Dấu ấn của những đôi chân không mỏi

31/05/2016
Để bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân, bảo vệ khối đại đoàn kết các dân tộc ở vùng núi cao Tây Bắc, không thể kể hết những cuộc đấu tranh gian nan, vất vả mà các chiến sỹ phòng An ninh xã hội, Công an tỉnh Lai Châu đã trải qua.

Những năm qua, Lai Châu là mục tiêu trọng điểm mà các thế lực thù địch và tổ chức phản động tập trung đẩy mạnh hoạt động chống phá, kích động đồng bào dân tộc thiểu số, gây mất ổn định về an ninh, trật tự. Từ cuối năm 2006, do bị tác động tuyên truyền, lôi kéo và ảo tưởng về "Nhà nước Mông, do người Mông làm chủ", một bộ phận đồng bào Mông có sự xáo trộn về tư tưởng và có ý định di cư đến địa bàn giáp biên giới Việt - Lào thuộc huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên), gặp "vua Mông".

Cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh Lai Châu tăng cường xuống cơ sở thực hiện "4 cùng" với nhân dân.


Pu Sam Cáp là xã đặc biệt khó khăn của huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu với diện tích gần 5 nghìn héc ta, hơn 1,1 nghìn nhân khẩu, trong đó có tới 94% người dân tộc Mông. Nằm cách trung tâm huyện 75 km, Pu Sam Cáp đã trở thành điểm nóng khi hệ thống chính trị của xã yếu kém kéo dài nhiều năm, nội bộ mất đoàn kết, tranh dành quyền lực giữa các dòng họ… Thậm chí vào tháng 6/2006, Bí thư Chi bộ xã không chịu nổi áp lực tâm lý đã ăn lá ngón tự tử.

Qua công tác nghiệp vụ, Phòng An ninh xã hội, Công an tỉnh Lai Châu đã nắm được một bộ phận cán bộ, đảng viên lập trường tư tưởng không vững vàng, dao động trước luận điệu tuyên truyền "nhà nước Mông". Cá biệt có trường hợp như đối tượng Hầu A Nính, trong thời gian làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã đã đưa nhiều người thân không đủ trình độ vào các cương vị trong bộ máy xã, chiếm đoạt tiền từ các chương trình hỗ trợ. Cuối tháng 9/2006, Cháng A Phía và Vừ A Nếnh móc nối với Hầu A Nính hoạt động "nhà nước Mông", chúng lôi kéo gần 100 thanh niên dân tộc Mông ở 5 bản trong xã vào rừng, làm lán huấn luyện vũ trang để đưa sang Lào thành lập "nhà nước Mông".

Khi bị phát hiện, Nính đưa vợ con bỏ trốn ra nước ngoài, tiếp tục lôi kéo một số cán bộ xã bỏ trốn, kích động người dân di cư sang Lào, Trung Quốc. 5 bản của Pu Sam Cáp bị ảnh hưởng, các đối tượng lợi dụng sinh hoạt tôn giáo để tuyên truyền kích động, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Một số người ở hai dòng họ kiện nhau, kiện cán bộ nhằm cô lập cấp ủy, chính quyền và cán bộ tăng cường; hoạt động của hệ thống chính trị bị tê liệt…

 
Các cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh Lai Châu giúp dân tăng gia sản xuất, ổn định cuộc sống.


Để giải quyết vấn đề phức tạp ở Pu Sam Cáp, Phòng An ninh xã hội phải đưa quân xuống địa bàn, nhiều tháng trời lặn lội, ăn, ở cùng bà con dân bản tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, giải quyết từng vấn đề nhỏ phát sinh. Bên cạnh kế hoạch đấu tranh bóc gỡ, vô hiệu hóa hoạt động của các đối tượng, hệ thống chính trị xã được củng cố, kiện toàn và hoạt động hiệu quả hơn. Đầu năm 2012, đơn vị tham mưu Ban Giám đốc đề xuất triển khai Đề án "Củng cố, xây dựng hệ thống chính trị, đảm bảo an ninh nông thôn, chăm lo phát triển kinh tế xã hội xã Pu Sam Cáp giai đoạn 2012-2015". Đến nay, hệ thống chính trị xã được củng cố toàn diện, tình trạng yếu kém, mất đoàn kết được khắc phục, an ninh, trật tự được giữ vững ổn định.

Câu chuyện ở Pu Sam Cáp chỉ là một trong số rất nhiều thành công mà Phòng An ninh xã hội đã đạt được. Khi được hỏi về những khó khăn mà cán bộ, chiến sỹ của Phòng phải đối mặt, Đại tá Vũ Văn Hiền - người giữ lửa trong phong trào "4 cùng" với nhân dân chia sẻ, vất vả nhất vẫn là đường đi. Suốt bao năm qua, Phòng đưa anh em xuống địa bàn tới 90% quân số, nơi xa nhất là xã Tà Tổng của huyện Mường Tè, cách trung tâm tỉnh đến 200 km, các bản Nậm Ngà, Tia Ma Mủ, Ba Tết cách trung tâm xã tới 30 - 40 km. Trước đây anh em đi bộ từ xã tới bản phải trèo đèo, lội suối 2 ngày mới tới nơi, giờ có thể đi xe máy nên khoảng cách cũng được kéo lại gần hơn, tuy nhiên trời mưa vẫn rất khó đi. Dù vậy, anh em cán bộ, chiến sỹ luôn duy trì quân số bám bản, bám làng. Bản thân anh cũng là người cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với dân làng. Anh đã cùng đồng đội đấu tranh làm thất bại âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn Lai Châu nhiều năm qua.

Cán bộ Công an tỉnh Lai Châu tuyên truyền pháp luật cho bà con dân tộc thiểu số.


Khó mà kể hết những thành tích mà Phòng An ninh xã hội Công an tỉnh Lai Châu đã làm được trong nhiều năm qua. Chỉ biết rằng, trong khoảng hơn 10 năm, Phòng đã đấu tranh làm tan rã nhiều nhóm đối tượng lôi kéo bà con thành lập Nhà nước Mông và kích động khiếu kiện ở các địa bàn Than Uyên, Tân Uyên, Nậm Nhùn, giúp nhiều địa phương đảm bảo an ninh, trật tự, tham mưu củng cố hệ thống chính trị như ở huyện Sìn Hồ… nhiều địa bàn từ phức tạp ổn định trở lại, bà con chăm lo phát triển kinh tế.

Năm 2015, Phòng An ninh xã hội Công an tỉnh Lai Châu đã đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Đó là sự ghi nhận, tôn vinh của Đảng, Nhà nước cho những cống hiến không mệt mỏi của các cán bộ, chiến sỹ an ninh luôn hết mình bảo vệ cuộc sống cho nhân dân, bảo vệ khối đại đoàn kết các dân tộc ở một vùng núi cao Tây Bắc./.

Trần Hằng - Việt Hà
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website