Căn cước công dân không thể theo dõi người dân

10/06/2023
Lượt xem: 3137
Theo chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, sáng 10/6/2023, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại Tổ về dự án Luật Căn cước, dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Các ĐBQH đã tập trung thảo luận về Luật Căn cước xoay quanh các quy định về cấp giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam; thông tin trên thẻ căn cước; nội dung trên thẻ căn cước; cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi...

Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và bảo vệ nhân dân

Vừa là ĐBQH tỉnh Hưng Yên, đồng thời là thành viên Ban soạn thảo dự án Luật Căn cước, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã trân trọng lắng nghe, phát biểu tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của các ĐBQH, đồng thời tham gia thảo luận về một số vấn đề ĐBQH quan tâm. 

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, việc xây dựng dự án Luật nhằm tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp - đây là mục tiêu quan trọng, đồng thời để bảo vệ nhân dân. "Bảo vệ để không ai bị xâm phạm về đời tư cá nhân. Cho đến nay, Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư đã vận hành rất tốt, là nền tảng dễ quản lý, quản trị xã hội, không ai có thể xâm nhập vào lấy được dữ liệu. Đồng thời, bảo vệ ở đây trên nhiều nghĩa. Trước đây, chúng tôi rất vất vả khi tìm thông tin người già, trẻ em và người tâm thần đi lạc..., hay những người đi đường gặp sự cố, tai nạn giao thông mà không biết họ là ai, ở đâu, thì giờ đây đã trả lời được...", Bộ trưởng lý giải.

Sửa tên Luật Căn cước chính xác và bao hàm hơn

Lý giải thêm về việc sửa tên Luật Căn cước, đồng chí Bộ trưởng khẳng định tên này chính xác và bao hàm hơn. Đây không phải là giấy chứng nhận công dân, vì có những người bị tước một số quyền công dân nhưng vẫn có căn cước, vẫn có quyền sở hữu tài sản, đăng ký chủ nhà, chủ đất, chủ xe ô tô... Sửa tên Luật Căn cước để phạm vi đối tượng mở rộng hơn, phục vụ tốt việc quản lý xã hội.

Về việc cấp Giấy chứng nhận căn cước đối với người gốc Việt đang cư trú tại Việt Nam, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, họ phải được xã hội thừa nhận, có quyền giao dịch trong xã hội, trong khi họ không có giấy tờ gì, không quốc tịch, không hộ chiếu, không chứng minh. "Chúng tôi không cấp căn cước công dân (CCCD) mà làm chứng nhận căn cước. Việc này tạo điều kiện để xã hội có trách nhiệm hơn với họ và họ cũng phải có trách nhiệm với xã hội", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, Ban soạn thảo cũng đã rà soát việc sửa đổi Luật đảm bảo tương thích với các dự án Luật và các điều ước quốc tế, đồng thời hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoàn toàn đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn trong khi lưu trữ, kết nối, chia sẻ thông tin...

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu thảo luận tại tổ, sáng 10/6.
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu thảo luận tại tổ, sáng 10/6.

 

Tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng, chống gian lận, trục lợi

Thông tin tính đến ngày hôm qua, 09/6, đã có 19 tỉnh hoàn thành cấp CCCD gắn chip và phấn đấu trước 30/7 sẽ hoàn thành cấp CCCD cho mọi người dân, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, trong quá trình cấp CCCD có tỷ lệ sai sót, nhưng lực lượng Công an sẽ tiếp tục rà soát, chỉnh sửa với mục tiêu "đúng, đủ, sạch, sống". Việc này cũng đã tiết kiệm cho các bộ, ngành và người dân hàng trăm tỷ đồng...

Bên cạnh đó, tiết kiệm cho xã hội, cho Chính phủ, cho Nhà nước nhiều tỷ đồng. Trong Y tế, nếu cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi thì không mất chi phí cấp sổ tiêm chủng (10.000 đồng/sổ), sổ khám chữa bệnh, thẻ bảo hiểm y tế... Tiết kiệm cho người dân không phải xếp hàng ròng rã sao y chứng nhận, công chứng, rồi các cơ quan quản lý Nhà nước lại mất tiền duy trì, quản lý những giấy tờ đó...

Về thẻ CCCD gắn chíp, đồng chí Bộ trưởng cho biết đã nghiên cứu nhiều nước trên thế giới, trong đó có Estonia là quốc gia được công nhận văn minh, hiện đại nhất trên thế giới về công nghệ số quốc gia, nhưng giờ họ đã thừa nhận chúng ta tiến bộ, hiện đại hơn vì công nghệ đi sau phát triển hơn. "Chúng tôi tích hợp tiếng Việt, tiếng Anh, sử dụng được trong nước và quốc tế, có thể đi được máy bay cả trong nước và quốc tế, rất văn minh - đây là tiến bộ mà chúng ta đi đầu trong khu vực ASEAN", Bộ trưởng thông tin.

Theo đồng chí Bộ trưởng, việc thẻ CCCD gắn chip đưa vào QR code và chip giúp đưa vào một lượng thông tin lớn, tiếp tục mở rộng và bảo đảm an toàn. Dự thảo Luật cũng kiến nghị bỏ vân tay và định dạng vì nếu định danh con người rồi thì không có ý nghĩa nữa, căn cước mới sẽ đẹp hơn, to hơn…

Toàn cảnh phiên thảo luận.
Toàn cảnh phiên thảo luận.


Về thông tin cấp thẻ CCCD là để theo dõi người dân, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định đây chỉ là một số thông tin từ các đối tượng phản động, khiến người dân hoang mang, lo lắng, chứ thực chất không thể theo dõi được và nếu theo dõi cũng vi phạm pháp luật. 

Quy định chi phí cấp lại thẻ CCCD là để gắn trách nhiệm của người dân

Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho rằng, định danh là định danh vĩnh viễn, không ai có thể có 2 CCCD, nếu mất đi là huỷ số đó cấp lại số khác. Về một số ý kiến cho rằng nên miễn chi phí cấp lại CCCD cho người nghèo, người ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo..., Bộ trưởng cho rằng, Nhà nước cấp CCCD lần đầu cho dân không mất tiền, nhưng có tình trạng người dân "tháng nào cũng mất", cho nên việc quy định chi phí cấp lại là để gắn trách nhiệm của người dân; thậm chí cần quy định mất lần 1 nộp 10.000 đồng, lần 2 nộp 100.000 đồng, lần 3 nộp 1 triệu đồng...

Về chia sẻ dữ liệu, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, hiện Bộ Công an vừa tích luỹ, vừa chia sẻ dữ liệu với các bộ ngành, địa phương và đang được giao làm Trung tâm dữ liệu lớn trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Và để đảm bảo dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống" là do lực lượng Công an từ cấp xã. Do đó, người dân đi đâu, làm gì cần phải khai báo để biết được biến động dân cư như thế nào. Trung tâm dữ liệu quốc gia dân cư được lực lượng Công an cập nhật hàng ngày, thường xuyên.. Theo Bộ trưởng, trên thế giới cũng có nhiều hệ thống như vậy, nhưng nếu không có đội ngũ làm thì không thể làm được, các dữ liệu chỉ là điều tra cơ bản, ban đầu...

 

Quỳnh Vinh
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website