Ứng dụng và phát triển công nghệ 4.0 trong công tác khám nghiệm hiện trường, đáp ứng yêu cầu thực tiễn

23/08/2023
Lượt xem: 29849
Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống của lực lượng Công an nhân dân (19/8/1945 - 19/8/2023) và 66 năm Ngày tuyền thống lực lượng Kỹ thuật hình sự Công an nhân dân (23/8/1957 - 23/8/2023), Thiếu tướng, TS Nguyễn Tiến Nam, Viện trưởng Viện Khoa học hình sự Bộ Công an có bài viết trao đổi về việc ứng dụng và phát triển công nghệ 4.0 trong công tác khám nghiệm hiện trường của lực lượng Kỹ thuật hình sự Công an nhân dân. Đây cũng là một trong những mục tiêu, yêu cầu của lực lượng Công an nhân dân nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh xây dựng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”.

Khám nghiệm hiện trường (KNHT) là một hoạt động điều tra trong tố tụng hình sự, do “điều tra viên chủ trì tiến hành khám nghiệm nơi xảy ra, nơi phát hiện tội phạm để phát hiện dấu vết của tội phạm, thu giữ vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử khác liên quan và làm sáng tỏ những tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án” (Điều 201, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015). 

Một trong những yêu cầu của công tác KNHT là cán bộ KNHT phải biết vận dụng tối đa những tri thức khoa học, công nghệ, kỹ thuật cần thiết vào việc phát hiện, thu lượm và nghiên cứu đánh giá dấu vết vật chứng. Thiếu tri thức khoa học, thiếu công nghệ, kỹ thuật hoặc vận dụng sai tri thức khoa học, công nghệ, kỹ thuật sẽ dẫn đến hậu quả xấu trong KNHT và các hoạt động điều tra tiếp theo. 

Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay ngoài các loại hình KNHT theo truyền thống (như khám nghiệm, tìm kiếm, phát hiện, thu thập dấu vết đường vân, sinh học…) thì với sự phát triển của tội phạm công nghệ cao đã làm xuất hiện một số loại hình KNHT mới như KNHT trên không gian mạng. 

Thiếu tướng, TS Nguyễn Tiến Nam, Viện trưởng Viện Khoa học hình sự phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 02-TTg ngày 04/01/1993 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác khoa học hình sự giai đoạn 2012 – 2022 trong Công an nhân dân.
Thiếu tướng, TS Nguyễn Tiến Nam, Viện trưởng Viện Khoa học hình sự phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 02-TTg ngày 04/01/1993 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác khoa học hình sự giai đoạn 2012 – 2022 trong Công an nhân dân.

 

Việc lợi dụng thành tựu khoa học để phạm tội và vi phạm pháp luật cũng ngày càng diễn ra phức tạp, đặc biệt là tội phạm liên quan đến an ninh, an toàn không gian mạng, sử dụng công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ gia tăng với phương thức, thủ đoạn hoạt động, thủ đoạn che giấu, đối phó ngày càng tinh vi, nguy hiểm, phức tạp, đe dọa trật tự an toàn xã hội… đặt ra những thách thức rất lớn cho các mặt công tác của lực lượng Công an nhân dân nói chung và lực lượng Kỹ thuật hình sự (KTHS) nói riêng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong đó có công tác KNHT. 

Như vậy, có thể thấy trong công tác KNHT, bên cạnh nhân tố con người, việc ứng dụng khoa học công nghệ có vai trò, vị trí quan trọng, trong nhiều trường hợp có tính chất quyết định, ảnh hưởng lớn đến chất lượng, hiệu quả công tác, ảnh hưởng tới kết quả hoạt động điều tra. Đòi hỏi cán bộ KTHS cần phải thay đổi nhận thức, phương pháp và ứng dụng khoa học công nghệ để đáp ứng tốt các yêu cầu của công tác KNHT.

Ngày nay, thế giới đang chứng kiến sự phát triển nhanh chóng như vũ bão của khoa học công nghệ trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mà trụ cột là công nghệ nối mạng, điện toán đám mây, công nghệ nano, công nghệ sinh học, công nghệ dữ liệu lớn, Internet vạn vật, công nghệ trí tuệ nhân tạo, robot thông minh, công nghệ in 3D, công nghệ thực tế ảo,…phát triển với cấp số nhân, được ứng dụng ngày càng rộng rãi và dần trở thành xu thế tất yếu trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội của các nước. Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó, thậm chí, tốc độ lan truyền, ứng dụng các sản phẩm khoa học công nghệ tại Việt Nam còn cao hơn mức trung bình của thế giới. 

