Khác với hình dung của tôi khi chưa gặp ông, Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Năm đúng chất là một lão nông chi điền điển hình của vùng miền Tây Nam bộ với nước da nâu, thân hình rắn rỏi, cử chỉ, hành động nhanh nhẹn, hoạt bát; trán cao, mắt sáng, miệng lúc nào cũng cười tươi và say xưa kể khi được ai đó hỏi về những trận đánh mà ông đã từng trực tiếp tham gia.
 |
Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Năm. |
Sinh năm 1947 ở ấp Tân Phong, xã Tân Hội, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình bần nông. Ngay từ nhỏ, nhiều lần chứng kiến cảnh bọn địch vào ấp hò nhau bắt gà, bắt vịt của dân; bắt bớ tất cả những ai mà chúng nghi là Việt Cộng, cậu bé Trần Văn Năm không khỏi căm giận. Nhận thấy tố chất thông minh, nhanh nhẹn và tình yêu nước nồng nàn, năm 15 tuổi, Trần Văn Năm được cán bộ cách mạng ở địa phương giác ngộ, giúp đỡ tham gia du kích địa phương và thực hiện nhiệm vụ nắm tình hình, báo cáo cho lực lượng vũ trang địa phương bao vây đồn bốt địch; vận động nhân dân đấu tranh chống càn quét. Sau gần 02 năm tham gia du kích địa phương, với sự trưởng thành về mặt cảm xúc: gan dạ, một lòng một dạ trung thành với cách mạng, tháng 4/1964, chàng thanh niên Trần Văn Năm chính thức nhập ngũ vào lực lượng An ninh vũ trang bảo vệ Trung ương Cục miền Nam, sau đổi tên thành Đoàn 180 – đơn vị tiền thân của Phòng Cảnh vệ miền Nam (Phòng 180) – Bộ Tư lệnh Cảnh vệ.
Đêm đã về khuya, dưới tán rừng Chàng Riệc, bên chén rượu nhạt, xung quanh là những chiến sĩ trẻ của Phòng Cảnh vệ miền Nam, tại khu di tích đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục, anh hùng Trần Văn Năm như sống lại những năm tháng chiến đấu đầy oanh liệt, hào hùng của Trung đội trinh sát B5 thuộc Đoàn 180 – đơn vị có nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu, canh gác, bảo vệ lãnh đạo Xứ ủy Nam bộ, các đồng chí lãnh đạo cấp cao và các cơ quan Trung ương Cục miền Nam. Những năm tháng khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh, Trung đội Trinh sát B5- Đoàn 180 thực sự là “Lá chắn thép” bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn Căn cứ Trung ương Cục, các đồng chí lãnh đạo.
11 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Năm trực tiếp tham gia 45 trận đánh lớn, nhỏ tại các khu vực Tràng Hàng Gòn, Trảng Sến, Trảng Tranh, Căn cứ Thiện Ngôn, Tà Nốt, Tà Âm, Trảng Bò, Bầu Lùng Tung, Tà Beng Long Cà Rết...). Nhiều trận đánh quân ta đã chiến thắng oanh liệt trong thế trận hoàn toàn không cân sức, đập tan ý đồ tiêu diệt cơ quan đầu não Cách mạng Miền Nam của đế quốc Mỹ, bảo vệ tuyệt đối an toàn căn cứ và các đồng chí lãnh đạo Trung ương cục, trong đó có những trận, Trần Văn Năm và đồng đội đã lập nên kỳ tích đặc biệt xuất sắc; cá nhân trực tiếp tiêu diệt 35 lính Mỹ, 25 lính Ngụy và bắn cháy 02 xe tăng; nhiều lần được nhận các danh hiệu: Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ quyết thắng; Dũng sĩ diệt xe cơ giới cấp 2, Chiến sĩ ấp Bắc…
Sau cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất (1965-1966) thất bại, lần đầu tiên quân viễn chinh Mỹ nếm vị đắng tổn thất nặng nề trên chiến trường. Nhưng đế quốc Mỹ vẫn nung nấu một giải pháp giành thắng lợi bằng quân sự để giải quyết cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam.
