Phát biểu tại phiên thảo luận về dự án Luật Quản lý VK, VLN và CCHT, các đại biểu đều nhất trí xây dựng dự án luật nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục hành chính và khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành pháp luật về quản lý, sử dụng VK, VLN và CCHT, bảo đảm thống nhất với các luật có liên quan; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý trong công tác quản lý nhà nước và phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật về VK, VLN, CCHT. Các đại biểu cũng cho rằng, hồ sơ dự án luật đáp ứng quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nhất trí thông qua theo quy trình tại một kỳ họp - tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.
Bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ để răn đe, phòng ngừa
Phát biểu về dự án luật, Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng, chúng ta khác với các nước là xã hội chúng ta an toàn, không có súng, vũ khí hay những công cụ đe dọa mất an toàn, an ninh cho người dân.
|
Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại phiên họp. |
Về nội dung mới trong dự thảo luật lần là bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ, Chủ tịch nước cho biết, trên thực tế có lúc cũng hình thành băng này, nhóm kia, chúng sử dụng dao đe dọa lẫn nhau. Đây là công cụ mà chúng ta chưa quản lý được, chưa đưa vào danh mục. “Hiện nay, trong báo cáo đã nói rất rõ, phần lớn các vụ đâm chém nhau tỷ lệ lớn, chủ yếu dùng dao trong khi chúng ta chưa đưa vào những thiết chế quản lý theo luật nên việc xử lý rất khó” – Chủ tịch nước nêu rõ và cho biết, dao có ý nghĩa phục vụ đời sống dân sinh, hoạt động sinh hoạt là bình thường, nhưng các trường hợp đi cả hàng chục người, lại có dao, mã tấu để trong cốp xe, hàn những loại có cán thì không thể nói đây là đi phục vụ sản xuất được.
Chủ tịch nước cho rằng, việc mang dao, mã tấu đi đe dọa người khác, đi cướp… là không được phép. “Dao có tính sát thương lớn lắm, kể cả dao Thái Lan, dao ăn... cũng có thể làm chết người được. Nên chúng ta không thể nhầm lẫn việc dao sử dụng sinh hoạt và dao mang theo để sử dụng mục đích khác”.
Về nội dung này, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội dẫn chứng, các ngày cuối tuần, ngày lễ, các đối tượng thanh, thiếu niên “rú ga, nẹt pô mang theo dao, kiếm, dao phóng lợn, kéo lê trên đường… nhưng rất khó xử lý, cùng lắm xử tội gây rối trật tự với điều kiện là phải xử phạt vi phạm hành chính rồi. Nếu chúng ta bổ sung như dự thảo luật lần này thì sẽ xử lý được tội khác với các đối tượng ở độ tuổi đó” - Trung tướng Nguyễn Hải Trung phân tích và cho rằng, việc bổ sung dao vào dự luật giúp xử lý được hành vi, đồng thời cũng có tác dụng răn đe, phòng ngừa rất lớn.
