Bác sĩ Trại giam và chuyện thăm, khám bệnh nhân đặc biệt

26/02/2018
Sáng sớm, mặc dù chưa đến giờ làm việc nhưng Trung tá Nguyễn Thị Yến, bác sĩ, Đội trưởng Đội Y tế và bảo vệ môi trường Trại giam Phú Sơn 4 thuộc Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an (đóng trên địa bàn huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) đã thu xếp việc nhà để đến cơ quan, bởi trong bệnh xá, có bệnh nhân trở nặng, cần phải khám gấp.

Không phải chỉ hôm nay chị Yến mới vội vàng như vậy, gần 30 năm công tác ở Trại giam Phú Sơn cũng là gần 30 năm làm công tác y tế, cả cuộc đời gắn liền với các bệnh nhân đặc biệt – những bệnh nhân không có người nhà chăm sóc nên đối với họ, y, bác sĩ vừa là thầy thuốc, vừa là người thân của họ.

Mấy hôm nay, thời tiết chuyển mùa, gió lạnh về nên bệnh tim của phạm nhân Nguyễn Văn Toán (quê Thái Nguyên) trở nặng. Ông Toán bị suy tim, xơ gan nên sức khoẻ rất yếu, nằm bệnh xá liên tục dài ngày. Trước khi bị bắt, ông Toán đã mắc bệnh khá nặng. Từ khi bị bắt, một phần vì buồn, hối hận nên ông Toán suy nghĩ nhiều, bệnh càng nặng hơn. Khi được đưa đến thi hành án ở Trại giam Phú Sơn 4, chả mấy khi phạm nhân này được ở buồng giam mà gắn liền với chiếc giường ở bệnh xá. Người thân của phạm nhân này cũng chính là các y, bác sĩ ở đây bởi từ lâu lắm rồi, hầu như không ai đến thăm ông.

Với bệnh suy tim, xơ gan, ông Toán có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng bất cứ lúc nào, cũng không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa nên ông đủ điều kiện để tạm đình chỉ thi hành án. Trại giam Phú Sơn 4 đã nhiều lần liên hệ với gia đình đề nghị làm thủ tục để ông Toán được về nhà chữa bệnh, tuy nhiên, không hiểu vì lí do gì đó, gia đình ông không có hồi âm. Thương hoàn cảnh của ông Toán như vậy, bác sỹ Nguyễn Thị Yến và các cán bộ, chiến sĩ Trại giam Phú Sơn 4 luôn dành cho ông Toán sự chăm sóc đặc biệt để ông yên tâm điều trị, chữa  bệnh.

Các bác sĩ thường xuyên thăm, khám bệnh cho phạm nhân tại Trại giam.


Cùng là bệnh nhân có “thâm niên” như ông Toán, phạm nhân Hoàng Văn Hôn (quê Lạng Sơn) bị nấm thực quản, viêm dạ dày khá nặng. Mới chưa đến 50 tuổi nhưng nhìn ông Hôn như 70 tuổi bởi vóc dáng gầy gò, yếu ớt, da dẻ xanh xao. Ông Hôn vốn là người nông dân nghèo, hiền lành, người dân tộc Tày, cả đời chưa ra khỏi luỹ tre làng, chỉ biết cấy lúa, trồng cây. Nhà ông có một ít đất rừng, lâu nay vẫn trồng cây nhưng hàng xóm lại cho rằng mảnh đất đó do họ khai phá nên 02 bên dẫn đến tranh chấp, cãi vã nhau. Trong lúc nóng giận, ông Hôn cầm dao chém hàng xóm khiến người này tử vong, ông bị kết án tù. Sau 11 tháng giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Lạng Sơn, ông Hôn được thi hành án ở Trại giam Phú Sơn 4. Sức khoẻ yếu, bệnh tật nhiều nên cuộc sống của ông gần như gắn liền với bệnh xá. Chỉ tính từ tháng 6/2017 đến nay, các y, bác sĩ bệnh xá Trại giam Phú Sơn 4 đã phải đưa ông đi điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên 3 lần, mỗi lần như vậy, có khi nằm cả tháng, chị Yến và các cán bộ phải thường xuyên chăm sóc như người thân của mình.

Gắn bó với công tác y tế của Trại giam gần 30 năm (từ năm 1990 đến nay), Trung tá Nguyễn Thị Yến coi bệnh xá là ngôi nhà của mình, ở đó, có những người thân luôn mong ngóng, chờ đợi chị. Hôm chúng tôi đến, Trại đang tiếp nhận các phạm nhân mới từ Trại tạm giam Công an tỉnh Cao Bằng về thi hành án. Hơn 30 phạm nhân, trẻ có, già có, phạm tội từ nhẹ đến nặng. Chị Yến cùng các đồng nghiệp rất bận vì cần hoàn thành xong việc khám, phân loại sức khoẻ cho các phạm nhân để đưa họ về phân trại. Tuy vậy, chị Yến và các đồng nghiệp vẫn kiên nhẫn khám, lấy máu xét nghiệm test nhanh một số bệnh. Hoàn thành công việc xong, cũng là lúc trời sâm sẩm tối, chị Yến lại quay về bệnh xá kiểm tra sức khoẻ cho các bệnh nhân mãn tính rồi mới yên tâm về nhà.

