Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 7 về công tác tư pháp và công tác phòng, chống tham nhũng

09/09/2022
Ngày 09/9/2022, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thế lần thứ 7 để thẩm tra các Báo cáo của Chính phủ, của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSNDTC), Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) về công tác tư pháp và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 tới. Đồng chí Lê Thị Nga Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chủ trì Phiên họp.

Tham dự Phiên họp có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, các Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách của Ủy ban Tư pháp; các cơ quan của Quốc hội tham gia thẩm tra; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành. Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an dự và phát biểu tại Phiên họp.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Phiên họp toàn thể tập trung thảo luận, trình bày ý kiến thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; ý kiến thẩm tra Báo cáo công tác của Viện trưởng VKSNDTC; thẩm tra Báo cáo công tác của Chánh án TANDTC; thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án.; Báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN.
 

Toàn cảnh phiên họp.


Tại Phiên họp, các đại biểu nghe Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp, đại diện Tiểu ban I Nguyễn Công Long trình bày ý kiến thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022, cho biết, Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2022 về cơ bản đã bám sát vào các yêu cầu theo đề cương báo cáo của Ủy ban Tư pháp. Báo cáo đã đánh giá được tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật, chỉ ra những mặt đạt được, hạn chế và nguyên nhân của công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2022; đưa ra dự báo về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2023 và những kiến nghị cụ thể nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc để nâng cao chất lượng của công tác này. Báo cáo cũng thống kê được cụ thể các loại tội phạm, báo cáo cụ thể được kết quả, tiến độ thực hiện các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp tại Báo cáo thẩm tra năm 2021 và các năm trước. 

Về công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm, đồng chí Nguyễn Công Long nêu rõ, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về trật tự xã hội giảm, tuy nhiên một số loại tội phạm gia tăng, như: Giết người, vi phạm các quy định về quản lý đất đai, một số loại tội phạm tuy giảm những diễn biến phức tạp, tính chất nghiêm trọng như các tội về phạm ma túy, cướp (cướp ngân hàng, tiệm vàng), cướp giật, chống người thi hành công vụ.

Việc lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để trục lợi đã và đang gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước, người dân và xảy ra ở nhiều cấp, ngành, địa phương. Trong đó, nổi lên là một số vụ án có quy mô, phạm vi đặc biệt lớn như các vụ mua bán, đấu thầu, mua sắm trang thiết bị vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch; thực hiện các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ các vùng dịch về nước. Đặc biệt, liên quan đến các vụ việc trên còn có cả những bị can nguyên là cán bộ cấp cao đã lợi dụng chính sách của Nhà nước làm trái quy định để vụ lợi.

Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập dẫn đến các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội. Nhất là việc quản lý mạng viễn thông, mạng Internet, mạng xã hội vẫn chưa đạt yêu cầu, tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng vẫn diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức thủ đoạn mới, tinh vi hơn điển hình như sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tín dụng đen, tổ chức đánh bạc, cá độ bóng đá, xâm nhập hệ thống ngân hàng để thu thập, đánh cắp thông tin chiếm đoạt tài khoản của khách hàng, phát tán tin nhắn quảng cáo hoạt động cờ bạc, mại dâm...

Công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ còn nhiều sơ hở dẫn đến một số đối tượng lợi dụng để thao túng, lũng đoạn thị trường chứng khoán, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp gây thiệt hại cho hàng nghìn nhà đầu tư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đến thị trường vốn, đến an ninh, tài chính tiền tệ. Trong đó hành vi vi phạm được thực hiện trong một thời gian dài mới được phát hiện, xử lý. Tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm trong lĩnh vực đất đai xảy ra ở nhiều địa phương.

Về công tác phát hiện xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Công Long cho biết, theo Báo cáo của Chính phủ năm 2022, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và chính quyền các cấp, sự nỗ lực cố gắng của các cơ quan chức năng, công tác phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đã đạt được nhiều kết quả tích cực và đạt chỉ tiêu của Quốc hội giao như: đã khám phá nhiều đường dây ma túy với số lượng thu giữ hàng triệu viên ma túy tổng hợp. Nhiều vụ án tham nhũng, chức vụ lớn được điều tra xử lý dứt điểm; các vụ trọng án giết người, giết nhiều người được khám phá nhanh, đạt kết quả cao, được sự ủng hộ và đồng tình của nhân dân. Các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cũng cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý hàng triệu vụ vi phạm hành chính, góp phần bảo đảm trật tự an toàn và ổn định xã hội. Thanh tra, kiểm toán đã phát hiện nhiều vi phạm, kiến nghị thu hồi cho ngân sách Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng, chuyển nhiều vụ việc có dấu hiệu hình sự sang Cơ quan điều tra chuyên trách để xử lý theo thẩm quyền.

Đại diện Tiểu ban 1 của Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ cần sớm khắc phục những hạn chế đã nêu trong các Báo cáo thẩm tra và tiếp tục đánh giá kết quả thực hiện các kiến nghị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp và đại biểu Quốc hội đã nêu tại các kỳ họp trước. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan phối hợp cùng VKSNDTC thống nhất về tiêu chí thống kê tất cả các loại tội phạm để báo cáo Quốc hội đúng quy định của Nghị quyết số 96.

