Đã hơn 6 năm trôi qua nhưng khi nhắc lại vụ cháy xảy ra ở chùa Linh Sơn Tự (chùa Tảo Sách), ngôi chùa hơn 600 năm tuổi ở số 386 Lạc Long Quân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, ký ức lại ùa về với Trung úy Nguyễn Quang Thuấn, thuộc Phòng Cảnh sát PCCC số 6, Cảnh sát PCCC TP Hà Nội.
Đó là tờ mờ sáng 27/1/2011, mọi người đang ngủ thì bất chợt còi báo động hú vang. Nhận được thông tin chùa Tảo Sách bị cháy, lực lượng PCCC TP Hà Nội đã huy động 4 xe chữa cháy, 2 xe nước của công ty môi trường và hàng chục cán bộ, chiến sỹ tức tốc tới hiện trường. Khi ấy, toàn bộ tòa Tam Bảo của chùa đang bốc cháy dữ dội, gió thổi mạnh khiến lửa bạt ngang, cháy lan nhanh chóng. Vì trong chùa chủ yếu là sách nên lính cứu hỏa tập trung chống cháy lan và chữa cháy chính diện ngôi chùa. Sau khi ngọn lửa được khống chế hoàn toàn, nhóm của Trung úy Thuấn tiếp tục vào dập than, gạn tàn tro để chống lửa âm ỉ sót lại. Khi công việc kết thúc, vừa rút ra chưa tới cửa, bất ngờ một trụ bê tông đổ xuống khiến Trung úy Thuấn và một số đồng đội ngã ra bất tỉnh.
|
Công tác chữa cháy luôn gặp nhiều rủi ro, nguy hiểm.
|
“Mở mắt ra đầu vẫn còn choáng, tôi thấy mình đang nằm tại Bệnh viện Việt Đức, người đau ê ẩm”- Trung úy Nguyễn Quang Thuấn nhớ lại. Nghe người nhà kể anh mới biết, khi trụ bê tông đổ vào người, anh đã bị thương vỡ xương chậu, đứt ruột và vỡ bàng quang. Thời điểm đó, gia đình, người thân và lãnh đạo, anh em đơn vị đều nghĩ anh khó có thể qua khỏi. Sau gần 12 tiếng đồng hồ mổ cấp cứu nhiều bộ phận bị thương tổn cùng một lúc, dù tỉ lệ an toàn rất thấp nhưng theo các bác sĩ thời gian gấp rút, không có cách nào khác. Cả gia đình, đồng đội lo lắng đứng ngoài phòng mổ, rồi thở phào khi bác sĩ thông báo, ca mổ thành công, anh may mắn qua cơn nguy kịch.
Cũng trong vụ cháy lớn tại chùa Tảo Sách, một người đồng đội của Thuấn là Trung úy Đỗ Mạnh Đức, hiện đang công tác tại Phòng Công tác đảng, Công tác chính trị và Công tác quần chúng (Cảnh sát PCCC TP Hà Nội) cũng bị thương nặng. Chỉ vào vết sẹo dài gần 50cm sau lưng, đồng chí chia sẻ: “Mọi thứ ập xuống bất ngờ, mình chỉ kịp phản xạ lùi lại khi mái đầu hồi sập xuống nhưng vẫn bị thương ở chân và một số phần mềm. Không tự di chuyển được, lại bị thanh gỗ đang cháy bén vào lưng gây bỏng, may mắn mình được đồng đội có mặt kịp thời kéo ra ngoài…”.
Là lính cứu hỏa, ngoài việc dập lửa còn có nhiệm vụ quan trọng khác là cứu nạn, cứu hộ. Cho tới bây giờ, nhiều người dân khi chứng kiến vụ cháy tại phường Gia Thụy, quận Long Biên, TP Hà Nội vẫn không quên được hành động dũng cảm cứu người của Trung tá Phạm Văn Tuấn.
Chiều 18/8/2011, nhận được tin báo cháy tại Công ty TNHH Kinh doanh ứng dụng trang thiết bị bảo hộ lao động Hương Dũng, số 487, đường Nguyễn Văn Cừ (Gia Thụy, Long Biên), các đơn vị chữa cháy đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Trước diễn biến phức tạp của đám cháy, lực lượng chữa cháy vừa phải ứng biến linh hoạt để không gây thiệt hại về người, đồng thời hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản do đám cháy gây ra.
