Tăng cường và đổi mới công tác dân vận, xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân “vì nhân dân phục vụ”

17/01/2014
Công tác dân vận của lực lượng Công an là bộ phận quan trọng của công tác dân vận trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp từ Trung ương tới địa phương; sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể và các cơ quan chức năng. Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của Đại tướng Trần Đại Quang Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước; là điều kiện quan trọng đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp về công tác dân vận.

Trên cơ sở đó, công tác dân vận đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng của Đảng và nhân dân.

Nhận thức sâu sắc vai trò của công tác dân vận trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương quán triệt và thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về công tác dân vận, nhất là Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Chỉ thị số 18/2000/CT-TTg, ngày 21/9/2000 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường công tác dân vận”; ban hành nhiều chủ trương, giải pháp với nhiều hình thức phù hợp, tổ chức các cuộc vận động, các phong trào thi đua, như phong trào “Công an nhân dân học tập và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy”, Cuộc vận động “Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”, các phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”... nhằm tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa lực lượng Công an với nhân dân.

Cấp ủy, lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương đã đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, làm chuyển biến trong nhận thức và hành động của từng cán bộ, chiến sĩ về ý thức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Tổ chức các diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”, các cuộc hội thảo, tọa đàm về văn hóa ứng xử của cán bộ, chiến sĩ trong quan hệ, tiếp xúc với nhân dân; đề ra nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị, lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; thực hiện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa mới, nhất là tại các địa bàn chiến lược Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ.

Lực lượng Công an đã tăng cường cải cách hành chính trên lĩnh vực quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; thực hiện cơ chế “Một cửa” liên thông, duy trì ngày làm việc thứ bảy với khẩu hiệu “Ngày thứ bảy - vì nhân dân phục vụ”; thực hiện đăng ký lưu trú qua mạng, chuyển kết quả cấp Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu qua đường bưu điện; cử cán bộ trực tiếp xuống địa bàn cơ sở làm thủ tục cấp Giấy chứng minh nhân dân cho người cao tuổi, người tàn tật..., rút ngắn thời gian giải quyết công việc, giảm bớt thủ tục hành chính không cần thiết để không gây phiền hà cho nhân dân.

Các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, “xóa đói giảm nghèo” được quan tâm đẩy mạnh nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lòng biết ơn đối với người có công với cách mạng; nâng cao ý thức tự giác, tích cực tham gia các hoạt động nói trên của mọi cán bộ, chiến sĩ. Tổ chức tốt các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, nhất là vào các dịp lễ, tết, Ngày thương binh, liệt sĩ. Kịp thời thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ bị thương, thân nhân các gia đình cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự. Cán bộ, chiến sĩ đã đóng góp xây dựng hàng nghìn căn nhà tình nghĩa tặng gia đình chính sách, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; ủng hộ hàng trăm tỷ đồng cho đồng bào bị thiên tai, bão lụt...

Phát huy vai trò nòng cốt trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự, lực lượng Công an đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, địa phương trong việc xây dựng và triển khai thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc gắn kết chặt chẽ với nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của nhân dân về quyền và nghĩa vụ trong bảo vệ an ninh, trật tự. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã được đổi mới về nội dung và hình thức theo hướng “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải”, phù hợp đặc điểm, tính chất của từng địa bàn, lĩnh vực. Qua đó, các tầng lớp nhân dân đã tích cực ủng hộ, giúp đỡ lực lượng Công an trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự; cung cấp hàng chục triệu nguồn tin có liên quan đến an ninh, trật tự, trong đó nhiều tin có giá trị. giúp các cơ quan chức năng phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ phạm tội nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; giải quyết ổn định nhiều vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự ngay từ đầu và tại cơ sở.

Từ thực tiễn công tác dân vận trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bước đầu rút ra 05 kinh nghiệm sau đây:

1. Cần nhận thức rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác dân vận trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác Công an, nhất là trong xây dựng và triển khai thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; công tác dân vận là một nội dung quan trọng nhất của biện pháp vận động quần chúng. Cấp ủy, lãnh đạo Công an các cấp phải coi dân vận là công tác thường xuyên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương mình. Thực tiễn đã chứng minh, ở đơn vị, địa phương nào mà cấp ủy, thủ trưởng đơn vị quan tâm công tác dân vận, thì ở đó, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng vào việc thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương đó.

2. Công tác dân vận của lực lượng Công an là bộ phận quan trọng của công tác dân vận trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp từ Trung ương tới địa phương; sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể và các cơ quan chức năng.

3. Mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an phải kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, chăm lo, giúp đỡ về vật chất và tinh thần của quần chúng; phải là tấm gương trong việc chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương; có lối sống trong sạch, giản dị, gần gũi, được quần chúng tin yêu, mến mộ. Đây là điều kiện tiên quyết, đóng vai trò nền tảng để làm tốt công tác dân vận.

