Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (12/7/1946 – 12/7/2016), được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu chăm lo, giáo dục, rèn luyện, được nhân dân tin yêu, đùm bọc, giúp đỡ, các bộ, ban, ngành, địa phương phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, lực lượng ANND Việt Nam đã lập nhiều chiến công hiển hách, có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
|
Thượng tướng, GS.TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an. |
Ngay trong những ngày tháng hào hùng của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lực lượng ANND đã bước vào cuộc đấu tranh sinh tử với mưu đồ lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ của các thế lực phản động, đế quốc để bảo vệ thành quả cách mạng mà Đảng và nhân dân ta mới giành được. Đặc biệt là ngày 12/7/1946, lực lượng An ninh đã phá vụ án phản cách mạng tại số 7 phố Ôn Như Hầu, Hà Nội, tổ chức tổng tấn công, trấn áp, đập tan cuộc đảo chính phản cách mạng do Quốc dân đảng câu kết với quân đội viễn chinh Pháp tiến hành. Với mốc son chói lọi đi vào lịch sử dân tộc đó, ngày 12/7 đã trở thành Ngày truyền thống của lực lượng ANND Việt Nam anh hùng.
Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thực hiện lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, lực lượng Công an nhân dân (CAND) mà nòng cốt là lực lượng An ninh đã tổ chức xây dựng hàng chục nghìn cơ sở bí mật, hàng trăm cơ sở thâm nhập vào các cơ quan đầu não của địch; phối hợp lực lượng cách mạng tại chỗ, tiến hành nhiều chiến dịch phá tề, trừ gian; bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo, căn cứ địa cách mạng; xây dựng, củng cố phong trào "bảo mật phòng gian", "ngũ gia liên bảo", hỗ trợ lực lượng vũ trang đánh bại các chiến dịch quân sự của địch, từng bước tạo thế, tạo lực cho cách mạng, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng An ninh đã tham mưu và thực hiện đường lối, đối sách, biện pháp đấu tranh phù hợp với các loại đối tượng; phát động rộng khắp phong trào “bảo vệ trị an”, “bảo mật phòng gian” trong nhân dân và các cơ quan xí nghiệp; cùng với các lực lượng đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh gián điệp biệt kích xâm nhập do Mỹ tiến hành, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương vững chắc của tiền tuyến lớn miền Nam. Ở chiến trường miền Nam, dù phải đương đầu với Mỹ - ngụy mà đặc biệt là cơ quan tình báo, gián điệp dày đặc, có tiềm lực và thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, được sự chi viện của miền Bắc, lực lượng An ninh miền Nam đã cùng với lực lượng Quân đội đồng cam, cộng khổ, bám đất, bám dân, tiến hành đấu mưu, đấu trí, đấu pháp, đấu lực với địch trên cả ba vùng chiến lược (rừng núi, nông thôn, đồng bằng, đô thị), bảo vệ các tổ chức của Đảng và phát triển chiến tranh nhân dân rộng khắp, liên tục tấn công, làm thất bại nhiều kế hoạch, chiến dịch như “Tình báo đại chúng”, “Phượng Hoàng”, “Thiên Nga” của Mỹ - ngụy... Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, lực lượng An ninh đã đi trước, mở đường, tích cực tham gia các mũi tiến công, chiếm lĩnh các cơ quan, công sở, đập tan các tổ chức tình báo, gián điệp, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ngay sau đó, đã chủ động phối hợp với các lực lượng vũ trang, chính quyền cơ sở và quần chúng nhân dân tổ chức cho hàng trăm nghìn binh lính ngụy quân, ngụy quyền trình diện và đưa hàng chục nghìn đối tượng nguy hiểm vào các trại học tập cải tạo, truy quét hàng trăm ổ nhóm vũ trang của tàn quân ngụy, phá rã hàng nghìn tổ chức phản động, đẩy lùi âm mưu gây bạo loạn trong kế hoạch hậu chiến của Mỹ - ngụy.
