Đàm phán về dự thảo Hiệp định dẫn độ giữa Việt Nam và Campuchia

23/05/2013
Sáng 13/5/2013, tại Hà Nội đã diễn ra Vòng đàm phán thứ nhất dự thảo Hiệp định về dẫn độ giữa Việt Nam và Campuchia. Đoàn đàm phán Việt Nam do Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công an làm Trưởng đoàn. Thành viên trong Đoàn có đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao. 

Về phía Campuchia gồm 9 thành viên đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ Campuchia, do ông Hy Sophea, Quốc vụ khanh, Bộ Tư pháp làm Trưởng đoàn.

Dự thảo Hiệp định gồm: Lời nói đầu và 20 điều, với những nội dung cơ bản như sau: nghĩa vụ dẫn độ (Điều 1); các tội bị dẫn độ (Điều 2); các trường hợp từ chối dẫn độ (Điều 3); dẫn độ công dân (Điều 4); quan hệ với các điều ước quốc tế đa phương (Điều 5); thủ tục dẫn độ và các tài liệu cần thiết (Điều 6); dẫn độ đơn giản (Điều 7); chứng thực các tài liệu kèm theo (Điều 8); thông tin bổ sung (Điều 9); bắt khẩn cấp (Điều 10); cơ quan Trung ương (Điều 11); nhiều yêu cầu dẫn độ đối với một người (Điều 11)…
 
 
 
 Các đại biểu tham dự vòng đàm phán thứ nhất dự thảo Hiệp định về dẫn độ giữa Việt Nam và Campuchia.
 
 
Việt Nam và Campuchia là hai quốc gia láng giềng nằm trên bán đảo Đông Dương có quan hệ truyền thống, hữu nghị. Những năm gần đây, hai Nhà nước đã không ngừng củng cố và tăng cường mối quan hệ hợp tác thông qua việc trao đổi nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao, ký kết nhiều Hiệp định hợp tác và cùng tiến hành nhiều hoạt động chung trên các lĩnh vực. Trong bối cảnh đó, việc đàm phán, ký Hiệp định về dẫn độ với Vương quốc Campuchia tại thời điểm hiện nay có nhiều ý nghĩa chính trị, đối ngoại, biểu hiện sinh động và làm phong phú hơn nữa mối quan hệ láng giềng, hữu nghị giữa hai nước. Về mặt pháp lý, hai nước đã ký nhiều văn kiện hợp tác quan trọng trong hầu hết các lĩnh vực; đồng thời đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ ASEAN, khu vực và quốc tế như là thành viên của Công ước ASEAN về chống khủng bố; Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa các nước ASEAN; Khuôn khổ Tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Cămpuchia; tiểu vùng Mê Kông mở rộng; hợp tác Uỷ hội sông Mê Kông…Sự thông thương dễ dàng mang lại nhiều lợi ích về hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại, nhưng cũng gây không ít khó khăn cho công tác quản lý an ninh, trật tự và đặc biệt là công tác phòng, chống tội phạm có liên quan đến hai nước. Tình hình công dân nước này phạm tội lẩn trốn trên lãnh thổ nước kia ngày càng nhiều, gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thực thi công lý. Việc truy nã người phạm tội lẩn trốn chủ yếu được thực hiện qua kênh hợp tác Interpol và Aseanapol hoặc giữa Công an các tỉnh có chung đường biên giới. Bên cạnh đó, các quốc gia thành viên trong khối ASEAN vẫn chưa đạt được sự đồng thuận trong việc xây dựng Hiệp định mẫu về dẫn độ trong ASEAN.
 
Vì vậy, việc đàm phán, ký Hiệp định này, với tính chất là điều ước quốc tế cấp nhà nước, thể hiện thiện chí và mối quan tâm chung của hai quốc gia; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn cho hoạt động phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia có liên quan đến hai nước; đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật của hai nước, trong đó có lực lượng Công an./.
 
Tuấn Sa
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website