Tham dự hội nghị, về phía khách mời quốc tế có bà Jacqueline O'Neill, Đại sứ về Chương trình Nghị sự Phụ nữ, Hòa bình và An ninh của Canada; ngài Shawn Steil, Đại sứ Canada tại Việt Nam; bà Caroline T.Nyamayemombe, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam.
|
Toàn cảnh hội nghị quốc tế. |
Về phía đại biểu trong nước có Đại tá, PGS.TS Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Học viện ANND; đại diện Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Bộ Quốc phòng; đại diện các cục, đơn vị chức năng của Bộ Công an; một số học viện, trường CAND.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Đại tá, PGS.TS Trịnh Ngọc Quyên nhấn mạnh: Yêu chuộng hòa bình là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Việt Nam luôn là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, nỗ lực, tích cực tham gia vào các hoạt động gìn giữ hoà bình quốc tế.
Từ năm 2014 đến nay, đã có hơn 500 lượt sĩ quan thuộc các lực lượng vũ trang của Việt Nam đã và đang tích cực tham gia các Phái bộ của LHQ tại các quốc gia và vùng lãnh thổ. Các đại diện của Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó, được LHQ và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Việt Nam tự hào là quốc gia có 13% số nữ quân nhân trên tổng số quân nhân tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ. Sự tham gia ngày càng nhiều của các nữ sĩ quan trong Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ là nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong bối cảnh thúc đẩy bình đẳng giới, tăng cường trao quyền cho phụ nữ, đóng góp vào một tương lai bền vững, an ninh, an toàn trong khu vực và trên thế giới.
|
Bà Jacqueline O'Neill, Đại sứ về Chương trình Nghị sự Phụ nữ, Hoà bình và An ninh của Canada phát biểu tại hội nghị. |
Triển khai thực hiện Đề án “CAND Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ giai đoạn 2014 - 2020 và những năm tiếp theo”, Bộ Công an đã quyết định cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình nhằm cụ thể hoá đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là hội nhập quốc tế sâu rộng, trở thành thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Hội nghị quốc tế với chủ đề “Nữ sĩ quan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, cơ hội và thách thức” là một diễn đàn hữu ích nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, nghiên cứu thực tiễn, đồng thời là cơ hội để tiếp thu ý kiến từ các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế về tầm nhìn và kinh nghiệm trong công tác xây dựng, triển khai hiệu quả lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ, đặc biệt có sự tham gia của các nữ sĩ quan.
Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm của những nước, những tổ chức đã thực hiện thành công việc cử lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình LHQ; chia sẻ những cơ hội, thách thức khi tham gia thực hiện nhiệm vụ này của sỹ quan nói chung, nữ sỹ quan nói riêng. Từ đó, trang bị cơ bản cho các nữ sỹ quan CAND hiểu biết về vấn đề này, giúp sỹ quan CAND có được tâm lý sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được yêu cầu.
Bà Jacqueline O'Neill, Đại sứ về Chương trình Nghị sự Phụ nữ, Hòa bình và An ninh của Canada đã khái quát tình hình nữ sĩ quan tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình LHQ, những vấn đề đặt ra, bài học kinh nghiệm về công tác tuyển dụng, đào tạo.
Bà Jane Boissonneault, Trưởng bộ phận triển khai dịch vụ quốc tế về hoạt động hòa bình quốc tế, Cảnh sát Hoàng gia Canada cũng đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc tuyển chọn, đào tạo và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ trong suốt quá trình triển khai lực lượng gìn giữ hoà bình LHQ.
|
Trung tá Lương Thị Trà Vinh, nữ sĩ quan CAND trực tiếp tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình LHQ chia sẻ tại hội nghị. |
Theo chia sẻ của các nữ sĩ quan lực lượng vũ trang nhân dân trực tiếp tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình LHQ, tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình LHQ là niềm vinh dự, tự hào lớn lao nhưng đồng thời cũng là nhiệm vụ đầy khó khăn, thử thách đối với cán bộ chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.
Trong đó, tiêu chuẩn tuyển chọn cán bộ chiến sĩ tham gia gìn giữ hoà bình LHQ đặt ra rất cao. Trước tiên là đòi hỏi về độ tuổi, kinh nghiệm công tác, sức khoẻ, trình độ, khả năng ngoại ngữ, phẩm chất, ý chí. Sau đó, các ứng viên phải trải qua các kỳ huấn luyện chuyên sâu; vượt qua các bài kiểm tra sát hạch các kỹ năng như lái xe, bắn súng, tin học, ngoại ngữ; kỹ năng sử dụng phương tiện kỹ thuật tác chiến và nhiều kỹ năng nghiệp vụ chuyên sâu.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, theo khảo sát ban đầu, nữ cán bộ CAND về cơ bản có thể đáp ứng tốt các tiêu chuẩn về sức khỏe, kỹ năng lái xe, bắn súng, các đòi hỏi về thể lực, kỹ năng xử lý tình huống, khả năng thích ứng và mức độ hoàn thành khoá học của các ứng viên nữ so với nam là tương đương nhau.
Tuy nhiên, có một thực tế là các vấn đề về định kiến giới dù đã có nhiều thay đổi song vẫn còn những trở ngại về mặt tâm lý đối với nữ cán bộ chiến sĩ CAND khi họ cân nhắc để đăng ký ứng tuyển tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của LHQ.
Để ngày càng có nhiều nữ sỹ quan CAND tham gia ứng tuyển lực lượng gìn giữ hoà bình LHQ, các ý kiến đề xuất cần có các chính sách hỗ trợ, động viên, khích lệ; đồng thời, quan tâm, chú trọng hơn nữa đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nguồn từ sớm; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng và tạo nguồn ứng viên nữ.