Gắn bó với công tác y tế Trại giam, chị Yến cũng như các y, bác sĩ khác đều xác định công việc của mình là khó khăn, vất vả, thậm chí nguy hiểm. Chị đến từng giường, vừa khám vừa hỏi han chi tiết bệnh của phạm nhân. Các bệnh nhân ở đây, đa phần đều "tứ cố vô thân", gia đình nghèo, người nhà đến thăm được cũng đã là cố gắng, không có tiền mua thêm đồ bồi dưỡng. Chị Yến cho biết, có thời điểm, gần 50% số phạm nhân có HIV nên ngoài việc quản lý, chữa trị cho họ, các cán bộ y tế còn phải làm công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức để các phạm nhân khác biết cách phòng tránh nhưng không xa lánh, kì thị người bệnh. Công tác ở Trại nên có rất nhiều đặc thù, nhiều hôm, đến bữa chưa kịp ăn cơm, lại có bệnh nhân cấp cứu...

Bác sĩ Nguyễn Thị Yến khám bệnh cho phạm nhân thi hành án tại Trại giam Phú Sơn 4.


Cái khó nhất đối với những người làm công tác y tế ở Trại giam như chị Yến, đó là sự độc lập tác chiến và kinh nghiệm bản thân tự rút ra trong quá trình công tác mà khó có điều kiện chia sẻ. Đơn giản như việc bệnh nhân kêu đau bụng, chỉ cần nhìn sắc mặt, sờ qua người, bác sĩ Yến có thể biết bệnh nhân đó có bị đau thật hay không để từ đó có phương pháp điều trị đúng đắn. Bởi, có một số phạm nhân lười lao động nên thường bịa ra lý do ốm để không phải đi làm, nhất là các phạm nhân bị kỷ luật, thường giả vờ ốm để được nằm bệnh xá, không phải ở trong buồng kỷ luật. Chị Yến tâm sự: “Đối với những phạm nhân như thế, chúng tôi buộc phải “rắn”. Qua thăm khám, nếu thấy bệnh nhân có biểu hiện giả vờ, chúng tôi sẽ trực tiếp ngồi tại buồng để theo dõi. Kể cả bệnh nhân kỷ luật chúng tôi cũng chấp nhận ngồi trong buồng kỷ luật để theo dõi. Chính vì vậy, sau vài lần giả vờ bất thành, các phạm nhân trên sẽ không giở chiêu này nữa. Ở bệnh xá, không có các máy móc để chụp chiếu như bệnh viện nên việc khám xét đều dựa trên triệu chứng lâm sàng. Ví dụ bệnh nhân đau bụng, đau đầu thật thì sờ vào người sẽ biết, nếu giả vờ họ thường gồng lên, không cho khám hoặc kêu la thảm thiết nhưng mặt lại hết sức tỉnh táo, bình thường. Đối với những trường hợp như vậy, chúng tôi cứng rắn, nhưng khéo léo, vừa nói rõ bệnh trạng của họ nhưng vẫn tạo điều kiện ở mức độ nào đó để họ hiểu được có yên tâm cải tạo mới sớm được về nhà".

Quả vậy, công việc của các anh, các chị không chỉ là khám chữa bệnh thông thường mà là trực tiếp đối diện với tội phạm. Nếu chẩn đoán sai, bệnh nhân không ốm (hoặc ốm nhẹ) mà cho đi viện, rất có thể phạm nhân lợi dụng cơ hội trốn hoặc được nằm bệnh xá để khỏi phải đi làm. Nếu bệnh nhân nặng mà không chữa trị kịp thời cũng có thể ảnh hưởng đến tính mạng của họ. Công việc bận rộn, tuần nào cũng phải ngủ lại cơ quan 3-4 buổi, đặc biệt là khi có bệnh nhân cấp cứu, bệnh nhân chết thì hầu như cán bộ y tế không được ngủ, phải túc trực thường xuyên. Không chỉ khám, chữa bệnh, các y, bác sĩ ở Trại giam còn phải làm công tác phòng dịch, bảo vệ môi trường, không được để xảy ra dịch bệnh ở nơi này. Vất vả là vậy, nguy hiểm là vậy nhưng chị Yến và các cán bộ y tế Trại giam Phú Sơn 4 không nản lòng, bởi đối với họ, phạm nhân dù là những người có tội nhưng họ vẫn cần sự cảm thông, chia sẻ để làm lại cuộc đời...


Phương Thủy
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website