Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Thiếu tướng, TS Nguyễn Ngọc Cương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật - Hậu cần Công an nhân dân khẳng định, một trong các yếu tố then chốt, đóng vai trò rất quan trọng tạo nền tảng và động lực để chuyển đổi số thành công, đó chính là không gian mạng. Không gian mạng là nền tảng công nghệ cho phép kết nối, chia sẻ thông tin và dữ liệu số giữa các cá nhân, tổ chức và cho phép triển khai các ứng dụng, dịch vụ số. Thông qua không gian mạng, các cơ quan nhà nước có thể xây dựng Chính phủ số, chính quyền số, từ đó cung cấp dịch vụ công trực tuyến tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp; cho phép doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới dựa trên công nghệ số.
Theo Thiếu tướng, TS Nguyễn Ngọc Cương, nhận diện rõ yêu cầu thời đại, xác định nghĩa vụ quốc gia trong thời đại không gian mạng là bước đi chiến lược để quốc gia phát triển nhanh, bền vững, là con đường dẫn tới hùng cường. Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và biện pháp nhằm bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, góp phần quan trọng bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Đây cũng là vấn đề mà Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đặc biệt quan tâm.
|
Thiếu tướng, TS Nguyễn Ngọc Cương phát biểu tại Hội thảo. |
Tại Hội thảo, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội đã giới thiệu về mô hình giáo dục đại học số cũng như đề xuất hệ thống quản trị nhà trường eHUST nhằm hiện thực hóa mục tiêu tiến tới mô hình đại học số giai đoạn 2025-2030 của Đại học Bách khoa Hà Nội trong tương lai. Theo đó, hệ thống eHUST được xây dựng một nền tảng về quản trị đại học bao gồm rất nhiều phân hệ (tổ chức cán bộ, nghiên cứu khoa học, hợp tác đối ngoại, quản lý đào tạo, thống kê tổng hợp, cổng thông tin hợp nhất,…) và được triển khai dưới cả 2 hình thức là website và ứng dụng trên điện thoại di động. Mô hình triển khai chuyển đổi số xuất phát từ các chính sách, định hướng và mô hình hoạt động của trường cả dài hạn và ngắn hạn, trong đó tập trung vào 3 luồng chính: Số hóa dữ liệu, số hóa quy trình, nghiệp vụ, khai thác dữ liệu...
Tham luận tại Hội thảo, Thiếu tá, TS Phạm Trường Sơn, Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết, các loại hình vi phạm luật an ninh mạng, các hành vi cố tình chống đối, xâm phạm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng đang diễn ra ngày càng tinh vi và phức tạp, trên các mạng xã hội vẫn còn xuất hiện nhiều nội dung xuyên tạc, phản động. Các giải pháp để đảm bảo an ninh thông tin và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng phải liên tục được cập nhật, thay đổi, đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ mới. Từ đó, đồng chí đề xuất 03 nhóm giải pháp: Kỹ thuật đảm bảo an ninh thông tin; kỹ thuật đảm bảo an toàn cho các hệ thống thông tin; nâng cao năng lực chuyên môn của lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao, lực lượng tác chiến không gian mạng thông qua đào tạo và nghiên cứu.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã chứng kiến Lễ ra mắt “Chương trình chia sẻ phòng thí nghiệm”. Chương trình có sự kết hợp của Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia với các Trường trong Câu lạc bộ…
|
Các đại biểu cắt băng ra mắt “Chương trình chia sẻ phòng thí nghiệm”. |
Với 06 phát biểu tham luận với hơn 40 báo cáo khoa học gửi về Hội thảo cùng những trao đổi thảo luận tại Hội thảo, Thiếu tướng, TS Nguyễn Ngọc Cương khẳng định, các vị diễn giả, các nhà khoa học đã tập trung công sức, trí tuệ, nghiên cứu tài liệu, tổng kết thực tiễn, thảo luận trao đổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, khẳng định về tầm quan trọng của chuyển đổi số cũng như chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Trong thời gian tới, Thiếu tướng, TS Nguyễn Ngọc Cương cho biết, Ban Tổ chức mong muốn đưa những giải pháp kỹ thuật mà các đại biểu đề xuất vào thực hiện và mang lại những kết quả tích cực trong đảm bảo sự an ninh, an toàn và bảo mật thông tin trên không gian mạng.
|
Các đại biểu tham dự Hội thảo. |