Để thay đổi cục diện chiến tranh, mùa khô lần thứ 2 (1966-1967), đế quốc Mỹ mở trận càn Jantion City. Địch huy động nhiều lực lượng cùng khối lượng lớn phương tiện, vũ khí hiện đại... đánh vào căn cứ Dương Minh Châu, Bắc Tây Ninh, hòng triệt phá căn cứ kháng chiến, tiêu diệt cơ quan đầu não Trung ương Cục và các đơn vị quân chủ lực giải phóng miền Nam với tham vọng: Phá huỷ căn cứ kháng chiến lớn của quân và dân ta ở Bắc Tây Ninh; tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến; giành một thắng lợi quân sự có ý nghĩa quyết định, tạo ra bước ngoặt làm chuyển biến cục diện chung có lợi cho Mỹ và Sài Gòn.
Tháng 3/1967, nhận công tác tại B5 Trinh sát Đoàn 180, Trần Văn Năm khi đó là Tiểu đội phó đã cùng tiểu đội chiến đấu anh dũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, diệt được 05 tên Mỹ, 01 xe tăng M141, 03 xe tăng M118, bắn rơi 01 máy bay trực thăng HU1A tại Trảng Hàng Gòn (nay là xã Tân lập, Tân Biên, Tây Ninh).
“Với nhiệm vụ vừa trinh sát vừa đánh địch, trong lúc trinh sát phát hiện địch đang giàn trận, bố trí lực lượng, bao gồm xe tăng, trực thăng của chỉ huy trận càn, tôi được phân công tiêu diệt bộ binh, còn anh em đánh xe tăng và máy bay. Nhận nhiệm vụ, tôi đã tìm cách lợi dụng địa hình, địa vật, tiến lại gần nhất có thể, nhận thấy có thể đánh để áp đảo quân địch, tôi quyết định nổ súng, nhanh chóng tiêu diệt 05 tên Mỹ. Sau khi nghe tiếng súng bị tấn công, địch bỏ chạy toán loạn, làm rối loạn đội hình, trước khi địch ổn định lực lượng thì chúng tôi rút về vị trí an toàn. Trong trận này tôi được tặng danh hiệu “Dũng sĩ quyết thắng” cấp 3 (diệt Mỹ) và 01 giấy khen” – Anh hùng Trần Văn Năm nhớ lại.
Khi được hỏi về kinh nghiệm chiến đấu, anh hùng Trần Văn Năm hồ hởi chia sẻ: “Sau nhiều năm trực tiếp làm công tác trinh sát, chiến đấu, tôi nhận thấy: Mỹ - Ngụy cậy hỏa lực, bom đạn là chính, nếu đánh xa nó là mình hy sinh. Vì vậy, để giành ưu thế, buộc ta phải đánh thật gần, đánh giáp lá cà, thậm chí đánh ở những nơi chúng không ngờ tới như đánh từ dưới đế giày, đánh dưới gầm xe tăng của chúng. Bởi vậy mà mấy lần bị địch phục kích nhưng chúng có bắt được chúng tôi đâu”.
Và điển hình cho cách đánh giáp lá cà phải kể đến trận Trần Văn Năm trực tiếp ôm mìn DH10 tập kích vào bốt Thiện Ngôn đêm 25/6/1967, phá một số công sự và thiết bị của địch, diệt được 5 tên Nguỵ.
“Trong quá trình trinh sát nắm tình hình, tôi nhận thấy kẻ địch thường tập hợp đi hành quân hàng ngày vào lúc 5h sáng. Tôi xin ý kiến chỉ huy cho tôi đánh bằng cách phục kích đánh mìn. Đêm 25/6/1967, với đội hình 07 người, 05 người yểm trợ phía sau. Tôi và 01 đồng chí vượt qua 02 bàu nước lớn trực tiếp ôm mìn DH10 và 3 m dây, chui qua dây kẽm gai của sân bay Thiện Ngôn, tiếp cận vị trí địch thường tập hợp và đặt mìn (khi đó khoảng 4h sáng). Sau khi hoàn tất 02 chúng tôi bò ra ngoài hàng rào kẽm gai để chờ địch, khoảng 5h15, địch tập hợp, thời cơ đã đến, tôi quyết định châm ngòi cho mìn nổ, địch chạy toán loạn và đánh trả theo hướng bìa rừng phía sau tôi, chúng không ngờ chúng tôi vẫn nằm sát ngay chân chúng, khi chúng bắn trả sối sả mà không thấy quân ta ở đâu, chúng ngưng bắn, lúc này chúng tôi bình tĩnh bò dưới nước vừa quấn dây vừa rút và đã rút về an toàn” Và trong trận này, một lần nữa Trần Văn Năm được tặng danh hiệu “Dũng sĩ quyết thắng cấp 3”.
