Thượng tướng Lương Tam Quang cho biết, những năm gần đây, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến hết sức mau lẹ, phức tạp, nhiều vấn đề vượt dự báo, có vấn đề chưa từng có tiền lệ; các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm gia tăng các hoạt động chống phá; quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, lực lượng Công an nhân dân đã tập trung thực hiện tốt chức năng tham mưu, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, địa phương và các tổ chức kinh tế - xã hội, phát huy vai trò nòng cốt, triển khai quyết liệt nhiều kế hoạch, biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, tạo môi trường an ninh, an toàn, thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế, hạn chế tác động tiêu cực, tranh thủ tối đa thời cơ, điều kiện thuận lợi xây dựng và phát triển đất nước.
Chủ động tham mưu với Chính phủ các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh tài chính tiền tệ, khắc phục sơ hở, bất cập trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi, môi trường phát triển ổn định cho mọi thành phần kinh tế.
|
Thượng tướng Lương Tam Quang phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam qua nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. |
Lực lượng Công an nhân dân đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong đàm phán, ký kết và triển khai các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đẩy lùi nguy cơ lệ thuộc vào một thị trường, đối tác, đồng thời bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, tạo ra động lực mới cho phát triển, mở rộng và đa dạng hóa thị trường. Phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương trong việc xác minh tư cách pháp nhân, khả năng tài chính, trình độ công nghệ và năng lực thực hiện của các công ty nước ngoài có dự án hợp tác, đầu tư vào Việt Nam; thẩm định, đánh giá tác động về an ninh quốc gia, an ninh kinh tế, trật tự và an toàn xã hội đối với các dự án đầu tư trong nước, dự án nước ngoài trọng điểm. Qua đó, tham mưu lựa chọn đối tác có năng lực tài chính, công nghệ cao và chủ động ngăn chặn kịp thời các đối tượng lợi dụng đầu tư để lừa đảo hoặc có hoạt động phương hại đến lợi ích kinh tế, an ninh quốc gia.
Tăng cường công tác phòng, chống các loại tội phạm và đạt được những kết quả tích cực. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã phát hiện, khởi tố điều tra nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, thu hồi cho Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng; triệt xóa hàng nghìn băng, ổ nhóm tội phạm, trong đó có hàng trăm băng, nhóm tội phạm nguy hiểm “núp bóng” công ty, doanh nghiệp hoạt động phạm tội, ảnh hưởng xấu đến môi trường cạnh tranh, hoạt động bình thường của các doanh nghiệp; triệt phá nhiều đường dây tội phạm liên quan đấu thầu, đấu giá và cổ phần hóa, trục lợi chính sách trên lĩnh vực y tế, giáo dục, đất đai; phát hiện, kiến nghị xử lý hàng trăm doanh nghiệp lợi dụng chính sách khấu trừ thuế, hoàn thuế VAT; điều tra, xử lý hàng chục nghìn vụ buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng chục nghìn vi phạm pháp luật về môi trường. Kết quả đấu tranh với tội phạm kinh tế, tham nhũng, tội phạm hình sự đã góp phần thu hồi số lượng lớn tài sản cho Nhà nước; bảo đảm sự bình đẳng, môi trường lành mạnh, an toàn, ổn định để các doanh nghiệp kinh doanh cạnh tranh đúng pháp luật; tăng thu ngân sách, đóng góp tích cực phát triển kinh tế - xã hội.
Phối hợp thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định của Đảng, Nhà nước về bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, vô hiệu hóa hoạt động thâm nhập, tác động, thông qua kinh tế nhằm chuyển hóa nội bộ, thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động. Tăng cường bảo vệ bí mật nhà nước, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cũng như ý thức trách nhiệm của các ngành, các cấp và của cán bộ, công chức, viên chức đối với công tác này. Tích cực tham mưu, phối hợp giải quyết nhiều vụ tranh chấp, khiếu kiện, đình công, lãn công; tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy, góp phần ngăn ngừa, giảm thiệt hại về người, tài sản của doanh nghiệp.
|
Được sự quan tâm của các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các chuyên gia, nhà khoa học, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam qua nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đã được tổ chức. |
Chủ động, đi đầu trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, góp phần cải cách tối đa thủ tục hành chính, giảm thiểu tiêu cực, phục vụ tốt nhất cho doanh nghiệp, người dân, xây dựng xã hội hiện đại, công khai, minh bạch, công bằng, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, Bộ Công an đã cung cấp 25/25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân theo Đề án số 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn 2030”; phối hợp cung cấp 4.460 dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 15 bộ, ngành, 01 doanh nghiệp nhà nước (EVN), 03 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương; tiếp nhận hơn 01 tỷ yêu cầu tra cứu, xác thực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật. Kết quả các mặt công tác công an đã góp phần quan trọng củng cố môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế theo đúng quy định của pháp luật.
Tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm
Nhận định thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, trong đó cạnh tranh về kinh tế, thương mại ngày càng gay gắt, gia tăng các hoạt động sử dụng công cụ, chính sách kinh tế, đe dọa trừng phạt để gây sức ép. Các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xu hướng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn tiếp tục đặt ra nhiều thách thức đối với bảo vệ an ninh kinh tế của các quốc gia.
Trong nước, chất lượng hiệu quả nền kinh tế còn thấp, nguy cơ mắc bẫy thu nhập trung bình, tụt hậu chưa được đẩy lùi; quản lý nhà nước, tái cơ cấu nền kinh tế còn sơ hở, bất cập. Các thế lực thù địch, phản động tiếp tục lợi dụng công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế, quá trình mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thực thi các cam kết khi tham gia các FTA để chống phá, gây mất ổn định.
Để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế mà Đại hội XIII đã đề ra, đó là “Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo…”, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, lực lượng Công an tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm:
Một là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đảm bảo an ninh, trật tự góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trọng tâm là Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 05/9/2019 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia; Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới và Kết luận số 15-KL/TW ngày 30/9/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW; Chỉ thị số 12-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế; Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 13/7/2023 của Bộ Chính trị về bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới”.
Hai là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, củng cố xã hội trật tự, kỷ cương, môi trường an toàn, thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. Nắm chắc tình hình, triển khai đồng bộ lực lượng, biện pháp chủ động phòng ngừa, kiểm soát các nguy cơ đe dọa an ninh, trật tự trên lĩnh vực kinh tế. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, doanh nghiệp, doanh nhân trong bảo vệ an ninh kinh tế. Chủ động, tích cực tham mưu với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp xử lý kịp thời, hiệu quả những tác động bất lợi từ tình hình thế giới, khu vực đến sự phát triển ổn định kinh tế của đất nước và ở từng địa phương; bảo vệ vững chắc an ninh, trật tự trong quá trình thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong triển khai các thỏa thuận, hợp tác về kinh tế và tổ chức thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động đánh giá, nhận diện, dự báo các loại tội phạm mới trên các lĩnh vực kinh tế trọng điểm để triển khai các giải pháp đấu tranh, xử lý, phòng ngừa, ngăn chặn. Tiếp tục làm tốt chức năng thẩm định, đánh giá tác động về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội đối với các dự án đầu tư trong nước, dự án nước ngoài trọng điểm, ngăn chặn, xử lý từ sớm, từ xa các yếu tố gây mất an ninh kinh tế.
Ba là, tập trung phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm an ninh kinh tế của các thế lực thù địch, phản động. Phát hiện, xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân hoạt động phá hoại kinh tế, lợi dụng hoạt động hợp tác, đầu tư để can thiệp vào chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, chuyển hóa chính trị, xâm nhập nội bộ, cài cắm nội gián. Làm tốt công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước, bảo vệ đội ngũ trí thức, chuyên gia đầu ngành, nhất là ở các lĩnh vực kinh tế trọng điểm.
Bốn là, tiếp tục đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm tham nhũng, kinh tế, nhất là buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, trốn thuế, góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các thành phần kinh tế. Đấu tranh quyết liệt với các hành vi đầu cơ, găm hàng, thao túng thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, các loại hàng hóa thiết yếu khác và các loại tội phạm hình sự, nhất là băng, nhóm tội phạm “núp bóng” doanh nghiệp hoạt động bảo kê, siết nợ, đòi nợ thuê, “tín dụng đen”, cưỡng đoạt tài sản… gây mất an toàn môi trường kinh doanh, ảnh hưởng tiêu cực đến cạnh tranh lành mạnh. Tập trung phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng, tiêu cực, theo đúng phương châm “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”. Tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế.
Năm là, đẩy mạnh cải cách hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, người dân. Trọng tâm là ứng dụng mạnh mẽ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về người nước ngoài ở Việt Nam kết nối với các hệ thống cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, doanh nghiệp, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo cơ hội phát triển mới cho mọi doanh nghiệp, người dân.
Sáu là, bám sát, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị, tập trung xây dựng lực lượng Công an nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Củng cố và phát huy hiệu quả mô hình tổ chức bộ máy của lực lượng Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, chuyên sâu, thống nhất, xuyên suốt từ Bộ đến địa phương, tập trung vai trò người đứng đầu; xây dựng Công an xã vững mạnh toàn diện, thực sự gần dân, sát dân, đủ sức giải quyết các vấn đề an ninh, trật tự ngay từ đầu, ngay tại cơ sở, củng cố môi trường an ninh, an toàn, lành mạnh, xã hội trật tự, kỷ cương phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội./.