Là một cán bộ y tế trong trại giam - môi trường phức tạp và có những đặc thù riêng, Trung úy Loan chia sẻ: Ngoài việc khám bệnh định kỳ, đột xuất cho toàn thể cán bộ, phạm nhân trong trại thì Đội Y tế hiện còn quản lý 195 phạm nhân đang điều trị ARV của chương trình Dự án quỹ toàn cầu, 23 phạm nhân điều trị lao, trong đó 17 phạm nhân lao thông thường và 5 phạm nhân lao đa kháng thuốc. Đặc thù người bị lao, nhiễm HIV cần phải được hỗ trợ về vấn đề thuốc thang, nhất là thuốc bổ, song chế độ chính sách có hạn, nhiều phạm nhân bị gia đình bỏ bê nên chịu thiệt thòi. Đặc biệt, số phạm nhân lao kháng thuốc có thời gian điều trị kéo dài hơn 20 tháng, tiêm liên tục trong 8 tháng và quá trình tiêm đau nên phạm nhân không hợp tác. Chính vì vậy, chị cũng như những cán bộ khác trong Đội phải rất vất vả để vận động họ uống thuốc.
“Có phạm nhân lao kháng thuốc mỗi ngày tiêm 1 mũi, đau và chai hết cả tay, uống thuốc vào rất mệt nên có ý bỏ điều trị. Trại đã động viên, bồi dưỡng thêm mỗi phạm nhân nằm viện 10.000 đồng/ngày ngoài chế độ chung của nhà nước. Có phạm nhân có biểu hiện tâm thần, khi thời tiết thay đổi thì cư xử không bình thường, không chịu uống thuốc còn ném trả lại, chửi bới cán bộ… nhưng các cán bộ y tế ở đây đều phải vững vàng tâm lý, bao dung, cảm thông với họ.” – Trung úy Loan cho biết thêm.
|
Trung uý Cao Phương Loan chuẩn bị thuốc để cấp phát cho phạm nhân. |
Việc chăm sóc phạm nhân trong Trại đã khó, nhưng với những phạm nhân nhiễm HIV còn khó hơn, Trung úy Loan cùng đồng nghiệp luôn nhắc nhở nhau phải cẩn thận để tránh bị phơi nhiễm. Phạm nhân nhiễm HIV tại đây hầu như đều ở giai đoạn cuối, cơ hội sống sót rất ít, nhiều người bị suy sụp tinh thần, không thiết sống nữa, thậm chí là bất cần, có ý định đe dọa cán bộ. Gặp trường hợp ấy, Trung úy Loan lại dành nhiều thời gian động viên, thuyết phục để họ tự nguyện đến điều trị, chấp nhận uống thuốc đúng giờ, đúng quy định của chương trình… Từ ngày Dự án quỹ toàn cầu đưa thuốc ARV vào Trại thì số phạm nhân tử vong vì HIV giảm xuống rất nhiều, nếu phạm nhân chăm chỉ điều trị, sức khoẻ sẽ dần được nâng lên. Trung uý Loan còn phân tích cho họ hiểu, trước đây HIV là bệnh nguy hiểm chết người, tuy nhiên hiện tại đã có phương thuốc để ức chế virus… Đến nay, chị đã điều trị thành công và chuyển 45 bệnh nhân từng nhiễm HIV hết án trở về đời thường.
Kể về một kỷ niệm đặc biệt khi làm điều dưỡng ở Trại, Trung uý Cao Phương Loan xúc động nhắc đến phạm nhân C, quê ở Hưng Yên phạm tội giết người, thụ án 15 năm tù. Trong quá trình thụ án, phạm nhân này luôn bị ám ảnh bởi hành vi của mình, hoang tưởng, la hét ầm ĩ, thậm chí nhiều lúc tự đập đầu vào tường, nghĩ ai đó đang giết mình… Hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ già yếu nên thời gian ở Trại anh không hề được người thân thăm gặp. Chị cùng mọi người trong đội đã bàn nhau thỉnh thoảng quyên góp tiền mua cho anh thùng mì tôm, đường sữa, vừa để bồi bổ sức khoẻ, vừa động viên tinh thần. Khi chấp hành án xong, được trở về, phạm nhân C nắm tay Trung úy Loan khóc mãi, gửi lời cảm ơn các cán bộ y tế vì đã luôn coi anh như người nhà chứ không phải một phạm nhân.
Trung tá Thái Duy Cử, Đội trưởng Đội Y tế và bảo vệ môi trường Trại giam số 3 nhận xét: “Đồng chí Loan rất nhiệt tình, năng nổ trong công tác dù việc điều trị ARV cho phạm nhân nhiễm HIV và điều trị lao kháng thuốc rất vất vả. Chị đặc biệt nhạy bén trong xử lý các tình huống cấp cứu, phản ứng thuốc…”.
Có lẽ, đối với những cán bộ y tế như Trung uý Loan thì những phạm nhân điều trị ở đây như người thân thiết. Họ vào rồi ra, đến rồi đi nhưng đều để lại một ấn tượng gì đó. Và gần như ăn ở, công tác 24/24h trong Trại nhưng Trung úy Loan vẫn vui vẻ, hạnh phúc với công việc. Chị nói, Trại giam số 3 là ngôi nhà thứ hai của mình, bởi vậy không yêu và không gắn bó sao được…/.