“Không chỉ mưu trí, dũng cảm, với độ “lỳ” không ai bằng, Trần Văn Năm luôn chủ động đề xuất với cấp trên nhiều cách đánh táo bạo, sáng tạo”. Đó là nhận xét chung của đồng đội khi nói về anh hùng Trần Văn Năm.
Qua công tác trinh sát, nắm tình hình căn cứ Thiện Ngôn (nay xã Tân Lập, Tân Biên, Tây Ninh) phát hiện một đại đội biệt kích Mỹ đóng tại Trảng Tranh để bảo vệ căn cứ Thiện Ngôn. Để tiêu diệt địch, Trần Văn Năm đã chủ động, trực tiếp xây dựng kế hoạch và xin ý kiến chỉ huy Đoàn 180. Được sự đồng ý của chỉ huy, đêm 28/12/1967, Trần Văn Năm trực tiếp chỉ huy tiểu đội tập kích bất ngờ, tiêu diệt được gần 70 tên địch. Trong trận này, đồng chí Năm cùng 01 đồng đội, mỗi người ôm 01 trái mìn DH10, tiếp cận sát đội hình địch. Và anh chính là người trực tiếp đặt cả 02 quả mìn.
“Sau khi tôi đặt xong 02 quả mìn và bò ra, nhưng trong lòng vẫn lấn bấn không an tâm. Thế là một mình tôi lại bò vào kiểm tra lần nữa, thấy đảm bảo chắc chắn tôi mới rút ra và ra lệnh đánh, mìn nổ tiêu diệt gần như toàn bộ đại đội của địch (khoảng 120 tên). Trực tiếp tôi tiêu diệt 15 tên Mỹ và lần đầu tiên được danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” cấp 1 và 01 bằng khen” – anh hùng Trần Văn Năm hào hứng kể.
Một điều khá thú vị khi tìm hiểu về anh hùng Trần Văn Năm là mặc dù luôn chủ động đề xuất các kế hoạch, phương án đánh táo bạo, mạo hiểm; trực tiếp xung phong chiến đấu ở những vị trí nguy hiểm nhất, nhưng với sự mưu trí, thông minh, nhanh nhẹn, dường như bom, đạn, pháo của Mỹ - Ngụy “ít có cơ hội ghé thăm” anh. Mà dù có “ghé thăm” thì cũng bó tay trước tinh thần “thép” của người chiến sĩ trinh sát dày dạn kinh nghiệm chiến đấu Trần Văn Năm. Bên cạnh đó, ông còn có biệt tài leo cây: leo nhanh như gấu, cây cao đến mấy cũng trèo được. Cũng nhờ có biệt tài này đã giúp ông rất nhiều trong công tác trinh sát. Bởi vậy không phải ngẫu nhiên, năm 1967, khi viết về gương chiến đấu dũng cảm của chiến sĩ Trinh sát B5 Trần Văn Năm, 01 nữ nhà báo đã đặt cho ông biệt danh “Năm gấu”. Kể từ đó, biệt danh Năm Gấu nổi tiếng khắp Đoàn 180 và theo ông đến tận bây giờ.
