Bài học lịch sử từ công tác đấu tranh phòng, chống gián điệp biệt kích xâm nhập

29/12/2022
Lượt xem: 5906
Ngày 29/12/2022, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học “Công tác đấu tranh phòng, chống gián điệp biệt kích xâm nhập miền Bắc thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước – Bài học lịch sử, ý nghĩa thời đại”. Trung tướng, TS Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an dự và chỉ đạo Hội thảo.

Dự Hội thảo có các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ Công an; lãnh đạo Công an các đơn vị trực thuộc Bộ, lãnh đạo Công an các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị trở ra; các đồng chí Công an lão thành, các nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử và đoàn viên, thanh niên Công an nhân dân…

Các đại biểu dự Hội thảo.


Thiết thực kỷ niệm 50 năm chiến thắng cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc mà đỉnh cao là “Điện Biên phủ trên không” và kỷ niệm 60 năm Chuyên án gián điệp biệt kích đầu tiên BK63, PY27 được xác lập, Hội thảo khoa học “Công tác đấu tranh phòng, chống gián điệp biệt kích xâm nhập miền Bắc thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước – Bài học lịch sử, ý nghĩa thời đại” được tổ chức nhằm khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Công an đối với công tác của lực lượng Công an nhân dân (CAND) trong đấu tranh phòng, chống gián điệp biệt kích xâm nhập miền Bắc thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; góp phần tôn vinh truyền thống vẻ vang của lực lượng CAND; tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, bồi dưỡng lý tưởng, tình cảm cách mạng, lòng tự hào, tự tôn dân tộc đối với cán bộ, chiến sĩ lực lượng CAND, nhất là với thế hệ trẻ.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Trung tướng, PGS.TS Trần Vi Dân, Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an nêu rõ: Trong quá trình tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ đã lần lượt áp dụng 04 chiến lược chiến tranh chống lại dân tộc ta. Để hỗ trợ và mở đường cho các chiến lược chiến tranh bằng quân sự, từ thời điểm thực dân Pháp rút quân, Mỹ ráo riết triển khai cuộc chiến tranh gián điệp biệt kích tại miền Bắc Việt Nam với âm mưu thâm độc là “đánh cộng sản từ trong lòng cộng sản” nhằm phá hoại và lật đổ miền Bắc, ngăn cản hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, cản trở miền Bắc chậm tiến lên xã hội chủ nghĩa. Song trước tinh thần cảnh giác mưu trí và chiến đấu dũng cảm của quân và dân miền Bắc, trong đó lực lượng CAND giữ vai trò nòng cốt, hầu hết các toán gián điệp biệt kích tung ra phá hoại miền Bắc đều bị phát hiện, bắt giữ. 

Trung tướng Trần Vi Dân, Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an phát biểu đề dẫn Hội thảo.


Cuộc chiến đấu diễn ra kiên trì hơn 10 năm, trên địa bàn rộng lớn của miền Bắc, là cuộc đấu mưu, đấu trí, đấu pháp, đấu lực giữa lực lượng CAND Việt Nam với các cơ quan tình báo, gián điệp của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Là biểu hiện sáng tạo của chiến tranh nhân dân. Cùng với thời gian, thắng lợi to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống gián điệp biệt kích thời kỳ kháng chiến chống Mỹ là thắng lợi mang tầm vóc lịch sử, ngày càng được khẳng định và trở thành biểu tượng sáng ngời của bản lĩnh, trí tuệ, truyền thống mưu trí, dũng cảm của lực lượng CAND. 

Với chủ đề của Hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được 125 bài tham luận của các nhà khoa học, đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, đại diện lãnh đạo Công an một số đơn vị thuộc Bộ, lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Công an tỉnh, thành phố trên địa bàn miền Bắc (từ Quảng Trị trở ra).

Các đại biểu tham luận tại Hội thảo.


Cũng tại Hội thảo, bằng những luận cứ khoa học, từ nhiều góc độ khác nhau, các đại biểu đã tập trung tham luận, phân tích, làm rõ nhiều vấn đề xung quanh công tác đấu tranh phòng, chống gián điệp biệt kích xâm nhập miền Bắc thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong đó, nhiều ý kiến đã khẳng định quan điểm, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Công an trong đấu tranh này. Trên trận tuyến đấu tranh chống gián điệp biệt kích, Đảng đã sớm hoạch định đường lối, phương châm, nguyên tắc, biện pháp cũng như huy động lực lượng tham gia phòng, chống gián điệp biệt kích khái quát bằng đường lối: “Đảng lãnh đạo, phát huy tinh thần cảnh giác cách mạng của quần chúng nhân dân, kết hợp với sự hướng dẫn nghiệp vụ của cơ quan chuyên môn”, nguyên tắc “phòng đi đôi với chống”, phương châm “giữ bên trong là chính, giữ dưới đất là chính” được hình thành. 

