Đại biểu Hoàng Văn Liên nói, số phạm nhân đã có án phạm các tội về ma tuý chiếm tỷ lệ lớn, hơn 40%. Hiện nay cả nước có hơn 224.690 người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý, chưa kể số không có hồ sơ. Số người nghiện này tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm rất cao, đáng lưu ý có nhiều loại ma tuý mới, cực độc xuất hiện tại Việt Nam.
Theo đại biểu, tệ nạn ma tuý không chỉ diễn ra tại các đô thị mà còn lan mạnh về khu vực nông thôn, miền núi, tình hình rất nghiêm trọng, cử tri rất lo lắng. Đại biểu chất vấn, nhiều cử tri đòi hỏi phải tìm mọi biện pháp và tập trung lực lượng để đấu tranh với tội phạm này. Bộ trưởng có đồng ý với quan điểm này hay không, sắp tới Bộ trưởng có giải pháp gì?
Trả lời chất vấn, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, vấn đề tội phạm ma tuý hiện nay đang diễn ra hết sức đáng lo ngại. Một là số người nghiện tiếp tục gia tăng. Hiện nay toàn quốc có 224.690 người nghiện có hồ sơ kiểm soát, nhưng trên thực tế con số này lớn hơn rất nhiều. Trong khi đó công tác lập hồ sơ đưa đối tượng đi cai nghiện tập trung rất khó khăn do quy trình thủ tục đặt ra. Mới chỉ có khoảng 10% người nghiện bị đưa vào các cơ sở cai nghiện tập trung.
Bộ trưởng Tô Lâm phân tích, người nghiện gia tăng tạo ra nhu cầu sử dụng ma tuý rất lớn, từ đó càng kích thích số đối tượng mua bán, vận chuyển ma tuý. Mặt khác phát sinh các loại tội phạm trộm cắp, cướp, cướp giật. Gần đây là hiện tượng “ngáo đá” gây lo lắng cho xã hội.
|
Bộ trưởng Tô Lâm trả lời chất vấn. |
Bên cạnh đó, theo đồng chí Bộ trưởng, mặc dù có nhiều cố gắng nhưng mục tiêu ngăn chặn, mua bán, vận chuyển ma tuý từ nước ngoài vào nước ta chưa đạt được. Nhiều đường dây mua bán vận chuyển ma tuý lớn, xuyên quốc gia vẫn hoạt động mạnh, nguồn cung ma tuý vẫn đủ cung cấp cho trong nước, thậm chí còn vận chuyển sang nước thứ ba; đồng thời ngày càng xuất hiện nhiều loại ma tuý mới, rất khó kiểm soát.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, năm 2018 riêng tội phạm ma tuý, công tác đấu tranh đã khởi tố mới 19.059 vụ, tăng hơn 26,33% số vụ so với cùng kỳ năm 2017; khởi tố hơn 23.000 bị can, tăng so hơn 22% với 2017, công tác đấu tranh diễn ra rất quyết liệt.
Bộ trưởng Tô Lâm đã đưa ra 04 giải pháp trọng tâm gồm: Tiếp tục tham mưu tổng kết Chỉ thị số 21 của Bộ Chính trị, đánh giá những việc làm được, chưa làm được, từ đó đưa ra giải pháp đẩy mạnh thực hiện nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý. Tham mưu sửa đổi bổ sung Luật Phòng chống ma tuý và những văn bản có liên quan, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn trong phòng chống ma tuý. Vừa qua sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2015, xác định thái độ của chúng ta đối với tội phạm ma tuý đã góp phần đấu tranh và tăng số lượng các vụ ma tuý bị xử lý trong năm 2018.
Phối hợp chặt chẽ với các ngành trong công tác quản lý, giám sát người nghiện tại gia đình, cộng đồng dân cư; tăng cường lập hồ sơ đưa đối tượng đi cai nghiện tập trung, làm trong sạch địa bàn, nhất là các địa bàn trọng điểm. Tập trung triển khai các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển ma tuý từ nước ngoài vào trong nước, làm giảm nguồn cung, triệt phá các tụ điểm phức tạp về sản xuất, mua bán ma tuý trong nước.