Bến đò chùa Liên Hoa (xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) nằm ven Quốc lộ 1 hoạt động nhiều năm nay đã được nâng cấp kiên cố, người và phương tiện qua lại thuận tiện. Thực hiện cuộc vận động xây dựng “Bến đò ngang văn hóa - an toàn” trên đò trang bị đầy đủ áo phao, dụng cụ cứu sinh cứu đắm theo quy định; phương tiện có bảng quy định bến đò ngang văn hóa - an toàn với số điện thoại của Công an cơ sở; niêm yết giá công khai trên đò, lối lên xuống đảm bảo tầm nhìn cho phương tiện. Ông Dương Tấn Tài (chủ bến đò) cho biết: “Người lái phải có chứng chỉ chuyên môn, phương tiện được đăng kiểm đúng hạn, có trang bị phao tròn, áo phao và không chở quá số người quy định. Những lúc mưa to, gió lớn là đò tạm ngừng hoạt động”.
Đội Cảnh sát giao thông, trật tự Công an huyện Hòa Bình thường xuyên kiểm tra các điều kiện hoạt động theo quy định pháp luật đối với các bến khách ngang sông trên địa bàn; bảo đảm phương tiện hoạt động đưa rước khách phải có đủ giấy phép hoạt động; thực hiện đăng kiểm định kỳ, niêm yết giá, trang bị áo phao đầy đủ; chủ phương tiện, tài công thông hiểu được các hành vi vi phạm, mức phạt đối với lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa. Nhờ vậy, chủ phương tiện, tài công đều nhận thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa, không chủ quan, lơ là gây mất an toàn cho hành khách qua sông…
Tỉnh Bạc Liêu có hàng trăm bến khách ngang sông, trong đó có nhiều bến qua sông lớn và các bến đò chở khách qua sông nơi có dòng chảy xiết, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy nội địa. Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Bạc Liêu phối hợp liên ngành kiểm tra 147 lượt, với 125 bến lên xuống hàng hóa, 247 bến khách ngang sông; lập biên bản 86 trường hợp; tổ chức cho trên 200 lượt chủ bến thủy nội địa, công trình vượt sông, phương tiện vận tải thủy nội địa, bến khách ngang sông ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định về trật tự, an toàn gioa thông đường thủy nội địa. Thượng tá Huỳnh Văn Sáng, Trưởng Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết, sự chủ quan của chủ phương tiện và hành khách trong sử dụng áo phao, dụng cụ nổi tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng nếu như không may xảy ra tai nạn giao thông. Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đơn vị tích cực tuyên truyền để người dân hiểu, tự giác thực hiện quy định mặc áo phao, đặc biệt trong mùa mưa bão và những ngày thời tiết diễn biến phức tạp.
Đồng chí Nguyễn Thanh Bằng, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Cà Mau cho biết, hiện hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh đang phát triển nhanh, nên các phương tiện tham gia giao thông thủy giảm, nhưng không vì thế mà lơ là, chủ quan. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu ngành chức năng tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý hoạt động chở khách ngang sông. Cương quyết đình chỉ hoạt động bến đò ngang không phép, các phương tiện chở khách ngang sông đảm bảo điều kiện an toàn. Đối với những bến khách ngang sông có mật độ khách cao, địa bàn phức tạp, Ủy ban nhân dân cấp xã phải cử cán bộ theo dõi, giám sát việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của chủ bến, thường xuyên kiểm tra bến khách ngang sông, đò đưa rước học sinh. Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với các huyện, thành phố tiến hành rà soát trên địa bàn tỉnh còn bến nào hoạt động không phép sẽ xử lý nghiêm.
|
Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy Công an TP Cần Thơ trao áo phao tặng các tiểu thương ở chợ nổi Cái Răng. |
Những tháng đầu năm 2022, Phòng Cảnh sát đường thủy Công an TP Cần Thơ đã kiểm tra 4.349 trường hợp, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 1.845 trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 1,9 tỷ đồng; tước quyền sử dụng bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn có thời hạn 4,5 tháng đối với 17 trường hợp. Phòng Cảnh sát đường thủy còn phối hợp Công an các đơn vị, địa phương tổ chức 74 cuộc kiểm tra an toàn bến bãi và trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến sông và địa bàn giáp ranh; cho các chủ bến, chủ phương tiện thủy cam kết chấp hành nghiêm quy định khi tham gia giao thông thủy nội địa. Thượng tá Ðỗ Văn Thương, Phó trưởng Phòng Cảnh sát đường thủy Công an TP Cần Thơ cho biết, đơn vị đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường kiểm tra điều kiện hoạt động vận tải hành khách tại các bến khách ngang sông, bến tàu du lịch, kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với những trường hợp không đảm bảo điều kiện theo quy định; duy trì phối hợp tuần tra, kiểm soát với Cảnh sát đường thủy các địa bàn giáp ranh, kịp thời phát hiện vi phạm, xử lý đúng quy định của pháp luật.
Ông Lý Nhơn Quyền (ở xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) mở bến đò ngang sông hơn 10 năm qua. Ngoài thực hiện đăng ký, đăng kiểm theo quy định, ông Quyền còn trang bị phao cứu sinh, đèn khi hoạt động vào ban đêm. Hầu hết chủ các bến khách ngang sông trong tỉnh Hậu Giang cũng thực hiện nghiêm những quy định sau khi được tuyên truyền, vận động, ký cam kết, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn.
Theo Đại tá Võ Chí Thanh, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hậu Giang, tình hình trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực; tai nạn giao thông nghiêm trọng không xảy ra; ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy của người dân được nâng lên, góp phần kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh.