Phát biểu tại Hội thảo, Thiếu tướng, PGS.TS Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Học viện ANND nhấn mạnh: Trong mọi giai đoạn cách mạng của dân tộc, vùng chiến lược Tây Bắc luôn được xác định là địa bàn có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của đất nước. Đây cũng là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số. Thời gian qua, tình hình an ninh vùng chiến lược Tây Bắc cơ bản được bảo đảm; đây là kết quả của việc lực lượng Công an các đơn vị, địa phương triển khai có hiệu quả các mặt công tác bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT), từ đó đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp chiến lược, cấp bách về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học về đảm bảo an ninh vùng chiến lược Tây Bắc trong tình hình mới.
 |
Thiếu tướng, PGS.TS Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Học viện ANND phát biểu tại hội thảo. |
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, do tác động của nhiều yếu tố khác nhau nên tình hình an ninh vùng chiến lược Tây Bắc vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng thù địch ở trong và ngoài nước đẩy mạnh các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo xâm phạm an ninh quốc gia. Cùng với âm mưu, hoạt động chống phá của đối tượng thù địch, tình hình tín ngưỡng, tôn giáo ở vùng dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Bắc có diễn biến phức tạp, tác động, ảnh hưởng xấu đến ANTT. Tình trạng di cư tự do, xuất cảnh trái phép của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, trong bối cảnh các đối tượng thù địch ở trong và ngoài nước tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia vùng chiến lược Tây Bắc với nhiều phương thức, thủ đoạn mới tinh vi, khó nhận diện đã và đang đặt ra những yêu cầu cấp bách đối với công tác bảo đảm an ninh vùng chiến lược Tây Bắc.
Tại hội thảo, các ý kiến đã luận giải, phân tích làm rõ quan điểm, chính sách và những vấn đề cơ bản về bảo đảm an ninh vùng chiến lược Tây Bắc trong tình hình mới, nhất là những quan điểm mới của Đảng trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia nói chung và trong đảm bảo an ninh vùng chiến lược Tây Bắc nói riêng; chỉ rõ các âm mưu, hoạt động của các đối tượng thù địch ở trong và ngoài nước trong giai đoạn hiện nay. Trên cơ sở đó, rút ra những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn công tác bảo đảm an ninh vùng chiến lược Tây Bắc.
 |
Đồng chí Tạ Văn Long, Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái phát biểu tại hội thảo. |
Đồng chí Tạ Văn Long, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của hệ thống chính trị cơ sở gắn với nhiệm vụ đảm bảo ANTT trên địa bàn. Theo đồng chí Phạm Văn Long, toàn tỉnh đã tổ chức thực hiện một cách bài bản, có hiệu quả các nội dung trong Nghị quyết 12 của Bộ Chính trị về xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tăng cường năng lực cho Công an cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; giữ vững vai trò nòng cốt của lực lượng Công an nhân dân trong công tác đảm bảo ANTT. Đặc biệt, triển khai thực hiện kịp thời có hiệu quả lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, thành lập 1.356 Tổ bảo vệ ANTT với 4.068 thành viên được bố trí tại 1.356 thôn, bản ngay sau khi Luật có hiệu lực thi hành; toàn tỉnh duy trì được 1.142 mô hình đảm bảo ANTT, trong đó có nhiều mô hình hoạt động hiệu quả, góp phần tích cực vào công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn…
 |
Đồng chí Quàng Văn Phong, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Điện Biên phát biểu tại hội thảo. |
Đồng chí Quàng Văn Phong, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Điện Biên cũng cho biết: Xác định bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng Công an giữ vai trò nòng cốt, trong những năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Điện Biên đã phối hợp với lực lượng Công an tổ chức các đợt tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của nhân dân về các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các vấn đề về đảm bảo ANTT với 3.000 cuộc tuyên truyền cho 250.000 lượt người tham gia. Cùng với đó, chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới như mô hình bản làng bình yên, gắn việc bảo vệ ANNT với các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội…
Đại tá Nguyễn Phong Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào Bảo vệ an ninh Tổ quốc cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay trong xây dựng mô hình phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Theo báo cáo của Công an các địa phương, tính đến năm 2023, các tỉnh Tây Bắc và phụ cận đã xây dựng được 863 mô hình phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với 45.981 điểm mô hình được nhân rộng. Từ đó, góp phần phục vụ tốt cho công tác phòng ngừa xã hội, khắc phục nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội; hòa giải, giải quyết được nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân ngay từ đầu và từ cơ sở, không để phát sinh thành điểm nóng; góp phần củng cố lòng tin, xây dựng mối quan hệ gần gũi, gắn bó giữa Nhân dân với cấp ủy, chính quyền và lực lượng Công an nhân dân…
 |
Thiếu tướng, TS. Giang Văn Cử, Giám đốc Học viện Biên phòng phát biểu tại hội thảo. |
Thiếu tướng, TS. Giang Văn Cử, Giám đốc Học viện Biên phòng, Bộ Quốc phòng cũng đã nhấn mạnh sự phối hợp hiệu quả giữa Bộ đội biên phòng với lực lượng Quân sự, Công an nhằm xây dựng thế trận quân sự, an ninh trong khu vực phòng thủ các tỉnh biên giới, góp phần đảm bảo an ninh vùng chiến lược Tây Bắc hiện nay.
 |
Các đại biểu dự hội thảo. |
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, thay mặt lãnh đạo Bộ Công an, Thiếu tướng, PGS.TS Trịnh Ngọc Quyên đề nghị Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục phối hợp với Học viện ANND trong sơ kết, tổng kết công tác bảo đảm an ninh vùng chiến lược Tây Bắc; nhân rộng những kinh nghiệm thành công, những cách làm hay, từ đó đề xuất lãnh đạo Bộ Công an về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, chiến lược nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an ninh vùng chiến lược Tây Bắc trong thời gian tới.