Nữ quản giáo lấy tình người ươm mầm thiện

07/02/2017
Gần 10 năm gắn bó với công việc của người cán bộ quản giáo, xuất phát từ tình thương yêu và tấm lòng bao dung của mình, Thượng úy Nguyễn Thị Giang, nữ quản giáo hiện đang quản lý, giáo dục và dạy nghề cho 35 nữ phạm nhân làm chiếu trúc, thuộc Đội 35, Phân trại số 1, Trại giam số 6 (thuộc Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an) đóng trên địa bàn xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An đã thức tỉnh lương tri của hàng trăm con người lầm lỡ tìm lại con đường sáng.

Thượng úy Nguyễn Thị Giang 35 tuổi, quê quán tại xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Năm 2008, sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp Cảnh sát, đồng chí Giang được phân công công tác tại đơn vị Trại giam số 6. Nhận nhiệm vụ giáo dục, cải tạo những phận người đã từng lầm lỡ, đồng chí không khỏi lo lắng bởi thành phần, tính chất phức tạp của công việc. Thế nhưng khi trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của từng phạm nhân, chị mới nhận ra đằng sau những số phận lầm lỡ ấy là hoàn cảnh rất đáng cảm thông.

Thượng úy Nguyễn Thị Giang.


Sau một thời gian làm tốt nhiệm vụ giáo dục, cải tạo những phạm nhân có án nhẹ, án ngắn, lao động cải tạo bên ngoài khuôn viên đơn vị, Thượng úy Giang được giao nhiệm vụ tại nhà xưởng, là nơi dành cho những phạm nhân đang phải chấp hành án với các tội danh đặc biệt nghiêm trọng. Hiện, chị Giang đang phụ trách giáo dục Đội 35, là đội phạm nhân nữ, lao động làm chiếu trúc trong nhà xưởng.

Thử thách lớn nhất đối với nữ quản giáo trẻ là những phạm nhân nữ có tuổi đời lớn, án cao, án dài và án đặc biệt nghiêm trọng, thành phần phức tạp với đủ loại tội phạm từ ma túy, mại dâm đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thậm chí là giết người, một số chị em tuổi cao, phải thụ án dài nên có những thời điểm, tư tưởng còn hoang mang, dao động. Những lúc như vậy, Thượng úy Giang phải động viên tinh thần, phân tích, chia sẻ giúp chị em yên tâm cải tạo, lao động sản xuất để được giảm án, sớm trở về tái hòa nhập cộng đồng. Không những thế, với những phạm nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có người thăm nuôi, những lúc đau ốm, chị lại đóng vai trò là người mẹ, người chị để chăm lo, thuốc thang.


Thượng úy Giang đang hướng dẫn phạm nhân Đội 35 làm chiếu trúc.


Cho đến bây giờ, Thượng úy Giang cũng chẳng nhớ hết mình đã làm vậy bao nhiêu lần, với bao nhiêu phạm nhân, chỉ biết rằng, hiệu ứng của những việc làm ấy là sự ghi nhận chân tình của phạm nhân, không chỉ giúp cho quá trình giáo dục, cải tạo của họ tốt hơn mà nhiều người sau khi hết án, trở thành người có ích cho xã hội đã quay trở lại trại giam để nói lời cảm ơn như đối với người mẹ, người thầy thứ hai của cuộc đời mình. Phạm nhân Hờ Y Lỳ (45 tuổi) là một trong những trường hợp như vậy. Chấp hành án phạt 16 năm tù về tội giết người, nữ phạm nhân này vào trại đã nhiều năm qua nhưng không có người thân nào thăm nuôi. Trực tiếp gặp gỡ, tìm hiểu, Thượng úy Giang mới được biết, gia cảnh khó khăn lại cách xa địa điểm thụ án nên từ sau ngày vướng lao lý, mọi người trong gia đình gần như lãng quên người phụ nữ tội lỗi này. Phạm nhân Lỳ còn mang trong mình nhiều bệnh nên thường xuyên phải đến bệnh xá điều trị, những lúc như vậy, dù đồng lương không đáng là bao song Thượng úy Giang vẫn rút ví đưa cho phạm nhân của mình một ít để mua thêm đường, sữa. Nhận được tấm chân tình ấy, phạm nhân Lỳ đã rất cảm động, từ chỗ tư tưởng dao động, bất cần trước đó đã tu tâm cải tạo tốt hơn, được Hội đồng Giám thị xét giảm án hằng năm.


Hay như trường hợp của phạm nhân Lê Quốc Vinh, thụ án ở Đội 22 lao động sản xuất ngoài trời do Thượng úy Giang phụ trách. Năm đó, phạm nhân Vinh chẳng may để lạc mất một con bò và phải đối diện với án phạt. Trong hoàn cảnh đó, chính Giang đã đứng ra nhận trách nhiệm, sau đó cùng phạm nhân này tất tả đi tìm, mãi đến tối mịt mới phát hiện ra bò đi lạc sang đàn bò của người dân gần nơi đơn vị đóng quân. Năm 2013, phạm nhân Vinh hết thời gian thụ án, trở về địa phương hoàn lương, trở thành công dân tốt. Từ đó đến nay, anh Vinh thường xuyên trở lại trại giam để tri ân, nói lời cảm ơn đối với chị Giang như người mẹ đã khai sinh ra bản thân mình lần thứ hai trong cuộc đời này. Mới đây nhất, vào đầu năm 2016, khi hay tin vợ chồng chị Giang xây nhà mới, anh Vinh đã tìm đến, tặng một bức tranh để làm kỷ niệm.

Với sự cống hiến lặng lẽ của mình, năm 2016, Thượng úy Nguyễn Thị Giang được suy tôn là Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở. Trước đó, chị đã vinh dự được nhận Bằng khen của Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp; Hội phụ nữ Tổng cục trao tặng Bằng khen cho chị vì những cống hiến cho phụ nữ trong suốt 5 năm chị giữ cương vị là Hội trưởng Hội phụ nữ Phân trại số 1./.

Thiên Thảo
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website