4. Trong công tác dân vận, phải biết tranh thủ người có uy tín trong tôn giáo, dân tộc, cộng đồng dân cư, dòng họ, cơ quan, tổ chức để làm hạt nhân nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Quan tâm chăm lo bồi dưỡng người có uy tín về chính trị, pháp luật, phương pháp vận động quần chúng; thường xuyên cung cấp thông tin cần thiết về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương, trong nước và trên thế giới, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh để người có uy tín nhận thức đầy đủ hơn về âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, trên cơ sở đó tạo điều kiện phát huy khả năng của họ trong vận động, tổ chức quần chúng tham gia đảm bảo tốt an ninh, trật tự ở đơn vị, địa phương.

5. Công tác dân vận phải gắn với việc xây dựng, củng cố, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, gắn với nâng cao đời sống về vật chất, tinh thần của nhân dân, xóa bỏ các tệ nạn xã hội, xây dựng lực lượng Công an cơ sở, Bảo vệ dân phố, Bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp vững mạnh.

Trong thời gian tới, nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự đặt ra rất nặng nề, đòi hỏi Công an các đơn vi, địa phương cần quán triệt sâu sắc những tư tưởng chỉ đạo về công tác dân vận của Đảng và lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”(Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 6, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội năm 2009, trang 366.1); “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”(Sđd, Tập 5, trang 700.2); tiếp tục làm tốt công tác tham mưu với cấp uỷ, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc 07 nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về công tác dân vận; đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong Công an nhân dân; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan, ban, ngành thực hiện có hiệu quả Chương trình công tác dân vận giữa Ban Dân vận Trung ương và Bộ Công an giai đoạn 2011 – 2015 và Chương trình phối hợp về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”.

Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp công tác dân vận nhằm gắn kết phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với các phong trào thi đua của đơn vị, địa phương, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia bảo vệ an ninh, trật tự. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong lĩnh vực bảo vệ an ninh, trật tự. Chú trọng tuyên truyền vận động nhân dân nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chế độ, thể lệ, nội quy, quy tắc về bảo vệ an ninh, trật tự; phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, phản động và bọn tội phạm; quyền và nghĩa vụ công dân, để từ đó tự nguyện, tự giác tham gia bảo vệ an ninh, trật tự. Tăng cường và đổi mới công tác vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện các Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy, phòng, chống tệ nạn mua, bán người; phát hiện, tố giác tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; đảm nhiệm việc cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; quản lý, giáo dục tốt người có quá khứ phạm tội ở địa bàn dân cư...

Đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới lề lối làm việc, kiên quyết chống các biểu hiện gây phiền hà, sách nhiễu, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân.

Quan tâm xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận  trong Công an nhân dân vững mạnh, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Chú trọng luân chuyển, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, khắc phục tình trạng đưa cán bộ phẩm chất năng lực yếu, kém và không có uy tín về làm công tác dân vận; đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, nhân rộng những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, đưa công tác dân vận ngày càng đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực. Mỗi cán bộ, chiến sĩ công an phải thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 69: “Cán bộ, chiến sĩ Công an phải là những cán bộ dân vận giỏi nhất, cán bộ dân vận tốt nhất; đây là yếu tố quan trọng nhất để các đồng chí hoàn thành nhiệm vụ được giao”. Cần có nhiều hơn nữa những việc làm thiết thực, đậm tính nhân văn để phục vụ nhân dân, bắt đầu từ những việc làm dù nhỏ, thường ngày của Công an nhân dân, song luôn được nhân dân và dư luận đánh giá cao, như Cảnh sát giao thông giúp đỡ các cụ già, trẻ em qua đường; Cảnh sát khu vực đến từng hộ dân để nắm tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; Cảnh sát hình sự tận tâm, tận lực điều tra, khám phá tội phạm để trả lại tài sản của nhân dân bị kẻ gian trộm cắp; Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy quên mình chiến đấu với giặc lửa để cứu tính mạng, tài sản của nhân dân; Cảnh sát cơ động giúp dân vượt qua thiên tai, bão lụt...

Lãnh đạo, chỉ huy Công an các cấp phải thường xuyên lắng nghe ý kiến của nhân dân, có cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, chiến sĩ, trước hết ở các bộ phận thường xuyên quan hệ, tiếp xúc và giải quyết công việc liên quan đến lợi ích hằng ngày của nhân dân. Trên cơ sở đó, điều chỉnh, cải tiến, đổi mới lề lối làm việc thuận lợi cho nhân dân, qua đó làm cho nhân dân ngày càng tin yêu, quý mến, giúp đỡ lực lượng Công an. Trong công tác, chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ Công an phải thực hiện tốt phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”; đề cao ý thức chấp hành pháp luật, kỷ cương, kỷ luật; kiên quyết chống bệnh hữu khuynh, vô cảm, né tránh, vô trách nhiệm trước yêu cầu chính đáng của nhân dân. Mọi hành động, việc làm của cán bộ, chiến sĩ phải luôn vì lợi ích của nhân dân, phục vụ nhân dân với tinh thần “thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi, lấy niềm vui của nhân dân làm niềm vui, lẽ sống của mình”, xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân “Vì nhân dân phục vụ”./.
 

 

T.Đ.Q
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website