Vào thập niên 80 của thế kỷ XX và giai đoạn đầu thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế của đất nước, sau sự kiện hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô cũ và Đông Âu tan rã không qua một cuộc chiến tranh quân sự, các thế lực thù địch đã xác định Việt Nam là một trong những trọng điểm chống phá. Chúng gia tăng hoạt động, âm mưu thực hiện “diễn biến hòa bình”, triệt để lợi dụng vấn đề "dân chủ", "nhân quyền", dân tộc, tôn giáo... để kích động biểu tình, bạo loạn, khủng bố, lật đổ. Cùng với quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, lực lượng An ninh đã kịp thời đổi mới các mặt công tác, chủ động phòng ngừa, làm thất bại nhiều âm mưu, hoạt động phá hoại, khủng bố, bạo loạn, lật đổ của các tổ chức phản động lưu vong có sự chỉ đạo, hỗ trợ của các thế lực thù địch nước ngoài, điển hình là thắng lợi của Kế hoạch CM-12 triệt phá âm mưu và hoạt động xâm nhập quy mô lớn nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, đập tan kế hoạch “Đông tiến”, “Đông Xuân”, chiến dịch “chuyển lửa về quê nhà”, “góp gió thành bão”…; phối hợp với các ngành chức năng tiến hành nhiều biện pháp kiềm tỏa, ngăn chặn hoạt động chống đối của các phần tử phản động lợi dụng tôn giáo, dân tộc, số cực đoan, quá khích, cơ hội chính trị trong nước, tập trung đấu tranh, giải quyết cơ bản vấn đề FULRO ở Tây Nguyên, góp phần ổn định chính trị, đưa đất nước ra khỏi tình trạng khủng hoảng, giữ vững niềm tin về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ với các đại biểu tại buổi tọa đàm về vụ án số 7 phố Ôn Như Hầu. |
Thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, lực lượng An ninh đã quán triệt phương châm “chủ động tiến công, lấy giữ vững bên trong là chính”, nâng cao nhận thức về an ninh quốc gia, đối tượng, đối tác, đổi mới biện pháp công tác; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh quốc gia. Chủ động nắm tình hình và tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành nhiều chủ trương, chính sách có tính chiến lược về đối nội, đối ngoại, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, nhất là tại các địa bàn chiến lược và các thành phố lớn; tham gia giải quyết dứt điểm hàng nghìn vụ tranh chấp, khiếu kiện phức tạp, đình công, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, phát hiện, ngặn chặn kịp thời các hoạt động tụ tập đông người, gây rối an ninh, trật tự, triệt xóa các tổ chức bất hợp pháp, hoạt động phục hồi FULRO và diễn biến phức tạp khác tại các địa bàn chiến lược. Tổ chức điều tra, đưa truy tố, xét xử kịp thời nhiều vụ án lớn xâm phạm an ninh quốc gia; đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ tính đúng đắn, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; mở rộng quan hệ đối ngoại, tăng cường đối thoại, thu hẹp bất đồng, nâng cao vị thế của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề quốc tế.