Sáng ngày 03/5/1968 từ bốt Thiện Ngôn một đại đội địch bung ra cắt rừng về cứ Trung ương Cục để đánh phá, là tiểu đội trưởng Trần Văn Năm chỉ huy tiểu đội cùng đội hình trung đội bám địch đến Trảng Chàm - Bầu Lùng Tung địch đồn trú. Ta nổ súng, hai bên giằng co quyết liệt. Mặc dù bị thương ở chân phải, vết thương ra nhiều máu, đau đớn, nhưng Trần Văn Năm nhất định không rời vị trí chiến đấu, quyết tâm cùng đồng đội chiến đấu dũng cảm, tiêu diệt địch, bảo vệ tuyệt đối an toàn Căn cứ. Mặc dù bị thương, nhưng đồng chí Trần Văn Năm trực tiếp tiêu diệt 10 tên địch, được trên tặng giấy khen.
“Mình là Tiểu đội trưởng, trực tiếp chỉ huy tiểu đội, mặc dù chân bị thương nhưng tay vẫn bắn được. Vì vậy mà vẫn ráng chịu đau để ở lại cùng đồng đội chiến đấu đến cùng” – anh hùng Trần Văn Năm khảng khái nói, để lộ ra nụ cười tươi và rất tự hào.
Không chỉ nhiều lần được tặng Danh hiệu “Dũng sĩ quyết thắng”, “Dũng sĩ diệt Mỹ”, Trần Văn Năm còn được tặng Danh hiệu “Dũng sĩ diệt xe cơ giới cấp 2” trong trận đánh tại lộ Tà Âm ngày 22/5/1970.
Được cấp trên thông báo có địch dùng xe cơ giới và số lớn binh lính Mỹ - Ngụy càn vào căn cứ Trung ương Cục, Trần Văn Năm trực tiếp chỉ huy Trung đội cùng với các mũi chỉ huy trong đội hình Đoàn 180 chiến đấu ngoan cường. Trong trận này, CBCS Đoàn 180 đã dùng B40 tiêu diệt 11 xe cơ giới Mỹ; riêng Trần Văn Năm bắn cháy 2 xe tăng M113 và M118…
Đêm đã chuyển dần về sáng, mặc cho muỗi rừng đốt sưng chân, mặc cho những giọt sương trên những tán lá rừng nhỏ xuống ướt vai những chiến sĩ trẻ, thấm lạnh, nhưng những câu chuyện của anh hùng Trần Văn Năm dường như vẫn chưa có hồi kết. Và tất cả chúng tôi vẫn đang đắm chìm trong hồi trưởng, hình dung tiếng bom rơi, đạn nổ, tiếng máy bay địch gầm rú, hình dung những chiến binh Đoàn 180 An ninh vũ trang miền Nam dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù vẫn hừng hực khí thế xông lên, chiến đấu ngoan cường để bảo vệ Trung ương Cục và các đồng chí lãnh đạo … qua lời kể vô cùng sinh động của người lính trinh sát - anh hùng Trần Văn Năm. Và tôi hiểu rằng, chính sự khắc nghiệt của cuộc chiến đó đã tôi luyện nên bản lĩnh, trí tuệ của ông và đồng đội, buộc họ phải kiên cường, buộc họ phải mạnh mẽ, dũng cảm…
Bỗng khuôn mặt trở nên trầm tư, nhấp ly rượu nhạt, giọng ông trùng xuống: “Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, riêng Đoàn 180 An ninh vũ trang miền Nam đã có trên 500 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, hiến dâng cả tuổi thanh xuân vì sự nghiệp “bảo vệ Đảng, bảo vệ lãnh tụ”, vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Từ năm 1993 đến năm 2002, tôi đã tham gia đội qui tập mộ liệt sĩ của Bộ Tư lệnh Biên Phòng và Bộ Tư lệnh Cảnh Cảnh vệ qui tập được 441 liệt sĩ đưa về an tang tại Đồi 82 – khu vực Ban an ninh. Nhưng vẫn còn hơn 8 chục liệt sĩ của Đoàn 180 An ninh vũ trang Miền Nam còn nằm đâu đó trên mảnh đất Tây Ninh”.
Rồi từ khóe mắt già nua của cựu lính trinh sát Trần Văn Năm nổi danh một thời, 02 giọt nước mắt “nhọc nhằn” lăn trên gò má. Nó như nỗi niềm day dứt khôn nguôi của anh hùng Trần Văn Năm mỗi khi trở lại chiến trường xưa, mỗi khi nghĩ về đồng đội của mình.