Trại giam Phú Sơn là một trại giam lớn. Nhận thấy công tác đào tạo, giáo dục văn hóa, chính trị pháp luật cho phạm nhân là một vấn đề tối quan trọng nên Đội Giáo dục - Hồ sơ của Trại giam Phú Sơn được xây dựng với các cán bộ giỏi, nhiều kinh nghiệm. Theo Trung tá Nguyễn Sỹ Tâm - Đội trưởng Đội Giáo dục - Hồ sơ cho biết: "Hiện tại Đội có 20 cán bộ, chiến sỹ. Ngoài công tác tham mưu giúp Giám thị trại giam xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện nội dung giáo dục cho phạm nhân, đội còn chịu trách nhiệm quản lý hồ sơ, cập nhật thông tin thực hiện chế độ chính sách, pháp luật và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng…".
|
Các phạm nhân chăm chú nghe giảng. |
Có thể nói, những cán bộ, chiến sỹ của đội Giáo dục - Hồ sơ là những người đặt nền móng cho cuộc sống hoàn lương, trở về xã hội của những phạm nhân đang thụ án nơi đây. Đơn vị thường xuyên tổ chức các lớp giáo dục kỹ năng tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân sắp hoàn thành thời gian thụ án, các lớp học thời sự, chính trị pháp luật, nội quy trại giam và đặc biệt là lớp học xóa mù chữ cho những phạm nhân chưa biết chữ. Trong quãng thời gian từ 2012-2016, số lượng phạm nhân mà những người thầy đặc biệt này đã giảng dạy lên tới con số gần 10 ngàn.
Ngoài các lớp học nói trên, Đội Giáo dục - Hồ sơ còn chủ động phối hợp với các ban, ngành của tỉnh Thái Nguyên tổ chức các hoạt động văn hoá giáo dục. Mới đây nhất, Đội đã phối hợp với Thư viện tỉnh Thái Nguyên mở một thư viện trong trại giam với hơn 3.000 đầu sách, phục vụ cho nhu cầu giải trí, văn hoá cho phạm nhân. Trong dịp Tết, các cán bộ của Đội Giáo dục - Hồ sơ cũng là người đứng ra tổ chức các hoạt động văn hoá như cuộc thi làm báo tường với chủ đề "Mừng Đảng, mừng Xuân" và các cuộc thi vẽ tranh "Ngày mai tươi sáng", "Khát vọng hoàn lương". Cùng với đó là các phong trào văn nghệ, thể thao kết hợp nhằm nâng cao chất lượng trong công tác cải tạo, giáo dục cho phạm nhân.
|
Các tác phẩm báo tường trong cuộc thi do Đội Giáo dục - Hồ sơ tổ chức. |
Chia sẻ về những lớp học, Thượng uý Trần Ngọc Tùng, cán bộ của Đội Giáo dục - Hồ sơ, một "người thầy" nhiều năm đứng lớp cho biết: Mỗi lớp học được tổ chức đều được các phạm nhân tham gia và tiếp thu nội dung rất tốt. Chúng tôi đánh giá cao hiệu quả của những lớp học này và đặc biệt là lớp học xoá mù chữ. Hằng năm, lượng phạm nhân nhập trại rất đông và trong số đó những người không biết chữ chiếm tỉ lệ khá cao. Hầu hết những phạm nhân không biết chữ đều là những người có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đi học hoặc những thanh niên trẻ vùng cao do ham chơi không chịu đi học khi còn nhỏ.
Chị Ly Sẻo Chủ, người dân tộc Thái ở Sơn La là một trường hợp đặc biệt trong lớp học xoá mù chữ này. Phạm tội mua bán người, trong những ngày đầu thụ án, để giao tiếp với chị Chủ là một thử thách khó khăn với các cán bộ của Đội Giáo dục - Hồ sơ bởi chị Chủ không biết tiếng Kinh. Để giải quyết vấn đề này, Thượng úy Tùng phải tìm một phạm nhân biết tiếng Thái làm người phiên dịch. Mỗi buổi học, đồng chí đều kèm chị Chủ cẩn thận hơn cùng người phiên dịch ngồi cạnh. Sau một thời gian dài kèm cặp, chị Chủ đã biết đọc, biết viết và tự mình viết được những lá thư đầu tiên gửi về gia đình.
|
Thượng úy Trần Ngọc Tùng trong một giờ đứng lớp.
|
Trước khi bắt đầu tiến hành giáo dục, dạy văn hóa cho các phạm nhân, các cán bộ của đội đều phải nghiên cứu hồ sơ để nhận biết tâm lý từng người. Riêng với một số tội phạm chuyên nghiệp, từng ra tù vào tội quá nhiều lần, việc để họ tiếp thu bài học, tiếp thu sự giáo dục còn khó khăn hơn rất nhiều so với những phạm nhân không biết chữ. Có những người không thể dạy được trên lớp, Thượng úy Tùng cũng như một số đồng nghiệp phải tiếp xúc bên ngoài lớp học, hỏi han nắm bắt tâm lý đồng thời giúp đỡ họ trong cuộc sống, đồng cảm với họ, giúp họ hiểu được những điều có ích mà các cán bộ truyền tải qua lớp học và cải tạo tốt hơn. Như trường hợp của phạm nhân Cứ Thị Chu, một phạm nhân người dân tộc còn khá trẻ, lấy chồng từ năm 14 tuổi mà nay đã có 3 con. Gia đình chị Chu rất nghèo nên từ khi nhập trại không có ai đến thăm. Biết được hoàn cảnh đó, Trại đã cho xe đón người thân của chị Chu xuống thăm gặp, các cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị còn góp tiền để mua quần áo cho các con của chị Chu. Với trường hợp phạm nhân không có nơi nương tựa, không có nơi để về sau khi mãn hạn tù, các cán bộ của trại còn tạo điều kiện tìm việc làm cho họ để sớm trở về với cuộc sống lương thiện.
|
Thư cảm ơn phạm nhân gửi cán bộ Đội Giáo dục - Hồ sơ. |
Sau khi ra trại, có rất nhiều phạm nhân gửi thư cảm ơn đến các thầy giáo. Những bức thư với nét chữ nguệch ngoạc kể về nhiều câu chuyện vui có, buồn có nhưng đều cho thấy sự thành công của những người thầy giáo đặc biệt trong công tác giáo dục phạm nhân. Nhờ có những người thầy này mà họ biết đọc, biết viết và còn là chỗ chia sẻ, tâm sự mỗi khi gặp khó khăn trên con đường hoàn lương./.