Tham dự Lễ phát động có các đồng chí trong Ban Giám đốc Công an tỉnh và Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Bạc Liêu xây dựng kế hoạch mở cao điểm 90 ngày đêm, trong đó xác định các nội dung trọng tâm cần quán triệt thực hiện trong toàn lực lượng về triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”, góp phần phục vụ việc cấp Căn cước công dân, cấp tài khoản định danh điện tử, dịch vụ công trực tuyến để chuẩn bị các điều kiện bảo đảm triển khai hiệu quả, kịp thời các quy định của Luật Cư trú 2020 về việc Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hết giá trị sử dụng sau ngày 31/12/2022 và tăng cường đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án 06/CP trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở đó, Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương rà soát, giải quyết hồ sơ đề nghị hủy, xác lập lại số Định danh cá nhân, tăng cường các giải pháp làm sạch dữ liệu dân cư; phân loại công dân trên địa bàn chưa được cấp Căn cước công dân theo diện thường trú, tạm trú, chưa được đăng ký thường trú, cập nhật biến động dân cư trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đối sánh, điều chỉnh; tổ chức phân bổ chỉ tiêu cho Công an các xã, phường, thị trấn bảo đảm trước ngày 01/01/2023 kích hoạt thành công hơn 850.000 tài khoản định danh điện tử mức 1 và mức 2.
|
Toàn cảnh buổi Lễ. |
Đối với 11 dịch vụ công trực tuyến thuộc Đề án 06/CP do Bộ Công an chủ trì phải bảo đảm tối thiểu 30% hồ sơ đăng ký thường trú, 50% hồ sơ đăng ký tạm trú, 70% hồ sơ khai báo tạm vắng, 100% hồ sơ thông báo lưu trú; các thủ tục còn lại đảm bảo đạt từ 30 – 40% được thực hiện thông qua dịch vụ công trực tuyến. Để bảo đảm các điều kiện thực hiện quy định của Luật Cư trú 2020, Công an tỉnh đã tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương nghiên cứu, sử dụng hiệu quả 07 phương thức sử dụng thông tin công dân (gồm: Sử dụng thẻ Căn cước công dân; Sử dụng thiết bị đọc mã QRcode; Sử dụng thiết bị đọc chíp trên thẻ Căn cước công dân; Khai thác thông tin cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Sử dụng phần mềm VNeID trên thiết bị điện tử; Sử dụng giấy xác nhận cư trú; Sử dụng số định danh cá nhân) để thay thế việc yêu cầu xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.
Giám đốc Công an tỉnh cũng đề nghị Công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh thực hiện Đề án 06/CP qua việc triển khai thực hiện hiệu quả các “mô hình điểm” như: Bố trí máy tính internet tại bộ phận tiếp dân, một cửa để hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến; phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện 100% thông báo lưu trú qua dịch vụ công trực tuyến; bảo đảm 100% nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn thực hiện thông báo lưu trú qua dịch vụ công trực tuyến hoặc phần mềm VNeID trên thiết bị điện tử; đồng bộ 100% đối tượng chính sách trên hệ thống định danh và xác thực điện tử để chi trả trợ cấp; mở tài khoản chữ ký số trên phần mềm VNeID để phục vụ cha mẹ học sinh và nhà trường trong quá trình thu, nộp học phí; tổ chức cho 100% lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an cấp xã được đào tạo, tập huấn thực hiện Đề án 06/CP trên hệ thống đào tạo trực tuyến ADTEECH.