo kết quả hoạt động của Ban trong năm 2017 và phương hướng công tác năm 2018 nêu rõ: Năm 2017, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cũng đạt được nhiều kết quả tích cực so với năm 2016. Cụ thể, năm 2017, các cơ quan chức năng đã phát hiện 225.837 vụ việc vi phạm (tăng 1,15% so với năm 2016), thu nộp ngân sách Nhà nước từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế đạt 23.101 tỷ 638 triệu đồng (tăng 7,17%), khởi tố 1.637 vụ án (tăng 4,87% so với cùng kỳ) và khởi tố 2.118 đối tượng vi phạm (tăng 13,69% so với cùng kỳ).
Mặc dù vậy, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại hiện nay vẫn còn diễn biến phức tạp trên nhiều tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, đường biển, đường hàng không… Trong nội địa, tình trạng buôn bán, tiêu thụ, vận chuyển trái phép các loại hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng; vi phạm về niêm yết giá bán hàng, kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn còn xảy ra tại nhiều địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…
|
Thứ trưởng Lê Quý Vương phát biểu tại Hội nghị. |
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng; Thượng tướng Lê Quý Vương đã đồng chủ trì phiên thảo luận với các đại diện lực lượng chức năng: Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan; đại diện Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố lớn, tiêu biểu như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Long An… Các ý kiến tham luận cho rằng công tác đấu tranh với tội phạm hình sự, tội phạm xã hội và các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm đã có chuyển biến, song hiệu quả còn hạn chế, quy định về xử lý vi phạm đối với đối tượng buôn lậu pháo, thuốc lá, xăng dầu trên biển chưa thực sự rõ ràng, gây khó khăn cho công tác xử lý…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh, trong những thành tựu to lớn của đất nước năm 2017 có sự đóng góp quan trọng của Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ở cả Trung ương và địa phương. Các ban đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, quán triệt, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, chương trình công tác của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và với sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương.
Nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2018, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh 08 nội dung lớn cần quyết tâm thực hiện:
Một là, tổ chức quán triệt những quy định của pháp luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138/CP, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia. Xác định công tác phòng, chống tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả các bộ, ngành, địa phương; gắn với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong nhân dân...
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ khẳng định, kiên quyết không cho phép có “vùng cấm” trong công tác này. Đặc biệt là đối với công tác phòng, chống tham nhũng phải kiên quyết, kiên trì, khẩn trương xây dụng cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng, kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa và chủ động phát hiện tội phạm.
Hai là, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nỗ lực triển khai công tác xây dựng pháp luật để khắc phục sơ hở, bất cập trong quản lý Nhà nước, như: Sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Ba là, tổ chức nắm, phân tích, dự báo sát tình hình thế giới, khu vực, trong nước, không để xảy ra bị động, bất ngờ; kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại của đất nước. Trước mắt, tiếp tục tập trung mọi nỗ lực, thực hiện tốt đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Bốn là, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; phát huy vai trò của các cơ quan thông tin báo chí, nhất là thông qua mạng Internet trong việc đấu tranh lên án, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm; phát huy vai trò của chính quyền và các tổ chức chính trị, xã hội trong công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và quản lý, giáo dục người có tiền án, tiền sự, nghiện ma túy. Đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, gắn với việc vận động nhân dân tham gia phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Kịp thời phát hiện, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, khen thưởng gương người tốt, việc tốt trong công tác phòng, chống tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tăng cường vai trò của xã hội trong việc theo dõi, phối hợp, đánh giá tình hình, qua đó xây dựng và củng cố niềm tin của nhân dân trong công tác này.
|
Toàn cảnh Hội nghị. |
Năm là, nâng cao hiệu quả phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức, các băng nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm, tội phạm hoạt động núp bóng doanh nghiệp, buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, tội phạm bạo hành, xâm hại trẻ em, chống người thi hành công vụ, tội phạm có yếu tố nước ngoài, nhất là tội phạm khủng bố, ma túy, mua bán người, rửa tiền, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm kinh tế, tham nhũng. Có biện pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài. Xác lập các chuyên án lớn về chống tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm ma túy, tội phạm buôn lậu các mặt hàng xăng dầu, khoáng sản, thuốc lá, đường cát…
Cần tăng cường quan hệ phối hợp giữa cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán với cơ quan điều tra trong công tác phòng, chống tội phạm; xác định rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan khi tham gia phối hợp. Cơ quan điều tra cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát, Tòa án trong điều tra, truy tố, xét xử bảo đảm nghiêm minh, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.
Sáu là, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng, chống tội phạm, phòng, chống mua bán người đến năm 2020 của Chính phủ. Nghiên cứu, đánh giá kết quả 20 năm thực hiện Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm (giai đoạn 1998 - 2018). Triển khai và thực hiện tốt Tiêu chí đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các bộ, ngành và địa phương…
Trong đó, Bộ Công an và các bộ xác lập các chuyên án lớn, đánh đúng, đánh trúng các ổ nhóm tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có tổ chức theo kiểu “xã hội đen”, tội phạm buôn lậu các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, thuốc lá, tân dược…
Bảy là, các cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc chủ trương tinh gọn bộ máy, tổ chức các đơn vị chuyên trách công tác phòng, chống tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII). Thực hiện đổi mới phương thức tuyển chọn cán bộ, việc đánh giá cán bộ, bổ nhiệm cán bộ. Phải xây dựng cho được đội ngũ cán bộ “kỷ cương, liêm chính, công minh, tuân thủ pháp luật”.
Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ nghiên cứu để xem xét, sắp xếp lại một số Ban Chỉ đạo liên ngành hiện nay. Phó Thủ tướng đặt vấn đề, như Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia có sáp nhập được hay không, cần nghiên cứu kỹ càng, đánh giá tác động, triển khai có hiệu quả nhiệm vụ được giao, từ đó xem có khả năng sáp nhập 2 Văn phòng Ban Chỉ đạo hay không để tinh gọn đầu mối nhưng phát huy được hiệu quả hoạt động.
Cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nội bộ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức; kiên quyết “không có vùng cấm” trong công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Phải phòng, chống tội phạm trong chính cơ quan phòng, chống tội phạm; phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả ngay trong chính các cơ quan có chức năng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Cùng với việc xử lý các vụ án lớn, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đang quyết tâm thực hiện chống nhũng nhiễu, tham nhũng vặt, gây dư luận bức xúc trong nhân dân, hiện tượng cứ đòi phong bì thì mới giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp; kiên quyết không để tình trạng một số cán bộ có vi phạm thì các cơ quan bắt tay với nhau để “cho qua”.
Tám là, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Thực hiện tốt các cam kết quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia về phòng, chống tội phạm. Chủ động đàm phán các Hiệp định về dẫn độ tội phạm, giúp cho việc truy nã, dẫn độ về nước các tội phạm đã bỏ trốn ra nước ngoài thuận lợi hơn.