Câu chuyện về Đại tá Nguyễn Đình Thành cùng những năm tháng ở chiến trường năm xưa, gian khổ mà hào hùng, thể hiện đức hy sinh, lòng quả cảm và bản lĩnh trí tuệ của thế hệ cán bộ chi viện an ninh miền Nam, góp phần viết nên những trang vàng trong chiến thắng lịch sử 30/4/1975, thống nhất non sông, đất nước.
.jpg?width=1000) |
Đại tá Nguyễn Đình Thành |
Vinh dự trở thành cán bộ “nái” của An ninh miền Nam
Thời kỳ đó, đồng thời triển khai công tác đấu tranh trấn áp phản cách mạng giành được những thành tích quan trọng, bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn để giữ vững an ninh Thủ đô trong mọi tình huống, Công an Hà Nội tập trung chi viện hiệu quả cho lực lượng an ninh miền Nam và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả. Thực hiện chủ trương của Bộ Công an, Công an Hà Nội đã cử 815 cán bộ chi viện cho chiến trường B gồm 4 đợt vào các năm: 1962, 1965, 1967 và đợt tổng tấn công 1975. Mặc dù xác định ra đi là gian khổ, hy sinh nhưng tinh thần dũng cảm, ý chí chiến đấu của cán bộ Công an Hà Nội rất cao. Số tình nguyện tham gia chi viện bao giờ cũng vượt chỉ tiêu 20-30%. Hầu hết cán bộ đi B đều có bản lĩnh chính trị vững vàng và có quyết tâm cao. Đồng chí Nguyễn Đình Thành vinh dự được chọn tham gia chi viện vào đợt năm 1967, thuộc đoàn N63, chi viện cho Trung ương cục, Ban An ninh miền (gọi tắt là R). Đoàn gồm 36 đồng chí, là cán bộ cấp chỉ huy ở các đơn vị, trong đó Công an Hà Nội có 4 đồng chí, đã hăng hái lên đường mang theo tâm thế sẵn sàng tạo nên sức bật mới của cách mạng trong giai đoạn sau. Đây cũng là kỳ vọng của lãnh đạo Bộ về đội ngũ những cán bộ “nái”, là những hạt giống của An ninh miền Nam để từ đó nhân đội ngũ cán bộ của mình lên, phục vụ giai đoạn mới của cuộc cách mạng.
.jpg?width=1000) |
Giây phút chia tay, tiễn các chiến sĩ lên đường chi viện cho chiến trường miềm Nam. |
Gian khổ, hy sinh càng rèn luyện bản lĩnh vững vàng
Đối diện với vô vàn khó khăn, vượt qua muôn trùng gian khổ, sau 5 tháng hành quân băng qua mưa nắng miền rừng núi, đoàn công tác chi viện càng tỏ rõ quyết tâm nhiệt huyết cách mạng. Tuy vậy, nhiều đồng chí phải dừng bước lại dọc đường, thậm chí đã mãi mãi nằm lại rừng Trường Sơn mà không vào được đến chiến trường. Đến Trung ương Cục, mặc dù còn nhiều bỡ ngỡ nhưng cả đoàn công tác đều nhanh chóng đón nhận nhiệm vụ, tham gia vào lực lượng chiến đấu. Theo lời kể từ năm 2010 của của Đại tá Nguyễn Đình Thành, “Việc thâm nhập thực tế đã giúp anh em cán bộ chi viện chúng tôi nhanh chóng nắm bắt tình hình, thích nghi môi trường mới để hòa nhập và phát huy tác dụng, hiệu quả ngày một cao. Nhiều đồng chí phát huy tốt, đã xây dựng được những cơ sở cao cấp trong lòng địch. Một số đồng chí được giữ lại Ban An ninh R để làm cán bộ nghiên cứu, trợ lý cho các đồng chí lãnh đạo ở các tiểu ban. Tuy nhiên, thâm nhập được trong vùng địch tạm chiếm cũng vô cùng khó khăn khi lạ nước lạ cái mà phải tự mình tìm chỗ đứng chân. Vì vậy, có đồng chí bị địch bắt ngay những ngày đầu khi đang loay hoay tìm cách xây dựng cơ sở”.
Phát huy những phẩm chất của người cán bộ Bảo vệ chính trị, đồng chí Nguyễn Đình Thành cùng thành viên đoàn cán bộ chi viện tích cực nghiên cứu thực tế, phối hợp tốt cùng cán bộ ở địa phương để hoạt động, hòa nhập thực sự vào công việc. Đồng chí được phân công xuống Mỹ Tho 6 tháng, ở hai chiến trường ác liệt nhất lúc bấy giờ là Cai Lậy và Cái Bè, nơi có các chi khu, đồn bốt dày đặc, địch thường xuyên chà xát, càn quét.
