Năm năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm đã được triển khai quyết liệt và đạt kết quả tích cực. Đã đã kiềm chế được sự gia tăng của tội phạm; làm giảm một số loại tội phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng; tỷ lệ điều tra khám phá án được nâng lên cao hơn giai đoạn trước (trung bình hàng năm đạt khoảng 75%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90%), công tác đấu tranh với tội phạm có tổ chức có chuyển biến rõ nét, đã triệt phá được nhiều băng, ổ nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm (như băng nhóm Minh “Sâm” ở Bắc Ninh, Dũng “Mặt sắt” ở Quảng Ninh; Tú kỷ ở Hưng Yên…); số vụ án kinh tế, tham nhũng phát hiện nhiều hơn 2,6%, thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng cho Nhà nước (trong đó có nhiều chuyên án, vụ án đặc biệt lớn trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng được điều tra khám phá như vụ Huỳnh Thị Huyền Như, vụ Nguyễn Đức Kiên, vụ Hà Văn Thắm, vụ Phạm Công Danh, vụ Vinalines…); án ma túy phát hiện tăng 68,9%, triệt phá nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia với số lượng lớn (điển hình là chuyên án 006N triệt phá 5 đường dây mua bán vận chuyển 25.000 bánh heroin và trên 500.000 viên ma túy tổng hợp xuyên quốc gia); phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật về môi trường nghiêm trọng, đấu tranh có hiệu quả với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội sử dụng công nghệ cao được dư luận đồng tình ủng hộ, đánh giá cao.
|
Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Bí thư Đảng ủy, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát tham luận tại Đại hội.
|
Các mặt công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội không ngừng được tăng cường, phục vụ có hiệu quả yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm... Qua công tác đấu tranh, đã tiếp tục giữ được thế chủ động, không để tội phạm hoạt động lộng hành, góp phần tạo môi trường xã hội bình yên, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước; tổ chức, lực lượng đấu tranh phòng, chống tội phạm được củng cố, kiện toàn, chất lượng cán bộ từng bước được nâng lên; phương tiện, điều kiện vật chất được từng bước hiện đại hóa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Thế trận phòng chống tội phạm đã được tăng cường mạnh hơn cả về lực lượng, biện pháp và các điều kiện đảm bảo.
Để đạt kết quả trên, lực lượng Công an đã làm tốt công tác tham mưu và tranh thủ được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính quyền các cấp; có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Công an với các ngành và phát huy được vai trò của quần chúng nhân dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, phòng chống mua bán người và các chủ trương, giải pháp lớn của Đảng, Nhà nước trong phòng chống tham nhũng, phòng chống tội phạm kinh tế, môi trường. Vai trò nòng cốt, xung kích của lực lượng Công an nói chung, lực lượng Cảnh sát nói riêng đã được thể hiện rõ nét. Lực lượng Cảnh sát các cấp đã liên tục tổ chức các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm (trung bình 1 năm tổ chức 02 đợt cao điểm); triển khai nhiều chủ trương, biện pháp để giải quyết những vấn đề bức xúc nổi lên về tội phạm; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác nghiệp vụ cơ bản, công tác điều tra, xử lý tội phạm, qua đó tạo được chỗ dựa cho phong trào quần chúng phát triển tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm mạnh mẽ.
Tuy nhiên, trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Tình hình tội phạm mặc dù đã được kiềm chế nhưng còn diễn biến phức tạp. Đáng lưu ý là: (1) Tội phạm có tổ chức từng bước chuyển sang hình thức mới phức tạp hơn, có sự câu kết, móc nối chặt chẽ, đan xen, chuyển hóa giữa các lĩnh vực, triệt để lợi dụng các kẽ hở của pháp luật, thành lập các doanh nghiệp để tạo bình phong cho hoạt động phạm tội. (2) Nhóm tội phạm do nguyên nhân xã hội gia tăng, đối tượng phạm tội lần đầu chiếm khoảng 78%, nhiều vụ gây án với hành vi hết sức dã man, tàn bạo, phản ánh sự xuống cấp của đạo đức xã hội. (3) Tội phạm kinh tế, tham nhũng có trình độ cao hơn, phức tạp hơn và gây hậu quả thiệt hại nghiêm trọng hơn. Sự tha hóa về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ trong hệ thống chính trị dẫn đến hình thành các “nhóm lợi ích” triệt để khai thác kẽ hở của pháp luật để phạm tội, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. (4) Tội phạm ma túy diễn ra nghiêm trọng hơn. Số người nghiện ở nước ta đã tăng 4 lần trong 2 thập kỷ qua, cả nước hiện có trên 204.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trung bình mỗi năm tăng khoảng 7.000 người. Người nghiện ma túy đã có mặt ở 100% tỉnh, thành phố; gần 90% quận, huyện và khoảng 70% số xã, phường, thị trấn. Xu hướng những năm gần đây ma túy tổng hợp đang dần thay thế heroin, trong khi sự cảnh báo của xã hội đối với loại ma túy này chưa cao. (5) Tội phạm sử dụng công nghệ cao đang gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn mới và có tính chất xuyên quốc gia. (6) Các vi phạm pháp luật về môi trường vẫn diễn ra phổ biến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, gây thiệt hại cả trước mắt và lâu dài đối với sự phát triển bền vững của đất nước... Đây là những vấn đề chúng ta cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết, để tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong giai đoạn tới...