Tại Việt Nam, ứng dụng và phát triển công nghệ 4.0 là nhiệm vụ quan trọng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chú trọng thúc đẩy trong các Bộ, ngành. Đại hội XII của Đảng đã xác định: “Phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, làm cho khoa học và công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh”. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII tiếp tục nhấn mạnh: “... đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư...”. 

Những năm gần đây, trung bình mỗi năm lực lượng KTHS tham gia KNHT khoảng 70 nghìn vụ việc các loại. Thông qua hoạt động KNHT, việc phát hiện, ghi nhận, thu lượm, bảo quản, đánh giá dấu vết, vật chứng, đồ vật tại hiện trường đã giúp cơ quan điều tra có căn cứ, cơ sở khoa học bước đầu xác định, đánh giá có hay không có tội phạm; thời gian, địa điểm xảy ra; tính chất, mức độ; phương thức, thủ đoạn gây án; số lượng, đặc điểm của đối tượng; phương tiện, công cụ; động cơ, mục đích gây án; diễn biến sự việc… để định hướng các bước điều tra tiếp theo. 

Lực lượng KTHS thực hiện việc khám nghiệm hiện trường vụ án.
Lực lượng KTHS thực hiện việc khám nghiệm hiện trường vụ án.

 

Chất lượng công tác KNHT của lực lượng KTHS ngày càng được nâng lên; nhiều vụ án, vụ việc được nhanh chóng điều tra làm rõ trên cơ sở kết quả công tác KNHT. Kết quả này một phần là do việc chủ động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các phương tiện khoa học, kỹ thuật, công cụ, vật tư, hóa chất chuyên dụng trong công tác. Đối với việc ứng dụng, phát triển các phương tiện, thiết bị công nghệ 4.0 trong công tác KNHT thì còn hạn chế,do cơ sở vật chất và nguồn lực con người chưa đáp ứng kịp yêu cầu.

Được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Công an, từ năm 2018 đến nay, Viện Khoa học hình sự đã phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện các dự án trang cấp nhiều thiết bị, phương tiện hiện đại cho lực lượng làm công tác KNHT trong cả nước. Trong đó, có những thiết bị mang đặc điểm của công nghệ 4.0, có thể kể đến như: thiết bị đa phổ phát hiện và ghi nhận dấu vết không tiếp xúc; hệ thống quét hiện trường 3D; thiết bị bay không người lái (UAV - Drone); hệ thống thiết bị biên tập, phân tích video, hình ảnh, âm thanh tại hiện trường,…

Đặc điểm chung của các thiết bị là có khả năng kết nối Internet để truyền dẫn dữ liệu thông qua kết nối wifi hoặc sóng di động, có phần mềm chuyên dụng xử lý dữ liệu. Các thiết bị đa phổ có thể thiết lập định dạng ảnh phù hợp với hệ thống so sánh dấu vân tay tự động (AFIS, VAFIS), có khả năng truyền dẫn dữ liệu của một máy tính thông thường, từ đó có thể so sánh dấu vết ngay tại hiện trường với dữ liệu đã có. 

Hệ thống thiết bị biên tập, phân tích video, hình ảnh, âm thanh tại hiện trường ứng dụng trí tuệ nhân tạo phân tích sinh trắc học. Đây là ứng dụng của “Máy học“ (Machine Learning) và ‘‘Học sâu‘‘ (Deep Learning), được xem là một thành quả trí tuệ nhân tạo tiên tiến hiện nay. Hệ thống này giúp tìm kiếm nhanh chóng đối tượng từ dữ liệu hình ảnh thu nhận của nhiều camera tại hiện trường và xung quanh hiện trường.

Thực tế hiện nay, công tác điều tra tại hiện trường thực hiện tìm kiếm hình ảnh đối tượng một cách thủ công, tốn kém rất nhiều về thời gian và công sức và trong nhiều trường hợp là không khả thi và hiệu quả, không kịp thời mở rộng hiện trường để phát hiện, thu thập dấu vết vật chứng. Thiết bị bay không người lái được điều khiển từ xa bởi trung tâm hay máy điều khiển, là một dạng ứng dụng công nghệ Internet vạn vật. Sử dụng thiết bị bay không người lái mang các modul chuyên dụng giúp lực lượng KNHTdễ dàng, nhanh chóng quan sát hiện trường từ trên không, quan sát hiện trường tổng thể, đặc biệt là các hiện trường khó tiếp cận, quan sát và chụp ảnh, ghi hình hiện trường, các hiện trường rộng, ngoài trời như hiện trường tai nạn giao thông, cháy nổ và sự cố kỹ thuật...