Hoạt động tại địa bàn trong điều kiện chiến đấu đầy gian khổ, ác liệt, vô cùng nguy hiểm, đồng chí Thành cùng đồng đội được nhân dân hết lòng đùm bọc, che chở, giúp đỡ tìm hiểu tình hình, xây dựng cơ sở trong khi liên tục phải đối phó với những trận càn quét của địch. Điều đó đã tôi luyện thêm ý chí và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh đánh địch của cán bộ chi viện. Nhiều đồng chí phát huy tốt, đã xây dựng được những cơ sở cao cấp trong lòng địch. Một số đồng chí được giữ lại Ban An ninh R để làm cán bộ nghiên cứu, trợ lý cho các đồng chí lãnh đạo ở các tiểu ban. Khi trở thành trợ lý cho đồng chí Phó Ban An ninh miền (đồng chí Ba Hương, tức Lâm Văn Thê, sau chiến thắng, đồng chí Thê trở thành Thứ trưởng Bộ Công an, có thời kỳ kiêm Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh), đồng chí Nguyễn Đình Thành đã tham gia xây dựng các phương án ngăn chặn, đối phó có hiệu quả với mọi hoạt động phá hoại, gây bạo loạn, ám sát cán bộ, gây mất trật tự trị an để bảo vệ vững chắc an ninh địa bàn.
Cán bộ chi viện đã tham gia tích cực vào việc xây dựng “Nghị quyết Bảo vệ chính trị miền” lần thứ nhất (1972), trong đó có những vấn đề quan trọng về quan điểm, phương châm chiến lược, phương thức hoạt động cụ thể, xây dựng lực lượng trinh sát chính trị và trinh sát vũ trang; Tiến hành tổng kết các chuyên đề về: Chống địch bình định, diệt ác, phá kìm… ở các vùng khác nhau (vùng căn cứ, vùng yếu, vùng cửa ngõ giáp ranh đô thị); Tổng kết công tác an ninh phục vụ tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968… Việc tổng kết đã phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo đối phó lại những âm mưu, thủ đoạn của địch, làm thất bại các âm mưu bình định của địch, trong đó có: “Bình định cấp tốc”, “Bình định đặc biệt”, “Phượng Hoàng”, “Kế hoạch tình báo đại chúng”… góp phần quan trọng vào việc bảo vệ căn cứ Trung ương cục và các cơ sở của ta ở các địa phương, đồng thời mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn ngày đào tạo cho trinh sát, cán bộ cấp đội, phòng ở cơ sở.
Thực tế chiến trường là một trường học lớn
.jpg?width=1000) |
Trước cửa hầm tránh pháo ở Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, tháng 2-1972 (đồng chí Đình Thành ngồi bên trái). |
Đại tá Nguyễn Đình Thành từng khẳng định “chính những thử thách khốc liệt ở chiến trường đã tôi luyện, rèn dũa, giúp các đồng chí phấn đấu, trưởng thành; đối với bản thân tôi, qua thâm nhập thực tế kết hợp với những tài liệu có sẵn, tài liệu tổng kết của anh em cũ để lại, đã giúp tôi nâng hiểu biết của mình lên…”. Thực tiễn thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ghi dấu ấn sự chi viện chiến trường miền Nam của lực lượng Công an nhân dân nói chung, cũng như Công an Thủ đô.
Thế hệ của Đại tá Nguyễn Đình Thành tự hào chung sức cùng lực lượng an ninh miền Nam, được tôi luyện trong ngọn lửa cách mạng, trưởng thành trong chiến trường với địa bàn “da báo” không rõ trận tuyến rõ ràng. Hầu hết cán bộ, thông qua thực tiễn chiến đấu với các loại tình báo, gián điệp, đã xây dựng bản lĩnh, trí tuệ người cán bộ chi viện, tổng kết được kinh nghiệm để trao đổi, bồi dưỡng nâng cao hiệu quả đánh địch. Những ý kiến kịp thời đề xuất, tham mưu cho các đồng chí lãnh đạo của từng tiểu ban và Ban lãnh đạo An ninh miền về việc nắm tình hình, phân tích địch - ta, đưa ra những đối sách hợp lý để góp phần chỉ đạo cuộc đấu tranh đi đến thắng lợi.
Một số cán bộ chi viện có những thành tích xuất sắc đã trở thành những cán bộ lãnh đạo ở nhiều địa phương: Trưởng phó tiểu ban tỉnh; phụ trách các đội trinh sát vũ trang, chính trị; chỉ huy an ninh huyện, tỉnh… Một số được đề bạt cán bộ trung cấp, cán bộ Đảng… (đồng chí Bằng, Phó Công an khu Hoàn Kiếm, phụ trách Long An; đồng chí Thái Lang phụ trách phân khu II Sài Gòn - Gia Định; đồng chí Sáu Đức (Minh Đạm) là một điệp báo của Sài Gòn, lãnh đạo công tác tình báo tốt; đồng chí Bùi Tuyết (Bắc Hồng) phụ trách tiểu ban bảo vệ nội bộ thuộc Ban An ninh R…). Bản thân đồng chí Nguyễn Đình Thành, sau 2 năm chiến đấu, được công nhận là cán bộ trung cấp của Ban an ninh R. Sau 9 năm chiến đấu ở chiến trường, đồng chí trở lại Thủ đô làm trưởng Công an quận Ba Đình, Phó Giám đốc, rồi sau đó giữ cương vị Giám đốc Công an TP Hà Nội từ năm 1988 đến năm 1996./.