Đồng thời tiếp tục có những biện pháp nâng cao năng lực quản lý nhà nước, hoàn thiện thể chế, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực đất đai, tài chính, tín dụng, công nghệ thông tin, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, môi trường, an toàn thực phẩm, thực hiện các gói hỗ trợ an sinh xã hội... để hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm pháp luật, tội phạm và kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh đối với những vi phạm pháp luật, tội phạm trên các lĩnh vực này.

Cũng tại Phiên họp, các đại biểu nghe ý kiến thẩm tra Báo cáo công tác của Viện trưởng VKSNDTC, ý kiến thẩm tra Báo cáo công tác của Chánh án TANDTC, Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, ý kiến thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng.
 

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại phiên họp.


Phát biểu tại Phiên họp toàn thể lần thứ 7 Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chiều 09/9, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc trân trọng cảm ơn Cơ quan thẩm tra và nhiều ý kiến tâm huyết đối với báo cáo của Chính phủ về công tác PCTP, đồng thời khẳng định sẽ tiếp thu nghiêm túc các ý kiến, bổ sung vào báo cáo phục vụ Kỳ họp thứ 4 sắp tới.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, hàng năm, với vai trò là cơ quan chủ trì, Bộ Công an thường xuyên chủ động tham mưu cho Chính phủ phối hợp các bộ, ngành, địa phương xây dựng các kế hoạch chủ động giải quyết công tác PCTP, cơ bản các kiến nghị đã được giải quyết, báo cáo. Bộ Công an cũng rất coi trọng công tác giải quyết án tạm đình chỉ, đã phối hợp giữa các ngành và bản thân Cơ quan điều tra Bộ Công an đã có Kế hoạch số 13 để giao chỉ tiêu đối với các cơ quan, đảm bảo năm sau giảm loại án này so với năm trước. Tuy nhiên, số liệu tồn đọng là từ nhiều năm và có tình hình phức tạp của những năm gần đây, nên lượng có giảm nhưng chưa đáp ứng được thì lại có lượng tăng lên. Các cơ quan cũng cố gắng nỗ lực giám định, định giá trong một số vụ án, tích cực tháo gỡ, nhưng vẫn có vướng mắc. Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát để tập trung giải quyết vấn đề này.

Về công tác phòng, chống tội phạm ma túy, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc thông tin, Bộ Công an đã rất chủ động có giải pháp kéo giảm tội phạm, cố gắng mỗi năm giảm 5% tội phạm so với năm trước. Về ma túy, Bộ Công an đã đề xuất hoàn thiện pháp luật để có Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 01/01/2022; có các nghị định của Chính phủ, thông tư của các bộ và Điện của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 4/2022 đôn đốc các bộ, ban, ngành tập trung các giải pháp. Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ, bước đầu phối hợp với Bộ Công an Lào xây dựng kế hoạch cùng đấu tranh tội phạm từ xa, đặc biệt là tội phạm ma túy.

Về cơ cấu tội phạm và phòng, chống tội phạm, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho rằng, ở mỗi giai đoạn thì cơ cấu tội phạm có những điểm khác nhau. Từ năm 2020 đến nay là tội phạm lợi dụng dịch bệnh, thiên tai, tội phạm mạng không biên giới. Bộ Công an đã nhận diện, phân ra các giai đoạn để xác định cơ cấu tội phạm trong các giai đoạn đó, sau đó tổng kết lại, tham mưu Bộ Chính trị, Chính phủ chỉ đạo các địa phương, phối hợp các bộ, ban, ngành chủ động trong lĩnh vực này. 
 

Các đại biểu trao đổi bên lề Phiên họp.


Thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh, Bộ Công an sẽ tích cực có các biện pháp, nhưng quan trọng nhất là sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhân dân, vừa tuyên truyền, vừa đấu tranh, vừa phòng ngừa, vừa triệt phá thì mới đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.

Về công tác PCTN, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác PCTN,TC và Phiên họp thứ 22 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN,TC vừa rồi đã rõ sự chỉ đạo, kết quả, dự báo trong thời gian tới. Tuy nhiên 05 vụ án: vụ Việt Á, vụ án Cục Lãnh sự, vụ FLC, Tân Hoàng Minh, vụ AIC thì các cơ quan, trong đó Cơ quan điều tra Bộ Công an đã kiến nghị tương đối sát. Đồng chí cho rằng, cần thiết phải có hậu thanh tra, kiểm tra để đảm bảo kiềm chế tội phạm tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục hoàn thiện một số thể chế pháp luật, kiến nghị cảnh báo những luật dễ bị các đối tượng lợi dụng chính sách, sơ hở để sai phạm. Đồng chí kiến nghị tiếp tục ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư, Đề án 06 của Chính phủ về Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, từ đó sẽ hạn chế tình trạng "tham nhũng vặt".

 

Quỳnh Vinh - Quang Minh
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website