|
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) phát biểu tại phiên họp. |
Cũng cho rằng, cần thiết phải quy định bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ, cần phải quản lý, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) nêu: “Tôi đọc báo cáo giải trình của Bộ Công an thấy trong 5 năm vừa qua, đã phát hiện bắt giữ trên 16 nghìn vụ, trên 20 nghìn đối tượng sử dụng dao gây án: giết, cướp, cố ý gây thương tích, gây rối… Như vậy, việc sử dụng dao gây án chiếm tỷ lệ cao, nhiều vụ có tính chất man rợ, gây chấn động”. Thực tiễn quá trình điều tra các vụ án, các đối tượng sử dụng dao gây án nhưng chỉ xử lý tội danh khác: như giết, cướp không xử lý được tội tàng trữ vũ khí thô sơ. “Các nước, vũng lãnh thổ trên thế giới như Úc, Đài Loan, Anh… quy định dao là vũ khí trong luật. Cụ thể, dao được sử dụng trong sinh hoạt sản xuất hàng ngày nhưng khi đưa ra nơi công cộng như công viên, rạp hát, bến xe, bến tàu… Nếu đưa dao đến các nơi này là vi phạm pháp luật và họ sẽ xử lý. Như vậy, các nước đã xử đưa dao vào quy định là vũ khí. Trong luật sửa đổi lần này, đưa dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí là phù hợp, có thể phòng ngừa ngăn chặn ngay từ ban đầu mục đích của đối tượng khi sử dụng vào mục đích phạm tội” – đại biểu nêu.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, doanh nghiệp, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
Phát biểu tại tổ, đại biểu Phan Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) cho biết, dự thảo luật đã bám sát 4 chính sách được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua đó là hoàn thiện quy định về khái niệm vũ khí, công cụ hỗ trợ, linh kiện vũ khí và vật liệu nổ công nghiệp mới; quy định về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu dao có tính sát thương cao; cắt giảm, đơn giản hoá giấy tờ, hồ sơ quy định trong các thủ tục hành chính về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; quy định cấp giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, không quy định thời hạn giấy phép sử dụng và chuyển việc cấp giấy xác nhận đăng ký sang cấp giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ; cho phép tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cho, tặng, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ cho Việt Nam để phục vụ việc nghiên cứu, sản xuất, trang bị, sử dụng; sửa đổi, bổ sung một số quy định về nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, doanh nghiệp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
|
Các đại biểu tổ 13 tại phiên thảo luận. |
Đại biểu Phan Trọng Nghĩa cho rằng, dự thảo luật chưa có quy định riêng về chính sách của Nhà nước đối với VK, VLN và CCHT, do đó, đề nghị xem xét bổ sung 1 điều quy định về vấn đề này. Trong đó, xác định những nội dung mà Nhà nước độc quyền, những lĩnh vực mà Nhà nước ưu tiên đầu tư hoặc tạo cơ chế khuyến khích các chủ thể khác trong xã hội đầu tư như vấn đề sản xuất VK, VLN và CCHT để xuất khẩu. "Bên cạnh đó, theo Báo cáo số 133/BC-BCA-C06 ngày 16/1/2024 của Bộ Công an tổng kết 05 năm thi hành Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN và CCHT (trang 17) thì một bộ phận nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT nên chưa thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật trong lĩnh vực này. Do đó, tôi đề nghị bổ sung chính sách của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa” – đại biểu kiến nghị.
Kiến nghị người sử dụng vũ khí được cân nhắc có thể nổ súng hoặc không nổ súng
Góp ý về các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, quy định tại điều 24, đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) cho biết, tại điểm đ, khoản 1, điều 24 dự thảo luật quy định: “Được nổ súng vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa, trừ phương tiện giao thông của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế để dừng phương tiện đó trong trường hợp đối tượng điều khiển phương tiện đó tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác; khi biết rõ phương tiện do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở người hoặc có con tin; khi biết rõ trên phương tiện chở đối tượng phạm tội hoặc vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy, bảo vật quốc gia cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở người hoặc có con tin”.
|
Đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) phát biểu tại phiên họp. |
"Tôi cho rằng, quy định trên nêu 2 trường hợp được nổ súng vào phương tiện cơ giới đường bộ nhưng lại “trừ trường hợp trên phương tiện có chở người hoặc có con tin” là chưa hợp lý, không đáp ứng thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đề nghị cần căn cứ vào tình hình thực tiễn, người sử dụng vũ khí được cân nhắc có thể nổ súng hoặc không nổ súng, bảo đảm dừng được phương tiện nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho người hoặc con tin trên xe. Vì trên thực tế, người sử dụng vũ khí tốt có khả năng bắn tỉa, bắn trực tiếp vào kẻ đang điều khiển phương tiện hoặc bắn vào lốp xe để dừng phương tiện, bắt giữ đối tượng. Quy định như dự thảo luật khiến cho người sử dụng vũ khí không được phép sử dụng vũ khí, mất cơ hội ngăn chặn hành vi phạm tội hoặc bắt giữ tội phạm".