Trung tá Phạm Văn Tuấn khi đó đang là Đội phó Đội chữa cháy chuyên nghiệp Phòng Cảnh sát PCCC Long Biên được giao nhiệm vụ trinh sát đám cháy. Phát hiện có 3 công nhân nữ đang hoảng loạn và bị kẹt trên tầng 3 của toà nhà, anh nhanh chóng đeo mặt nạ chống độc, lần lượt đưa 3 người xuống đất an toàn. Quay trở lại tầng 3 tiếp tục tìm kiếm, anh bị ngạt khói và ngất đi. Khi đồng đội khống chế được đám cháy, mới phát hiện anh đang nằm bất động trên sàn nhà, với nhiều vết thương ở đầu và mặt… Ngay sau đó, anh đã được đưa tới Bệnh viện Việt Đức. Tại đây, bác sĩ cho biết, anh bị đa chấn thương với vết thương nặng vùng đầu, bị gãy 3 chiếc xương sườn, may mắn được cấp cứu kịp thời vì chỉ chậm chút nữa nguy hiểm đến tính mạng...
|
Trung úy Nguyễn Quang Thuấn, Trung úy Đỗ Mạnh Đức và Thượng sĩ Nguyễn Văn Quang.
|
Trong trận chiến với “giặc lửa” tại cụm làng nghề Ninh Sở, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín (Hà Nội), khoảng 0 giờ ngày 15/10/2015, chiến sỹ thương binh Nguyễn Văn Quang, Phòng Cảnh sát PCCC số 7 (Thanh Trì) đã bị dòng nham thạch nhựa sôi chảy bắn vào người khiến chân, tay và toàn thân bị lột da đỏ rát dẫn đến bị bỏng nặng.
Chiến sỹ Nguyễn Văn Quang nhớ lại: Khi ngọn lửa bao trùm nhà xưởng tại Ninh Sở, lực lượng cứu hỏa có mặt triển khai đội hình ngay, song do phần lớn xưởng sản xuất đều là những chất dễ cháy, ngọn lửa bùng phát mạnh nên sau 30 phút nỗ lực chữa cháy, gần 80 cán bộ, chiến sỹ vẫn chưa thể dập tắt ngọn lửa. Lúc này, Quang được lệnh cùng với đồng đội cầm lăng vòi tiến sâu chống cháy lan sang xưởng khác. Đúng lúc đó, dưới hai chân anh là một dòng chất lỏng đặc quánh ùn ùn từ trong xưởng chảy ra. Không thể vứt lăng xuống đất, Quang và đồng đội tiếp tục đưa cao dòng nước thì chân bỏng rát không nhấc nổi, chất lỏng sôi bắn vào tay, chân, lưng khiến da bỏng nặng.
Theo Trung tá Nguyễn Xuân Tuấn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 7, trước đó, chiến sĩ Nguyễn Văn Quang cũng đã tham gia chi viện chữa cháy tòa nhà cao tầng tại Khu đô thị Xa La, quận Hà Đông. Đám cháy xảy ra chập tối và chất cháy là nhựa nên sản sinh ra lượng khói dày đặc. Thời điểm xảy cháy vào lúc sau giờ cơm tối nên có rất nhiều người mắc kẹt trong tòa nhà. Trong quá trình làm nhiệm vụ, các chiến sỹ đã bất chấp nguy hiểm để di chuyển người dân khỏi trận hỏa hoạn nguy hiểm. Nhanh chóng tiếp cận hiện trường, chiến sĩ Nguyễn Văn Quang đã chạy bộ lên các tầng cao để cùng đồng đội hướng dẫn bà con thoát nạn an toàn.
Sau khi cấp cứu tại bệnh viện, Hội đồng Giám định Y khoa, Bệnh viện 19/8 (Bộ Công an) đã giám định tỷ lệ thương tật 28% đối với chiến sỹ Nguyễn Văn Quang. Ngày 08/8/2016, Bộ Công an đã ban hành Quyết định số 6198/QĐ-X33 công nhận thương binh đối với đồng chí Nguyễn Văn Quang; cùng với đó là Trung úy Nguyễn Quang Thuấn bị thương tật 59%, chiến sĩ Đỗ Mạnh Đức thương tật 23%, chiến sĩ Phạm Văn Tuấn bị thương tật 21%.
Nhìn những vết sẹo trên người chiến sỹ Cảnh sát PCCC, ai nấy cũng đều xúc động trước sự hy sinh, tận tụy, trách nhiệm của các chiến sỹ Cảnh sát PCCC trẻ tuổi. Nghề nào cũng có những vinh quang riêng, với những cán bộ, chiến sĩ PCCC, họ có rất nhiều nỗi niềm mà ít được ai chia sẻ./.