70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, giữ trọn niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đến nay lực lượng ANND đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 02 Huân chương Sao Vàng, 03 Huân chương Hồ Chí Minh, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; có 385 tập thể và 252 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; hàng nghìn lượt tập thể và cá nhân được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Thời gian tới, bên cạnh thời cơ, vận hội mới đối với hòa bình, phát triển, tình hình thế giới và khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tranh chấp chủ quyền biển đảo diễn biến phức tạp, gay gắt, tác động tiêu cực đến an ninh quốc gia của nước ta. Ở trong nước, các thế lực thù địch, các loại tội phạm gia tăng các hoạt động chống phá với những phương thức, thủ đoạn mới, thâm độc và xảo quyệt nhằm thúc đẩy thực hiện “diễn biến hòa bình”, tiến hành “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” ở Việt Nam. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có mặt biểu hiện nghiêm trọng hơn. Bối cảnh đó đã và đang đặt ra nhiệm vụ hết sức nặng nề, phức tạp, đòi hỏi lực lượng CAND nói chung, nòng cốt là lực lượng ANND cần tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, trong đó tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Một là, đổi mới nhận thức, linh hoạt trong nhận diện đối tượng, đối tác để có tư duy an ninh chủ động, tạo thế và lực mới trong bảo vệ an ninh quốc gia, phù hợp với quy luật vận động và phát triển của thế giới đương đại. Thường xuyên nắm chắc, dự báo đúng tình hình, thực hiện tốt chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, sách lược, chiến lược trong quan hệ đối nội, đối ngoại, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ vững ổn định chính trị, góp phần tạo lập môi trường hòa bình, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và chủ động hội nhập quốc tế. Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh quốc gia, đề cao cảnh giác, tích cực phòng ngừa, phát hiện, xử lý các nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia ngay từ xa, từ sớm, từ cơ sở; đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ, khủng bố của các thế lực thù địch. Tăng cường bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, phối hợp ngăn ngừa, đấu tranh với các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, bảo vệ an ninh văn hóa, tư tưởng, an ninh kinh tế, an ninh thông tin, an ninh biên giới, lãnh thổ và an ninh phi truyền thống. Chú trọng củng cố thế trận “lòng dân”, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vững chắc; kết hợp chặt chẽ thế trận ANND, nền ANND với thế trận quốc phòng toàn dân, nền quốc phòng toàn dân và hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại của đất nước.
|
Bộ trưởng Tô Lâm và lãnh đạo Tổng cục An ninh cắt băng khánh thành Phòng truyền thống Tổng cục An ninh. |
Hai là, chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng An ninh cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, coi đó là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là nền tảng bảo đảm thắng lợi cho mọi hoạt động của lực lượng An ninh. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị (khóa XI) về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với việc triển khai Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đưa việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống theo Sáu điều Bác Hồ dạy CAND trở thành việc làm thường xuyên hằng ngày, tự giác của mỗi cán bộ, chiến sĩ An ninh.
Ba là, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”; điều này cũng được Đảng ta khẳng định: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng”. Chính vì vậy, cần phát huy hơn nữa truyền thống anh hùng, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ An ninh tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, pháp luật, giỏi về khoa học - kỹ thuật và ngoại ngữ, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, vì an ninh Tổ quốc.
Bốn là, chú trọng nghiên cứu phát triển, hoàn thiện hệ thống lý luận khoa học An ninh, nhất là lý luận về công tác tham mưu, chỉ huy, dự báo chiến lược về an ninh quốc gia; nghệ thuật bảo vệ an ninh quốc gia; lý luận khoa học nghiệp vụ chuyên ngành An ninh; bổ sung lý luận về an ninh phi truyền thống, đáp ứng sự vận động phong phú, đa dạng của thực tiễn công tác, chiến đấu bảo đảm an ninh quốc gia trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập và kinh tế tri thức.
Năm là, tăng cường quan hệ đối ngoại, thực hiện nhiều cơ chế đối thoại an ninh, phục vụ việc thiết lập và nâng tầm quan hệ hợp tác với các nước, góp phần thực hiện chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; tập trung đầu tư trang bị, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại và bảo đảm tốt hậu cần phục vụ công tác, chiến đấu của lực lượng An ninh. Hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các chế độ, chính sách để cán bộ, chiến sĩ An ninh yên tâm công tác, nỗ lực hết mình vì sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia.
|
Bộ trưởng Tô Lâm với các cán bộ Cục Tham mưu An ninh (Tổng cục An ninh). |
Tự hào về truyền thống anh hùng, vẻ vang; nhận thức sâu sắc mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của các lực lượng và nhân dân, lực lượng ANND quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nòng cốt trong bảo đảm an ninh quốc gia, mãi xứng đáng là lực lượng vũ trang trọng yếu, tuyệt đối tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.