Trước thực tế khoa học công nghệ phát triển và tình hình tội phạm như hiện nay, yêu cầu đặt ra cho công tác KNHT là phải không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động phát hiện, ghi nhận và thu thập dấu vết, vật chứng. Song song với nhiệm vụ đào tạo, nâng cao trình độ, nhận thức của cán bộ chiến sĩ, cập nhật, cải tiến phương pháp, chiến thuật thì việc tăng cường đầu tư, hiện đại hóa trang bị, phương tiện cũng là điều kiện thiết yếu để nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác KNHT. 

Để nâng cao hiệu quả ứng dụng và phát triển công nghệ 4.0 trong công tác KNHT của lực lượng KTHS trong thời gian tới, cần tập trung vào các giải pháp sau đây:

Thứ nhất, trên cơ sở đánh giá hiệu quả các phương tiện, hệ thống thiết bị đã có cũng như đặc điểm riêng của từng cấp, từng địa phương để tiếp tục trang bị phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác KNHT, nâng cao năng lực công tác của toàn hệ lực lượng. Viện Khoa học hình sự tiếp tục chủ động cập nhật tri thức, phương tiện kỹ thuật, đào tạo nhân sự đón đầu khoa học công nghệ để tham mưu đúng, trúng và hiệu quả, tiết kiệm cho Bộ Công an.

Thứ hai, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện hiện đại phục vụ nghiên cứu, ứng dụng và sản xuất, chủ động khai thác nguồn lực trí tuệ trong nước. Lực lượng KTHS phối hợp với các đơn vị chức năng trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân để chuyển giao công nghệ, chế tạo các phương tiện, thiết bị, nội địa hóa sản phẩm, giảm nhập khẩu, xây dựng và phát triển tiềm lực khoa học hình sự nói chung và ứng dụng, phát triển công nghệ 4.0 cho công tác KNHT.

Cẩn trọng, tỷ mỷ để “bắt” dấu vết “lên tiếng”, là phương châm hành động của lực lượng KTHS.
Cẩn trọng, tỷ mỷ để “bắt” dấu vết “lên tiếng”, là phương châm hành động của lực lượng KTHS.

 

Thứ ba, cần nhanh chóng xây dựng, kết nối, đồng bộ các cơ sở dữ liệu lưu trữ, xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học hình sự nói chung và cơ sở dữ liệu về hiện trường nói riêng, xử lý nhanh dữ liệu điện tử, âm thanh, hình ảnh, dữ liệu về sinh trắc học, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phục vụ giám định, truy nguyên, sàng lọc đối tượng, phương tiện nghi vấn, liên quan đến vụ việc; phục vụ tốt và nhanh hơn cho công tác điều tra.

Thứ tư, thường xuyên tập huấn, cập nhật kiến thức, phương pháp, phương tiện mới phục vụ công tác KNHT, kịp thời thông báo về âm mưu, thủ đoạn hoạt động mới của các loại tội phạm cho cán bộ KTHS.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản theo chức năng, nhiệm vụ của lực lượng KTHS, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, vận động các tổ dân phố, khu dân cư, thôn, xóm, bản làng, các khu vực, địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự lắp đặt camera an ninh theo hình thức xã hội hóa. 

Thứ sáu, nghiên cứu, hoàn thiện, củng cố cơ sở pháp lý vững chắc, trong đó cótính chính thống trong việc sử dụng hệ thống phần mềm, thiết bị công nghệ mới trong công tác KNHT; các quy định về truy cập, khai thác đối với cơ sở dữ liệu lực lượng Công an nhân dân đang quản lý, cơ sở dữ liệu khoa học hình sự nói chung và cơ sở dữ liệu về hiện trường nói riêng, phù hợp với sự thay đổi của tình hình thực tiễn, phục vụ công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trong tình hình mới. Nghiên cứu điều chỉnh hình thức tuyển dụng, đào tạo, chính sách đãi ngộ phù hợp để thu hút nhân lực cho công tác KTHS nhất là lĩnh vực làm KNHT.

Tài liệu tham khảo: 

1. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

2. Luật Công an nhân dân năm 2018.

3. Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam,Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 200 - 201.

5. Viện Khoa học hình sự, Báo cáo tổng kết công tác kỹ thuật hình sự các năm từ 2012 - 2020.

 

Ban Biên tập
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website