Trong thời gian tới, cùng với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng trên các lĩnh vực sẽ phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực, tác động đến tình hình tội phạm, nhất là sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa các giai tầng xã hội, tình trạng không có việc làm, sự xuống cấp của văn hóa, đạo đức, lối sống trên một số lĩnh vực, các tệ nạn xã hội, người nghiện ma túy... sẽ làm cho tình hình các loại tội phạm hình sự, ma túy, kinh tế, tham nhũng, môi trường, buôn lậu, tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp; có xu hướng các đối tượng liên kết hình thành các băng nhóm để hoạt động phạm tội với tính lưu động cao, phạm vi hoạt động rộng hơn; ảnh hưởng của tình hình tội phạm trên thế giới sẽ làm xuất hiện các phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, đa dạng hơn. Tình hình trên, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ nặng nề cho công tác đảm bảo an ninh trật tự nói chung, phòng chống tội phạm nói riêng.
Để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong nhiệm kỳ tới, cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt những vấn đề sau:
1. Đổi mới cơ chế, chính sách trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm cho phù hợp với tình hình mới, trong đó cần tập trung vào 3 nội dung: (1) Lãnh đạo làm tốt công tác xây dựng, đổi mới cơ chế, chính sách nhằm tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng, chống tội phạm, với phương châm “Đảng lãnh đạo, Chính quyền quản lý, lực lượng Công an làm nòng cốt, các ban ngành, đoàn thể và nhân dân tích cực tham gia thực hiện”. Trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW, Chỉ thị 21-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với tổng kết thực hiện 3 chương trình quốc gia phòng chống tội phạm của Chính phủ giai đoạn 2010-2015 và xây dựng Chương trình tiếp tục thực hiện cho giai đoạn 2015-2020; xây dựng cơ chế lồng ghép công tác phòng, chống tội phạm trong từng chính sách phát triển kinh tế - xã hội, trên từng lĩnh vực, từng địa phương. (2) Rà soát bổ sung và hoàn thiện các văn bản pháp luật, thực hiện đúng định hướng của Đảng trong chiến lược cải cách tư pháp, tạo hành lang pháp lý cần thiết cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. (3) Xây dựng, đổi mới cơ chế, chính sách nhằm động viên, khuyến khích nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm.
2. Lực lượng Công an các cấp làm tốt vai trò nòng cốt, xung kích trong đấu tranh phòng chống tội phạm trên cả 2 phương diện phòng ngừa và điều tra xử lý tội phạm. Tiếp tục đổi mới nội dung, biện pháp công tác của lực lượng Cảnh sát để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Quan tâm chỉ đạo xây dựng và thực hiện mối quan hệ phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng Cảnh sát, gắn kết chặt chẽ với các biện pháp quản lý hành chính, tạo thế trận liên hoàn trong phòng ngừa, phát hiện, điều tra xử lý tội phạm.
3. Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, kết hợp đồng bộ giữa yếu tố con người, biện pháp nghiệp vụ và phương tiện hiện đại trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
4. Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm, mở rộng không gian hoạt động của lực lượng Cảnh sát và đẩy mạnh công tác nắm tình hình, chủ động phòng ngừa từ xa các loại tội phạm. Mở rộng và nâng cao chất lượng công tác hợp tác quốc tế với các nước và các tổ chức quốc tế trong trao đổi thông tin, phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có tính quốc tế.
5. Coi trọng công tác xây dựng lực lượng, đây là yếu tố then chốt để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Tiếp tục tăng cường năng lực cho các lực lượng chuyên trách để đấu tranh có hiệu quả với từng loại tội phạm nổi lên, đồng thời hướng mạnh về cơ sở, ưu tiên cho lực lượng trực tiếp chiến đấu tại cơ sở, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.../.