Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Trần Quốc Hoàn (23/1/1916 - 23/1/2016): Đồng chí Trần Quốc Hoàn- Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Cách mạng Việt Nam

17/01/2016
Ngày 23/1/ 2016, chúng ta kỷ niệm trọng thể 100 năm Ngày sinh đồng chí Trần Quốc Hoàn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an - Người con ưu tú của đất nước và quê hương Xô viết Nghệ Tĩnh giàu truyền thống cách mạng, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của cách mạng Việt Nam, người lãnh đạo, chỉ huy xuất sắc của lực lượng Công an nhân dân, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Nhân dịp này, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an có bài viết quan trọng. Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của đồng chí Bộ trưởng.

Hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân tin tưởng giao nhiều trọng trách, từ Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư Chi bộ nhà tù Sơn La, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Liên khu ủy 10, Bí thư Đặc khu ủy Hà Nội, Thứ trưởng Thứ Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Dân vận Trung ương, đại biểu Quốc hội từ khóa 2 đến khóa 7, với trên 30 năm là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, hơn 20 năm trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, 28 năm đứng đầu lực lượng Công an nhân dân, đồng chí Trần Quốc Hoàn luôn đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng và dân tộc lên trên hết, đem hết tài năng, trí tuệ của mình cùng với Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng lãnh đạo thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đặc biệt, trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, đồng chí đã nắm vững và vận dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để xây dựng Công an nhân dân trở thành một lực lượng vũ trang cách mạng tin cậy, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Đồng chí Trần Quốc Hoàn đã nêu tấm gương sáng về một nhân cách lớn, kiên trì phấn đấu vì lý tưởng cao đẹp của Đảng, hạnh phúc của nhân dân, về lòng trung thành vô hạn với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; về lập trường cách mạng kiên định, phẩm chất đạo đức cộng sản trong sáng, tinh thần chiến đấu quả cảm; đức khiêm tốn, giản dị, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng đội.

Được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh điều động phụ trách ngành Công an, đồng chí Trần Quốc Hoàn đặc biệt quan tâm công tác tham mưu, chủ động đề xuất với Đảng, Nhà nước các chủ trương, chính sách, phương châm, nguyên tắc đấu tranh chống phản cách mạng và các loại tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng Công an nhân dân ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Để làm tốt công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước, đồng chí luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác nghiên cứu, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình: “Trước hết phải nắm vững tình hình địch. Nghiên cứu tình hình địch không phải chỉ để biết địch một cách đơn thuần, mà để từ chỗ biết địch, đề ra chủ trương, chính sách, biện pháp..., nhằm đối phó và tiêu diệt địch”(1). Trong công tác nghiên cứu tình hình, việc tìm hiểu về âm mưu, tổ chức, hoạt động của địch có vị trí rất quan trọng: “Kẻ địch luôn có âm mưu mới, thay đổi phương thức hoạt động mới, cho nên trong quá trình nghiên cứu tình hình gián điệp địch, ta không được thỏa mãn với cái đã biết, phải luôn tìm ra cái mới trong âm mưu, tổ chức, hoạt động của địch để định ra đối sách mới thích hợp, có hiệu lực. Nếu địch đã thay đổi âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động mà ta vẫn giữ những cách đối phó cũ là phạm sai lầm”(2).

Về phương thức và biện pháp công tác Công an, đồng chí Trần Quốc Hoàn nhấn mạnh cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, sử dụng đồng bộ các biện pháp công tác: “Không thể chỉ đơn độc sử dụng một hình thức đấu tranh hoặc chỉ đơn thuần dựa vào một biện pháp riêng biệt, mà phải biết khéo léo kết hợp hình thức đấu tranh chính trị với giáo dục tư tưởng, khéo kết hợp cải thiện dân sinh với đấu tranh chính trị; khéo kết hợp biện pháp chính trị, biện pháp quần chúng với biện pháp pháp luật, hành chính, nghiệp vụ, vũ trang. Có như thế cuộc đấu tranh mới giành được thắng lợi, tranh thủ được quần chúng, phân hóa được hàng ngũ kẻ địch, cô lập và trừng trị số rất ít những tên đầu sỏ ngoan cố, triệt để làm tan rã địch về tư tưởng, chính trị và về tổ chức”(3).

