Bảo Lạc là một trong những huyện nghèo, nằm ở phía Tây của tỉnh Cao Bằng, với diện tích tự nhiên 91,926 ha, thời tiết rét đậm kéo dài, địa hình hiểm trở bị chia cắt bởi hệ thống núi cao, có độ dốc lớn khiến việc giao thương, đi lại hết sức khó khăn. Đồng bào nơi đây gồm nhiều dân tộc sinh sống như Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ..., trình độ dân trí thấp, đời sống nhân dân còn nhiều thiếu thốn. Để nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng, những năm qua, Công an huyện Bảo Lạc đã liên tục tham mưu các cấp, các ngành liên quan thường xuyên ban hành các công văn, kế hoạch về đảm bảo an ninh, trật tự (ANTT), nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Thời gian này, Công an huyện đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông tích cực phối hợp với lực lượng Công an các xã, thị trấn mở nhiều đợt tuần tra kiểm soát trên các tuyến đường, tập trung vào các giờ cao điểm. Đặc biệt là tuần tra ban đêm, phối hợp với Đội Quản lý trật tự đô thị và môi trường huyện tăng cường tuần tra kiểm soát, xây dựng và triển khai các đợt cao điểm đảm bảo ANTT. Cùng với đó là sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng trong rà soát và đề xuất xử lý các điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông và “điểm đen” tai nạn giao thông. Chú trọng đẩy mạnh xây dựng và triển khai các kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT, tăng cường tuần tra kiểm soát, xây dựng và triển khai các đợt cao điểm đảm bảo ANTT…
|
Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Bảo Lạc hướng dẫn cách sử dụng mũ bảo hiểm cho các em học sinh trên địa bàn. |
Trung tá Sầm Minh Hồ cho biết, công tác tuyên truyền luôn được Công an huyện xác định là công tác trọng tâm, có tính chất đột phá, quan trọng trong việc giảm tỉ lệ vi phạm Luật Giao thông đường bộ cũng như giảm số vụ tai nạn, va chạm giao thông. Để kế hoạch hiệu quả, đơn vị đã phân công trách nhiệm cụ thể từng cán bộ, chiến sỹ phụ trách công tác tuyên truyền, tới từng địa bàn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị, trường học để tổ chức tuyên truyền trên địa bàn huyện bằng nhiều hình thức như phát tờ rơi, tuyên truyền trực tiếp kết hợp kịch, sân khấu hóa… Ngoài ra, yếu tố rất quan trọng nữa là nội dung tuyên truyền phải thật ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, bằng các tiếng dân tộc phù hợp với địa bàn. Năm 2017, các kế hoạch tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT và thực hiện quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy được Đội Cảnh sát giao thông đơn vị đẩy mạnh trên các phương tiện truyền thông bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số. Hiện đã tuyên truyền, phổ biến pháp luật được hàng chục lượt, tại tất cả các Trường Trung học phổ thông, Trung học cơ sở hay tại phiên chợ với nhiều thông điệp phong phú, thu hút hàng nghìn lượt người tham gia, đạt hiệu quả cao…
Chia sẻ về những hạn chế còn tồn tại, Trung úy Lê Quang Nguyễn, cán bộ tuyên truyền Đội Cảnh sát giao thông cho biết, khó khăn nhất tại đây do trình độ dân trí thấp nên ý thức chấp hành các quy định pháp luật khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông của một bộ phận người dân chưa cao, vi phạm phần đông là thanh, thiếu niên. Chính vì vậy, Đội đã xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh phổ biến tuyên truyền liên tục trong cả chính các Trường Mầm non và Tiểu học, bằng cách đưa ra các tình huống thường gặp để mọi người cùng trả lời, cùng nhau hoàn thiện.
Bên cạnh đó, công tác tuần tra kiểm soát gặp nhiều khó khăn do lực lượng mỏng, địa bàn rộng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát còn hạn chế. Nhiều người dân trên địa bàn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thường mua lại các phương tiện xe mô tô, xe máy, xe ô tô đã qua sử dụng không đảm bảo chất lượng kỹ thuật, không được bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời; chưa chuyển quyền sở hữu là nguyên nhân tiềm ẩn tai nạn giao thông, khiến công tác xử lý mất nhiều thời gian… Xác định được nguyên nhân tồn tại, để góp phần đảm bảo tốt ANTT, TTATGT, Công an huyện Bảo Lạc cho biết, năm 2018, đơn vị sẽ thường xuyên bám sát địa bàn, tranh thủ những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số như già làng, trưởng bản... tiếp tục tổ chức các buổi tuyên truyền ngay tại cơ sở. Để chính người thân trong gia đình vận động lẫn nhau, giúp nhau cùng nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, cùng nhau hành động có trách nhiệm với chính mình, với gia đình, người thân, bạn bè và toàn xã hội, từ đó sẽ chủ động phòng ngừa và hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, giảm tổn thất không đáng có về tính mạng và tài sản…