Nhiều ý kiến đã làm rõ những đóng góp to lớn của lực lượng CAND, nhất là lực lượng An ninh nhân dân với vai trò nòng cốt, trực tiếp đấu tranh phòng, chống gián điệp biệt kích, bảo vệ hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam. Khi trực tiếp đối diện với kẻ thù, lực lượng Công an rất linh hoạt, sáng tạo xác lập nhiều chuyên án đấu tranh chống gián điệp biệt kích, trong đó tiêu biểu là chuyên án BK63, PY27, là 02 chuyên án tạo nguồn, tổ chức đấu tranh thắng lợi 27 chuyên án đấu tranh song song ngày càng sắc bén và trở thành nghệ thuật được làm nên bởi lực lượng An ninh Việt Nam anh hùng. 

Các đại biểu tham luận tại Hội thảo.


Cùng với đó, vai trò của quần chúng nhân dân miền Bắc, của sự phối hợp giữa lực lượng CAND với Quân đội nhân dân, các lực lượng vũ trang khác tạo nên những chiến công xuất sắc và thắng lợi của cuộc đấu tranh phòng, chống gián điệp biệt kích cũng đã được nhiều tham luận phân tích làm rõ. Lực lượng Công an đã thực hiện thành công biện pháp vận động quần chúng nhân dân trong đấu tranh gián điệp biệt kích. Quần chúng nhân dân không chỉ cảnh giác phòng ngừa, báo cho cơ quan chức năng khi phát hiện vấn đề khả nghi mà còn trực tiếp tham gia vào quá trình vây bắt, đánh đuổi nhiều toán gián điệp biệt kích xâm nhập. 

Các ý kiến tham luận cũng khẳng định ý nghĩa thắng lợi và rút ra những bài học kinh nghiệm về công tác đấu tranh phòng, chống gián điệp biệt kích xâm nhập miền Bắc thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an nhằm phát huy giá trị lịch sử và vận dụng vào thực tiễn công cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Đó là các bài học về chủ động nắm chắc tình hình, âm mưu ý đồ của các thế lực thù địch, tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành chủ trương, đường lối về bảo vệ an ninh, trật tự; Xây dựng thế trận lòng dân vững chắc thông qua phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Xây dựng lực lượng CAND chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, trở thành “lá chắn” và “thanh bảo kiếm” bảo vệ Nhân dân, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; Đẩy mạnh công tác đối ngoại an ninh bảo vệ an ninh quốc gia từ sớm, từ xa…

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng phát biểu tại Hội thảo.


Phát biểu tổng kết Hội thảo, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng trân trọng cảm ơn các đại biểu, các đồng chí Công an lão thành, các nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử trong và ngoài lực lượng đã có những báo cáo khoa học có giá trị và những ý kiến tâm huyết góp phần vào thành công của Hội thảo. 

Để Hội thảo đi vào thực tiễn, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng yêu cầu Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến tham luận, đóp góp của các đại biểu, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện báo cáo tổng luận Hội thảo theo các chủ đề đã đề cập, để báo cáo Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an phục vụ công tác tham mưu lãnh đạo, chỉ huy công tác phòng, chống gián điệp trong tình hình mới. 

Các đại biểu tham dự Hội thảo.


Công an các đơn vị, địa phương, học viện, trường CAND chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan lồng ghép nội dung tuyên truyền về chiến thắng thầm lặng nhưng hết sức vẻ vang của lực lượng CAND nói chung, lực lượng An ninh nhân dân nói riêng trong các chuyên đề sinh hoạt chính trị và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tiếp tục sưu tầm, khai thác những tư liệu quý đặc biệt từ những tài liệu, hồi ký của các thế hệ lực lượng CAND tham gia trực tiếp vào cuộc đấu tranh phòng, chống gián điệp biệt kích thời kỳ kháng chiến chống Mỹ để lan tỏa hơn nữa chiến công và những học kinh nghiệm trong công tác phản gián của lực lượng Công an…

Hoàng Thanh
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website