Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và sự phân công của lãnh đạo Bộ Công an, với vị trí, vai trò là đơn vị đầu mối của Bộ Công an về dẫn độ, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp đã tổ chức điểm cầu trực tuyến tham dự cuộc họp tại trụ sở Cục Pháp chế và cải cách hành, tư pháp. Kết thúc 02 ngày làm việc khẩn trương, hiệu quả, cuộc họp đã thảo luận và thống nhất các nội dung của Điều khoản tham chiếu để trình ASLOM xem xét và thông qua (Điều khoản tham chiếu là văn bản quy định về căn cứ xây dựng Hiệp định, việc thành lập, chức năng và số lượng thành viên của Nhóm chuyên gia, thời gian, địa điểm tổ chức các cuộc họp, cơ chế báo cáo và thời gian hoàn thành việc xây dựng dự thảo cuối của Hiệp định).
|
Toàn cảnh cuộc họp trực tuyến tại Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp. |
Theo đó, Hiệp định ASEAN về dẫn độ sẽ được xây dựng trên cơ sở Hiệp định mẫu ASEAN về dẫn độ và có tham khảo các điều ước quốc tế về dẫn độ. Các đại biểu cũng thống nhất tổ chức ít nhất 03 cuộc họp trong một năm để có thể hoàn tất dự thảo cuối của Hiệp định trình lên ASLOM trong thời hạn 02 năm kể từ ngày thông qua Điều khoản tham chiếu. Để thực hiện mục tiêu này, In-đô-nê-xi-a đề xuất đăng cai tổ chức cuộc họp lần thứ 2 Nhóm chuyên gia xây dựng Hiệp định ASEAN về dẫn độ vào tháng 8/2021.
Cùng với Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa các nước ASEAN, Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, Hiệp định ASEAN về dẫn độ khi được ký kết sẽ là công cụ pháp lý mạnh mẽ để các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng hợp tác phòng, chống tội phạm một cách hiệu quả, đặc biệt xét trong bối cảnh việc ký kết Hiệp định song phương về dẫn độ giữa các nước ASEAN còn khiêm tốn.