Đồng chí Trần Quốc Hoàn kiểm tra một số cải tiến kỹ thuật máy thông tin liên lạc của cán bộ, chiến sĩ Phòng 2, Cục KG2, ngày 9/10/1979. Ảnh tư liệu.


Trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược diễn ra khẩn trương, quyết liệt, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh về an ninh, trật tự trong các mặt công tác Công an, nhất là trong tổng kết thực tiễn, xây dựng, phát triển lý luận Công an nhân dân.

Đồng chí chỉ rõ: “Trong công tác, chúng ta phải hết sức coi trọng lý luận, nhưng đồng thời phải đặc biệt chú ý nghiên cứu tình hình thực tiễn. Chính do giải quyết những vấn đề thực tiễn mà đề ra lý luận. Từ rút kinh nghiệm, tổng kết kinh nghiệm, khái quát hóa đề ra thành quy luật, nguyên tắc, như thế là thành lý luận”(4). Đồng chí vừa nghiên cứu, xây dựng lý luận Công an nhân dân, vừa trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác, chiến đấu và xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng. Chính thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo của người lãnh đạo cao nhất ngành Công an đã giúp đồng chí vừa có tầm nhìn chiến lược, vừa có tư duy sâu sắc, nhạy bén về các mặt công tác Công an.

Đồng chí dành nhiều thời gian, tâm huyết và trí tuệ để tổng kết thực tiễn, đánh giá, kiểm điểm sâu sắc công tác đấu tranh chống phản cách mạng và các loại tội phạm, nghiên cứu, khái quát thành lý luận đấu tranh bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu, tạo nền móng cho việc hình thành, phát triển lý luận Công an nhân dân. Những vấn đề lý luận đúc kết từ thực tiễn đều được cập nhật vào hệ thống giáo trình giảng dạy trong các trường Công an. Đồng chí đã duyệt các giáo trình quan trọng và trực tiếp truyền đạt những tư tưởng chỉ đạo, phương châm, nguyên tắc công tác cơ bản trong cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự, như tư tưởng phòng ngừa tích cực, tiến công liên tục; tích cực bảo vệ mình, chủ động tiêu diệt địch; nâng cao cảnh giác, không để lọt kẻ địch, không làm oan người ngay; trấn áp kết hợp với khoan hồng, trừng trị kết hợp với giáo dục, cải tạo...

Trong đó, đồng chí đặc biệt nhấn mạnh phương châm “Tích cực bảo vệ mình, chủ động tiêu diệt địch” và chỉ rõ: “Trong cán bộ và nhân dân ta không phải mọi người đều có kinh nghiệm chống địch và cảnh giác với địch như nhau, bọn gián điệp lại luôn luôn thay đổi phương thức và thủ đoạn hoạt động, vì thế việc phòng ngừa cũng phải luôn luôn được nâng lên, bổ sung thêm cho thích ứng với biến chuyển của tình hình hoạt động địch. Lại không nên hiểu phòng ngừa có nghĩa là tiêu cực khoanh tay, mà trái lại phải tiến hành hàng loạt công tác cần thiết để tích cực phòng ngừa... Phòng ngừa tốt thì thu hẹp khả năng phá hoại của địch, cô lập địch, làm chúng bị bộc lộ và tạo điều kiện để ta tiêu diệt chúng một cách dễ dàng. Đánh địch tốt thì tiêu diệt được sinh lực địch, mở rộng sự hiểu biết của ta về địch, cung cấp tài liệu làm cơ sở để tính toán cách phòng ngừa được chặt chẽ hơn”(5).

Quán triệt sâu sắc tư tưởng, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò to lớn của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, đồng chí Trần Quốc Hoàn khẳng định: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng thì bảo vệ cách mạng cũng là sự nghiệp của quần chúng. Đó là nguyên lý, là đường lối và cũng là quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin trong cuộc đấu tranh chống phản cách mạng... Quần chúng càng được phát động mạnh mẽ bao nhiêu thì cuộc đấu tranh chống phản cách mạng càng triệt để bấy nhiêu; tính cảnh giác và tinh thần đấu tranh của quần chúng càng cao, hàng ngũ phản cách mạng càng chóng tan rã, việc cải tạo bọn chúng càng đạt nhiều kết quả tốt, cơ sở xã hội để bọn chúng lợi dụng bị thu hẹp, dần dần bị quét sạch, điều kiện để bọn chúng ẩn nấp hoạt động không còn”(6).
 
Để phát huy và không ngừng bồi đắp phẩm chất nhân văn tốt đẹp của Công an nhân dân, đồng chí khẳng định, quán triệt đường lối quần chúng trong cuộc đấu tranh chống phản cách mạng là vấn đề thuộc về lập trường, nguyên tắc và nêu rõ: “Thật sự tin tưởng và dựa vào nhân dân, kiên quyết phát động khí thế cách mạng của quần chúng để đấu tranh mạnh mẽ chống phản cách mạng là một tiêu chuẩn quan trọng để xét lập trường, quan điểm của người cán bộ”(7).

Về hình thức, biện pháp vận động quần chúng tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, đồng chí chỉ rõ: “Cũng như các cuộc vận động cách mạng khác, cuộc vận động quần chúng đấu tranh chống phản cách mạng cần có những hình thức, biện pháp khác nhau tùy theo nhiệm vụ cách mạng, đối tượng cách mạng ở từng thời kỳ. Điều quan trọng là phải khéo kết hợp giữa công tác tuyên truyền, tổ chức và đấu tranh thì mới phát huy được mạnh mẽ vai trò của quần chúng nhân dân”(8).

Đồng chí Trần Quốc Hoàn cùng gia đình và Phòng 6A (Văn phòng Bộ trưởng) chụp ảnh lưu niệm tại nhà riêng nhân dịp tết Quý Sửu 1973.


Để phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày càng đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực, đồng chí nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phải dựa vào quần chúng, phải biết gắn nhiệm vụ đấu tranh chống phản cách mạng với việc phục vụ quyền lợi thiết thân hằng ngày của quần chúng, gắn liền nội dung tuyên truyền với hành động thực tế. Phát huy tính tích cực, tính cảnh giác cách mạng của quần chúng, bồi dưỡng nâng cao tinh thần đấu tranh, phát triển mạng lưới nhân dân từ hẹp đến rộng, từ nông đến sâu, vừa có khả năng phòng ngừa, vừa có khả năng chủ động tiến công địch liên tục là vấn đề có ý nghĩa quyết định, cơ bản nhất trong cuộc đấu tranh chống phản cách mạng.

Bản chất tốt đẹp của lực lượng Công an nhân dân là lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; tính tổ chức, kỷ luật cao, tinh thần khắc phục khó khăn, gian khổ; tác phong liên hệ mật thiết với nhân dân; sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Sức mạnh chiến đấu của Công an nhân dân là ở sự đoàn kết, nhất trí về chính trị, thống nhất về tư tưởng và tổ chức, bắt nguồn từ sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện của Đảng, từ nguồn sức mạnh vô địch của nhân dân.

Trên quan điểm nhất quán đó, đồng chí Trần Quốc Hoàn cùng Đảng đoàn, lãnh đạo Bộ Công an thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Nhiệm vụ của Công an nhân dân là bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Muốn là công cụ sắc bén của Đảng, của chuyên chính vô sản, thì các tổ chức Đảng trong Công an nhân dân phải thật sự trong sạch, vững mạnh, đồng chí khẳng định: “Xây dựng Đảng trong Công an nhân dân có ý nghĩa quyết định đối với công tác xây dựng lực lượng. Tổ chức Đảng là nơi giáo dục, rèn luyện đảng viên, tổ chức Đảng có mạnh, có tốt mới bảo đảm hoàn thành được nhiệm vụ công tác chuyên môn, mới bảo đảm thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Tổ chức Đảng là trụ cột của ngành chúng ta”(9).

Trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng, đồng chí nhấn mạnh “khâu then chốt là phải xây dựng và rèn luyện đội ngũ cán bộ, chiến sĩ”(10), giáo dục cán bộ, chiến sĩ làm đúng theo sáu điều Bác Hồ dạy. Đồng chí nêu rõ: “Muốn xây dựng lực lượng tốt, cần phải quán triệt sâu sắc nhiệm vụ mà Đảng giao cho Công an, chẳng những phải thấy rõ tình hình và yêu cầu trước mắt, mà còn phải tính đến yêu cầu của tương lai, phải xuất phát từ tình hình, kinh nghiệm của ta và phải suy nghĩ tiếp thu kinh nghiệm của các nước anh em, phải nhận thức được đường lối và yêu cầu cơ bản, lâu dài cũng như giải quyết tốt những vấn đề cụ thể trước mắt; phải quán triệt nhiệm vụ của ngành, tính chất cuộc đấu tranh, yêu cầu và đường lối giai cấp trong công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân”(11). Đồng chí yêu cầu mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an phải “phấn đấu theo hoài bão và lý tưởng cao đẹp là thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi, lấy hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui, lẽ sống của mọi cán bộ, chiến sĩ, lấy sự nghiệp của Đảng làm mục tiêu phấn đấu của toàn lực lượng Công an nhân dân”(12).

Nhận thức rõ sức mạnh dân tộc phải gắn kết chặt chẽ với sức mạnh thời đại trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, đồng chí Trần Quốc Hoàn và Đảng đoàn, lãnh đạo Bộ Công an thường xuyên quan tâm xây dựng, phát triển quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế giữa Công an Việt Nam với Công an các nước xã hội chủ nghĩa trong việc trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm đấu tranh phòng, chống tội phạm, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tranh thủ sự hỗ trợ về trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng  cao hiệu quả các mặt công tác Công an.

Những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, quyết sách mang tầm chiến lược của đồng chí đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội thể hiện tính Đảng sâu sắc, tính cách mạng triệt để, tính dân tộc và tính thời đại đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là cơ sở, nền móng vững chắc bảo đảm sự phát triển, lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt của lực lượng Công an nhân dân.
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Trần Quốc Hoàn (23- 1- 1916 – 23- 1- 2016) là dịp để lực lượng Công an nhân dân tưởng nhớ, biết ơn, học tập và tôn vinh những cống hiến, đóng góp to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng cao cả của Đảng, của dân tộc và lực lượng Công an nhân dân.

Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn - Nhà cách mạng kiên trung của Đảng, người lãnh đạo, chỉ huy xuất sắc của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam là tấm gương sáng ngời về người cộng sản chân chính, đức độ, tài năng, trung thành với Đảng, tận tụy với dân, vì nước quên thân, vì dân phục vụ, xứng đáng để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an nhân dân học tập, rèn luyện và noi theo.


 ******************
(1): NXB Công an nhân dân, Trần Quốc Hoàn, Một số vấn đề cơ bản về hoạt động nghiệp vụ Công an, Hà Nội, 2004, tr.60.
(2): Sđd, tr.60.
(3): Viện Nghiên cứu khoa học Công an, Trần Quốc Hoàn, Một số vấn đề vè đấi tranh chống phản cách mạng, Hà Nội, 1975, tr.54.
(4): NXB Công an nhân dân, Trần Quốc Hoàn, Một số vấn đề về xây dựng lực lượng Công an nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.108.
(5): NXB Công an nhân dân, Trần Quốc Hoàn, Một số vấn đề cơ bản về hoạt động nghiệp vụ Công an, Hà Nội, 2004, tr.81-82.
(6): Viện Nghiên cứu khoa học Công an, Trần Quốc Hoàn, Một số vấn đề về đấu tranh chống phản cách mạng, Hà Nội, 1975, tr.58-59.
(7): Sđd, tr.60.
(8): Sđd, tr.60.
(9): NXB Công an nhân dân, Trần Quốc Hoàn, Một số vấn đề về xây dựng lực lượng Công an nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.195.
(10): Sđd, tr.77.
(11): NXB Công an nhân dân, Những kỷ niệm sâu sắc về Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, Hà Nội, 2004, tr.33-34.
(12): Viện Nghiên cứu khoa học Công an, Trần Quốc Hoàn, Một số vấn đề về đấu tranh chống phản cách mạng, Hà Nội, 1975, tr.477.


T. Đ. Q
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website